Những hội chợ garage sale hoặc sự kiện xả hàng hiệu đang trở nên vô cùng quen thuộc. Nếu như nhiều năm trước, các hội chợ giảm giá chỉ thường có vào dịp cuối năm, thì hiện nay những "đại tiệc thời trang giá rẻ" này diễn ra quanh năm.
Hình ảnh tại một hội chợ garage sale.
Bản thân những hội chợ hàng giảm giá bắt được rất đúng tâm lý và nhu cầu của khách hàng, đó là thích tới những nơi quy tụ phong phú các mặt hàng, bởi họ thường không có thời gian để mua sắm ở nhiều địa chỉ rải rác. Được mua sắm liên hoàn ở các gian hàng xếp sát nhau giúp khách có thời gian cân nhắc và so sánh các mặt hàng.
Thêm vào đó, trước kia, theo tâm lý của nhiều người là đồ tốt, đồ độc giá rẻ thì mới được bày bán ở hội chợ. Trước kia các hội chợ giá rẻ như thế ít và rất được yêu thích. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ thuận với số lượng của những sự kiện xả hàng suốt 4 mùa thì người tiêu dùng lại ngày càng thêm chán ngán với chúng. Có rất nhiều lý do dẫn tới tâm lý này.
Điều đầu tiên khiến nhiều người ngày càng ngại đi các ngày hội xả hàng đó là bởi tình trạng "bát nháo" tại đây. "Đông như hội", đã gọi là hội chợ thì đông đúc là điều đương nhiên, tuy vậy, đông không đồng nghĩa với hỗn loạn. Tình trạng hỗn loạn thường xuất phát từ yếu tố quản lý kém hiệu quả.
Không ít khách hàng phải phát hoảng vì hiện tượng chen lấn, xô đẩy, thậm chí là cả chuyện xô xát, lời qua tiếng lại… tại các hội chợ xả hàng. Đặc biệt nạn móc túi rất phổ biến tại gian hàng đông đúc. Kẻ gian thường trà trộn vào đám đông người đang chen chúc nhau xem hàng, thừa lúc không ai để ý thì nhanh chóng hành sự.
Quỳnh Trâm (23 tuổi, sinh viên) kể lại trải nghiệm khó quên khi đi một hội chợ garage sale: "Chỉ trong một buổi mua sắm chưa đầy 2 tiếng mà mình bị rạch túi tới 2 lần. Lần đầu kẻ gian dùng dao lam rạch được lớp túi ngoài nhưng chưa chạm tới lớp túi thứ 2. Lần sau thì thừa lúc mình đang chọn quần áo thì có người xé toạc luôn lớp túi trong lấy cắp điện thoại và tiền".
Hãy bảo vệ chắc ví tiền của mình khi tới các hội chợ.
Những hội chợ được tổ chức ngoài trời loạn 1 thì hội chợ trong nhà loạn tới 10. Tại hội chợ xả hàng hiệu diễn ra gần đây tại một khách sạn, diện tích gian phòng có hạn không chứa xuể số lượng khách khổng lồ, khiến người muốn vào mua không vào nổi mà người muốn thoát ra cũng không thể thoát nổi. Toàn cảnh mua sắm càng trở nên loạn hơn khi nhiều trẻ em bị lạc, trong khi bố mẹ còn đang kẹt giữa biển người nháo nhác mua mua bán bán.
Điều kế tiếp khiến người mua chẳng còn mấy mặn mà, kỳ vọng ở các hội chợ giảm giá, đó là bởi chất lượng và tình trạng hàng hóa. Quan niệm hàng "tốt – chất –bền – rẻ" ngày càng bị lung lay. Thậm chí nhiều người còn quan niệm hàng "rác", ế ẩm, "sida" thì mới được đem xả tại các sự kiện đổ đồ giảm giá như thế này.
Năm ngoái, tại một sự kiện xả hàng hiệu cao cấp được quảng cáo là rẻ tới 70 – 90% đã bị các khách hàng tố cáo chuyện nâng giá hàng lên để giảm giá. Bằng cách này, nhà cung cấp sẽ "không mất đi đâu được mà thiệt". Một khách hàng nữ cho biết đã phát hiện ra giá của chiếc váy mà cô mua năm ngoái bằng giá sau khi đã giảm 50% tại sự kiện này.
