Đến 31/12/2014, phần lớn nhu cầu tín dụng ngoại tệ sẽ chính thức khép lại (ngoại trừ
tình huống Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nới thời hạn). Đây là chủ đích của
nhà điều hành từ nhiều năm trước.
Chỉ còn nửa tháng nữa, chính sách cho vay bằng ngoại tệ phần lớn sẽ khép lại. Về vĩ mô, vị thế VND có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ. Về nguồn vốn, doanh nghiệp sẽ tranh thủ cơ hội cuối này.
Theo Thông tư số 29/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2014, các tổ chức tín dụng sẽ phải chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với phần lớn các nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay.
Lẽ ra chính sách trên đã thực hiện hai năm trước. Nhưng, vì lợi ích của nó, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt nhượng bộ hai lần, năm 2013 và 2014.
Vì sao khép lại?
Xét cả quá trình chất vất và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước những năm gần đây, có một hỗ trợ và lợi ích lớn cho doanh nghiệp gần như không được nói tới: chính sách tín dụng ngoại tệ.
Từ cuối năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bắt đầu thực hiện “công bố đáp án” trước trong điều hành tỷ giá. Cam kết khoảng biến động chỉ 1-2% qua các năm trở thành một chỗ dựa quan trọng cho doanh nghiệp. Họ chủ động vay vốn ngoại tệ mà gần như không phải lo lắng rủi ro tỷ giá như trước; hoặc có rủi ro thì hoàn toàn kiểm soát ở mức chấp nhận được.
Theo đó, tín dụng ngoại tệ trở thành một nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp. Lãi suất vay những năm gần đây chỉ khoảng 3-5%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi vay bằng VND. Cộng với biến động tỷ giá USD/VND trong phạm vi hẹp, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ được nguồn vốn giá trị này. Nói chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn cũng nằm ở đây.
Đó cũng là lý do chính mà Ngân hàng Nhà nước lần lượt cuối 2012 và 2013 ra văn bản điều chỉnh, hoãn việc ngừng cho vay ngoại tệ. Bởi trong bối cảnh khó khăn, một nguồn vốn rẻ như vậy là sự hỗ trợ cần thiết.
Tuy nhiên, đến 31/12/2014, phần lớn nhu cầu tín dụng ngoại tệ sẽ chính thức khép lại (ngoại trừ tình huống Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nới thời hạn). Đây là chủ đích của nhà điều hành từ nhiều năm trước.
Đã khoảng chục năm, kể từ khi Pháp lệnh Ngoại hối ra đời, định hướng đề ra là: các giao dịch, quan hệ ngoại tệ trên thị trường sẽ từng bước chuyển hẳn từ vay mượn sang mua bán. Một mặt, định hướng này nhằm tập trung chống và giảm đô la hóa trong nền kinh tế; mặt khác, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD cùng những ảnh hưởng bất lợi liên quan, nâng vị thế đồng nội tệ như một yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Chống Đô la hóa, kết quả là rõ ràng khi tỷ lệ Đô la hóa đã giảm xuống mức thấp nhất trong vài thập kỷ trở lại đây. Bớt lệ thuộc vào USD và giảm thiểu các ảnh hưởng của nó cũng thể hiện rõ những năm gần đây.
Nhiều quan điểm vẫn băn khoăn với trần lãi suất VND, hiện chỉ còn áp các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Thế nhưng, trần lãi suất tiền gửi USD áp tất cả các kỳ hạn, cực thấp hiện nay, lại ít được đề cập trong các dòng chảy thông tin. Đây là biện pháp mạnh để thực hiện các mục tiêu trên của Ngân hàng Nhà nước. Ở khía cạnh nào đó, nó giống như đã làm với vàng: giảm bớt sức hấp dẫn từng lôi kéo đầu cơ, gây xáo trộn ảnh hưởng đến cả vĩ mô.
Sau hai lần nhượng bộ, vì mục đích tạo dòng vốn rẻ cho doanh nghiệp, lần này có thể hạn cuối 31/12/2014 sẽ là cuối cùng.
Nước cuối dễ đi?
Trước hết, khi phần lớn tín dụng ngoại tệ khép lại, nhu cầu buộc phải chuyển sang vay bằng VND. Cầu lớn lên thì giá trị và vị thế VND càng được củng cố. Lãi suất VND có tăng lên hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, nhất là sự điều tiết nguồn của Ngân hàng Nhà nước.
Còn trong năm 2014 và hiện nay, qua thông tin công bố một số thời điểm, tín dụng ngoại tệ đã tăng rất mạnh. Nó giúp cải thiện tăng trưởng tín dụng chung, cũng như hỗ trợ nguồn vốn chi phí dễ chịu cho doanh nghiệp, rộng hơn là hỗ trợ cạnh tranh chi phí cho xuất khẩu (vì lợi thế được vay vốn loại này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu).
Tháng 12 này, tháng cuối, được xem là nước cuối để các doanh nghiệp tranh thủ nguồn hỗ trợ trên. Thế nhưng, như thường lệ, rủi ro tỷ giá USD/VND vẫn là điều họ phải quan tâm.
Thông thường, tín dụng ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu vay ngắn hạn, khớp với vòng quay thanh toán hàng xuất khẩu, cũng như để doanh nghiệp chủ động với rủi ro tỷ giá. Nước cuối này, ngoài nhu cầu ngắn hạn, liệu họ có thực sự tranh thủ bằng các khoản vay dài hơn trước khi cửa khép lại vào 31/12/2014?
Theo chủ quan của người viết, đó là nước cuối dễ đi. Kỳ hạn dài, kéo dài chi phí vay rẻ là dĩ nhiên. Nhưng rủi ro tỷ giá sẽ thế nào trong năm tới thì mới đáng tính.
Hơn hết, hẳn các doanh nghiệp đã quen với các công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá, qua các công cụ phái sinh, giao dịch kỳ hạn ngoại tệ với ngân hàng thương mại. Cách này giúp họ chủ động chốt rủi ro ở mức chấp nhận được - tất nhiên tổng thể vẫn thấp hơn vay vốn bằng VND.
Trường hợp không sử dụng các sản phẩm phái sinh đó, “bỏ mặc” theo biến động thị trường, thì một lần nữa định hướng của Ngân hàng Nhà nước là chỗ dựa - đã chứng minh sự vững chắc trong ba năm qua.
Hiện Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra định hướng như một cam kết về khoảng biến động tỷ giá USD/VND cho năm tới. Nhưng có thể dự tính trước rằng, ổn định vẫn là khẩu vị mà nhà điều hành ưa thích.
Hay Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nói rằng: “Chừng nào tôi còn làm Thống đốc, chừng đó giá trị VND phải được bảo đảm”.
Theo VnEconomy