Giành nồi cơm của người nghèo?
Chia sẻ xung quanh câu chuyện quản lý Uber, đại diện Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng, các hãng taxi truyền thống ngoài việc phải đầu tư phương tiện, phải chịu rất nhiều loại thuế phí, trong đó riêng thuế VAT đã 10%, phải lo trả lãi vay ngân hàng, đóng bảo hiểm xe, bảo hiểm khách hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… trong khi taxi Uber không mất gì cả, nên giá cước chắc chắn không thể cạnh tranh được với nhau. Và như thế, Uber sẽ sớm tiêu diệt taxi truyền thống, tiến tới độc quyền, lũng đoạn thị trường.
“Uber đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi. Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô ở Việt Nam thì Uber hoạt động không theo quy định nào. Chúng ta cần xác định Uber là cò, môi giới vận tải, hay đang thực sự điều hành hoạt động vận tải hành khách bằng taxi, tức taxi mù cao cấp”, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM nói.
Người đứng đầu Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng, nếu không quản lý Uber thì trong vòng 3 năm tới, TP.HCM sẽ không còn taxi truyền thống hoạt động. Ảnh: TTXVN |
Lý giải của hiệp hội này, nếu môi giới, cò thì Uber chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giới thiệu và nhận tiền hoa hồng. Nhưng với những hoạt động hiện tại thì có thể khẳng định Uber đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách giống như một hãng taxi thực sự. Từ tiếp nhận yêu cầu của khách, cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách, điều xe và quyết định hành trình chạy xe, quyết định giá cước, giám sát hành trình, thu tiền cước, thực hiện việc ăn chia với chủ xe …
Ngoài ra, Uber còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, quy định chế tài xử phạt khi lái xe có lỗi, phạt hành khách (5.000đồng/lần) nếu kêu xe mà bỏ cuộc … Song lại không chịu mọi trách nhiệm pháp lý cho chủ xe, hành khách, không đăng ký kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước. Các công ty cho thuê xe, chủ xe và lái xe được điều động phục vụ khách đều không có chức năng kinh doanh taxi. Xe không logo, hộp đèn, không có đồng hồ tính tiền, không có bộ đàm, lái xe không cần mặc đồng phục…
“Trái ngược với 'nhiều không' của Uber, các hãng taxi truyền thống ngày càng có xu hướng quản lý chặt chẽ hơn. Đây là điều bất bình đẳng. Nhiều năm nay khó khăn, chúng tôi xin giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% mà không được. Nếu các hãng taxi truyền thống được ưu đãi như Uber, chúng tôi cũng có thể xây dựng mức giá cước như Uber đang áp dụng hiện nay”, một đại diện khác khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Hỷ, Uber điều xe phần lớn là xe sang, xe của người giàu. Người ta đã giàu rồi thì cần gì phải đi lượm bạc cắc, tại sao nhà giàu lại phải đi tranh giành nồi cơm với tài xế taxi, là những người lao động nghèo.
"Chúng tôi muốn hiện đại hóa nhưng lực bất tòng tâm, ngay cả việc vay vốn ngân hàng để đầu tư xe hiện đại hơn đã vất vả lắm. Hiện rất nhiều doanh nghiệp muốn thay xe, nhưng thanh lý xe cũ rồi không đủ tiền để mua xe mới. Tôi nói thiệt, giờ nhiều doanh nghiệp đã chết rồi nhưng không dám báo tử".
Theo Hiệp hội taxi TP.HCM, taxi Uber đang "giành nồi cơm" của người nghèo? Ảnh: VTV |
Các đại diện Hiệp hội taxi TP.HCM cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ trước khi cho phép Uber hoạt động, đừng thấy giá rẻ vội vàng ủng hộ, mà phải phân tích kỹ thiệt hơn hệ lụy của nó. Đầu tiên là câu chuyện quy hoạch. Riêng TP.HCM, đến năm 2020, theo “hạn ngạch” là chỉ có 12.000 taxi. Nếu cho phép Uber hoạt động đồng nghĩa với việc tất cả xe nhàn rỗi đều được đưa rước khách như taxi, phá vỡ quy hoạch xây dựng lâu nay.
Ngoài ra, taxi truyền thống đang thực hiện hoàn thiện việc gắn hộp đen để giám sát hành trình (GPS), gắn taximeter, kiểm định định kỳ có dán tem – niêm chì của cơ quan kiểm định … Sắp tới buộc phải có thêm bộ phận in hóa đơn tự động. Nếu chấp nhận loại hình hoạt động của Uber thì taxi truyền thống cũng sẽ không cần thực hiện các việc đầu tư trên, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Tôi đã đầu tư GPS thế hệ mới cho taxi của Vinasun ở Đà Nẵng, Nha Trang và tiến tới là hoàn thiện hết cho đội xe TP.HCM. Nhưng nếu Uber hoạt động như hiện nay thì tôi không đầu tư nữa. Tôi có 5.000 xe, tôi thanh lý giá rẻ cho nhân viên hết, giải tán doanh nghiệp rồi điều họ chạy như Uber. Nếu muốn xe sang hơn thì tôi sẽ bán hết 5.000 xe hiện tại, đầu tư 2.000 xe mới rồi cũng hoạt động như Uber, không phải làm nghĩa vụ với người lao động, với nhà nước. Vinasun đóng trên 100 tỷ tiền thuế, phí mỗi năm cho nhà nước, nhưng hoạt động như thế có bất công không", ông Hỷ nói.
Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho rằng, khi cho phần mềm ứng dụng công nghệ nào vào Việt Nam thì phải chọn lọc hợp lý, phù hợp với Việt Nam, nhưng phải có lộ trình, để doanh nghiệp có cơ hội chạy theo. Chúng tôi cũng ủng hộ có thể xây dựng một Uber riêng cho taxi TP.HCM, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và có lộ trình để doanh nghiệp tham gia. Nếu để như thế này thì 3 năm sau, riêng TP.HCM sẽ không còn taxi nào hoạt động.
“Trước khi kiến nghị lên các bộ, ngành, tôi đã đấu tranh đến khan cả tiếng với đại diện Uber. Họ bảo họ làm điều pháp luật không cấm. Tôi nói các anh đang làm trái pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam, kinh doanh là phải đóng thuế, phải thực hiện nghĩa vụ doanh nghiệp; lái taxi phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc, đằng này các anh điều xe chở khách không theo bất cứ một loại hình hoạt động vận tải nào. Tôi cho rằng, như thế là vi phạm”, ông Tạ Long Hỷ. |
Theo Zing