"Chắc chắn họ đã đẩy cao giá lên rồi giảm xuống. Mình đã mua đúng chiếc váy này năm ngoái, vì thế nên thấy giá cũ với giá mới bằng nhau, nói chung chẳng giảm đi được đồng nào. Các mặt hàng khác thì mình chưa mua trước đây nên không biết nhưng chắc cũng chỉ thế thôi.", vị khách này quả quyết.
Bên cạnh đó, đa số hội chợ giảm giá là nơi bán tống bán tháo đủ loại thượng vàng hạ cám hàng tồn kho từ vài năm trước. Nhiều dân sành mua bán chia sẻ, họ chán mua hàng hiệu giảm giá tại Việt Nam bởi sản phẩm xả kho nếu không cũ kỹ, lỗi mốt thì lại quá to so với kích thước cơ thể của người Việt.
Thêm vào đó, do đông đúc, nhiều người thử đồ, chọn lựa nên hầu hết các sản phẩm thường bị vo viên, nhàu nhĩ. Nhân viên bán hàng trả lời khách hàng còn không xuể nên cũng chẳng có thời gian xếp lại đồ. Hàng hóa bị vần vò, bị bôi bẩn, vứt ngổn ngang trông rất mất thẩm mỹ. Điều này cũng khiến nhiều tín đồ thời trang phải ngán ngẩm, tinh thần mua bán "tụt tới tận đáy".
"Nhìn đống quần áo rộng thùng thình xếp nhăn nhúm dúm dó trên các quầy hàng mà phát chán", Thu Linh, một tín đồ thời trang chính hiệu nói.
Giá cả của các loại hàng hiệu sau khi đã giảm cũng là điều đáng bàn. Nhiều tín đồ thời trang kỹ tính chia sẻ, tại nhiều sự kiện xả hàng hiệu, giá sản phẩm sau khi giảm 50 – 70% còn cao hơn giá cùng món hàng bày bán ở nước ngoài. Chẳng hạn như một sự kiện xả hàng hiệu bình dân gần đây bán một đôi giày có giá giảm từ 2 triệu – 5 triệu. Tuy nhiên cùng mẫu giày đó tại nước ngoài, tính cả công đặt về thì chưa tới 2 triệu mà còn đủ kích cỡ. Làm một phép so sánh đơn giản, ai cũng thấy mua cách nào thì kinh tế và có lợi hơn.
Những hội chợ giảm giá hàng bình dân cũng tồn tại các vấn đề riêng. Chẳng hạn như chuyện có quá nhiều hàng gia công, hàng Trung Quốc kém chất lượng đóng giả hàng Việt Nam xuất khẩu, hàng Nhật cũ, hàng Thái trà trộn vào. Một số gian hàng còn trộn hàng sida (hàng cũ) để bán.
Anh T, một người kinh doanh thời trang tại các hội chợ garage sale chia sẻ, không có gì lời hơn việc đóng lại mác và trộn hàng kiện vào hàng bán tại hội chợ.
"Hàng sida khui kiện có giá rất rẻ. Nhập 1 thì bán gấp 3. Tuy nhiên nhiều món sida còn rất mới, "mông má" hoặc chẳng cần tút tát gì trông chẳng khác gì hàng mới nguyên. Chỉ cần đóng lại mác và đem bán thì nhập 1 bán được tới 5 , 6 là chuyện bình thường. Tại các hội chợ giảm giá, khách đông, phần lớn lại là các bạn trẻ không mấy sành sỏi mua bán, nên thường không dễ gì phát hiện ra", anh T cho biết.
Ngoài ra, do số lượng các hội chợ giảm giá ngày càng nhiều nên quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài ba shop hoặc nhãn hàng quen mặt.
Chị Thúy, một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm chia sẻ: "Một năm có hàng chục lời mời thuê gian hàng tại các hội chợ hàng giá rẻ, hàng xả kho, mình phải từ chối bớt, chỉ đi vài chỗ uy tín. Loanh quanh thế nào cũng toàn bán cùng với các shop bán hàng quen thuộc".
Thông thường nhiều khách tới các hội chợ để tìm kiếm các mặt hàng lạ, khám phá các shop, nhãn hàng mới phù hợp với nhu cầu của mình. Sự lặp lại của các shop, nhãn hàng tại la liệt các hội chợ xả hàng, giảm giá khiến khách hàng chẳng còn coi đây là những dịp mua sắm lý tưởng, đáng được yêu thích.
Theo Dân Việt