Kết thúc năm 2014, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 13%, đạt mục tiêu đề ra. Trước đó, tính đến ngày 27/11, tín dụng mới tăng 10,22%. Như vậy, chỉ trong tháng 12, tín dụng đã tăng gần 2,8%.
Việc tín dụng tăng dồn vào những tháng cuối năm đang làm dấy lên nghi ngờ tín dụng tăng ảo. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN khẳng định, qua theo dõi hàng năm, NHNN thấy có quy luật là tín dụng thường tăng thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm. Thậm chí, tín dụng có năm tăng tới 3 - 5% chỉ trong tháng 12 do nhu cầu vay mua sắm dự trữ hàng Tết tăng mạnh. Trên thực tế, tín dụng năm nay cũng đã tăng trưởng đều trong các tháng, không dồn cục vào cuối năm như trước.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng dồn vào cuối năm là mang tính chu kỳ và mang nét văn hóa kinh doanh của Việt Nam: doanh nghiệp thường muốn chốt hợp đồng trong năm cũ. Do đó, việc tín dụng tháng cuối năm tăng khoảng 2% là hết sức bình thường.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2015 diễn ra ngày 24/12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13 - 15%. Mục tiêu mà NHNN đưa ra cho năm 2015, theo các chuyên gia, là có tính khả thi cao, bởi dự báo, kinh tế thế giới và trong nước năm 2015 đang phục hồi khá mạnh.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% trong năm 2015, lãi suất cũng có thể sẽ nóng trở lại. |
“Năm 2015, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới sáng sủa hơn năm nay, cộng thêm các gói tín dụng được ‘thiết kế’ trong năm 2014 có khả năng sẽ đi vào cuộc sống tốt hơn trong năm 2015. Cụ thể, gói 30.000 tỷ đồng đã có sửa đổi với điều kiện vay thoáng hơn, chương trình vay đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cũng đã được tháo gỡ khó khăn và đã bắt đầu được giải ngân… ”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.
Dù vậy, để thực hiện được mục tiêu này, TS. Lực cho rằng, các ngân hàng sẽ vượt qua 3 rào cản tín dụng: sức cầu của nền kinh tế; thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cho vay của các ngân hàng; và nợ xấu. Nếu năm 2015 nợ xấu không được xử lý dứt điểm, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều sẽ không mấy mặn mà với tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, năm 2015, nếu có điều kiện, sẽ giảm thêm lãi suất, song việc duy trì lãi suất ổn định như năm 2014 là hết sức khó khăn. Bởi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 mà Quốc hội đặt ra cao hơn năm nay (6-6,2%), nhu cầu về vốn tăng… khiến áp lực tăng lãi suất là rất lớn, dù đây là điều NHNN không mong muốn.
Áp lực lạm phát tăng trong năm 2015 là có thật, bởi kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất đang ở mức cao so với lạm phát (lạm phát năm 2014 chỉ 1,84%). Do đó, năm 2014, ngay cả khi lạm phát quay lại 4 - 5%, thì lãi suất vẫn có thể giảm thêm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, năm 2015, lạm phát ước khoảng 4%. Theo đó, lãi suất huy động sẽ giảm 0,5 - 1%. Khi đó, lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1 - 2%.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất năm 2015 phải căn cứ vào tín hiệu lạm phát. Với mức lạm phát dự báo của năm 2015 là 4,5 - 5%, trần lãi suất huy động ở mức 5,5% là hơp lý. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể giảm sâu thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Hiện nay, hoạt động tín dụng của các ngân hàng hầu như không có lời. Nim (biên độ lợi nhuận) chỉ khoảng 2,5 - 2,8%. Dù vậy, các ngân hàng vẫn có thể cắt giảm các chi phí hành chính để giảm thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lực nói.
Tuy nhiên, TS. Lực cũng cảnh báo, để được điều này, các ngân hàng cần cân đối nguồn vốn đầu vào tốt hơn và phải có sự đồng thuận giữa các ngân hàng. Nếu một số ngân hàng “phá rào” lãi suất huy động khi tín dụng ấm lên, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn, khả năng giảm thêm lãi suất là rất khó.
Theo Đầu Tư