Hầu hết trái cây ngoại nhập đều có giá cao. Gần đây, thị trường TP.HCM xuất hiện một số trái cây giống ngoại trồng ở Lâm Đồng như phúc bồn tử, việt quất, dâu New Zealand, dâu Pháp… giá chỉ bằng 1/3 - 2/3 trái cây ngoại nhập, với chất lượng không thua kém.
Trong ngăn tủ lạnh tại cửa hàng HQL, chuyên bán rau quả trên đường số 1 - Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM có khá nhiều hộp quả phúc bồn tử (thường gọi mâm xôi, tên tiếng Anh là raspberry) chín mọng, đỏ tươi, trông thật hấp dẫn. Theo chị Ánh, chủ cửa hàng, đây là phúc bồn tử được trồng ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng; thu hoạch và chuyển về TP.HCM mỗi ngày nên quả rất tươi, sờ vào chắc tay chứ không bị nhão.
Giá một hộp 170 g là 65.000 đồng/hộp, chỉ bằng gần 1/2 - 2/3 so với một hộp phúc bồn tử ngoại nhập cùng khối lượng. “Tôi đã lên tận những trang trại trồng phúc bồn tử ở Đức Trọng để khảo sát. Thấy họ trồng trong nhà kính, theo công nghệ của nước ngoài, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên tôi mới nhập về bán”, chị Ánh cho biết thêm. Tại đây còn có bán cả mứt, nước cốt và rượu trái cây chế biến từ phúc bồn tử.
Phúc bồn tử là loại quả hiện được bán ở rất nhiều cửa hàng. Theo một nhân viên cửa hàng trái cây 141 (đường An Dương Vương, quận 5), gần đây họ lấy hàng chủ yếu loại phúc bồn tử của Lâm Đồng vì giá cả vừa phải, dễ bán. Hàng ngoại nhập không có thường xuyên, lại hay bị nhão, chảy nước, do mất nhiều thời gian vận chuyển. Phúc bồn tử thuộc họ quả mọng, rất nhanh chín và khó bảo quản. Vì vậy, hàng tươi, “nóng” hàng ngày từ Lâm Đồng rất được khách hàng ưa chuộng.
Một đại diện của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phấn khởi cho biết, đã có khá nhiều hộ nông dân ở Đức Trọng và Lạc Dương trồng thành công cây phúc bồn tử, cho sản lượng hàng chục tấn/năm như hộ Huỳnh Trung Quân, Nguyễn Thị Nhung…
Một loại khác là dâu giống New Zealand hoặc Pháp cũng được các hộ nông dân ở Lâm Đồng trồng trong nhà kính. Anh Nguyễn Thanh Chung, hộ trồng dâu giống New Zealand (Lâm Đồng) cho biết, vườn dâu 3.000 m2 trồng trong nhà kính của anh cho thu hoạch quanh năm, sản lượng cao nhất là vào vụ đông xuân. Trước đây vì còn hiếm nên hàng chủ yếu được tiêu thụ trong các khách sạn năm sao, nay loại dâu này đã được bán ở nhiều cửa hàng trái cây.
Vừa xếp dâu giống New Zealand vào hộp, nhân viên cửa hàng phân tích, loại dâu này có dáng quả thuôn dài, hương thơm ngát, vị ngọt vừa pha lẫn chút chua nhẹ, mềm nhưng không nhũn. Mỗi ký dao động từ 290.000 đến 300.000 đồng. Trong khi đó, mỗi hộp dâu Mỹ nhập ngoại nặng 850 g có giá đến 550.000 đồng.
Riêng với loại việt quất (blueberry) thì đang được trồng thử nghiệm (cũng ở Lâm Đồng) nên sản lượng chưa nhiều. Theo một nhân viên ở cửa hàng VGfood (Hai Bà Trưng, quận 1), vì chưa có nhiều nên giá tạm thời tương đương hàng ngoại nhập, khoảng 140.000 đồng/hộp (300 g). Anh Hoàng Trọng Vinh, đang trồng thử nghiệm việt quất ở Đà Lạt cho biết: “Loại cây này trồng không quá khó, ra hoa và quả tốt. Sắp tới, tôi sẽ nhân thêm khoảng 1.000 cây”.
Điểm chung của các loại quả giống ngoại trồng ở Việt Nam đang được bày bán là kích cỡ quả vẫn chưa đều nhau. Chẳng hạn, trong một hộp dâu nhập từ Mỹ, hầu như các quả đều có kích cỡ như nhau thì trong hộp dâu giống New Zealand trồng ở Lâm Đồng, vẫn có quả to, quả nhỏ. Kích cỡ quả phúc bồn tử Việt Nam cũng chênh lệch tuy không nhiều, song loại nhập ngoại thường đều quả và nhỉnh hơn. Tuy vậy, phúc bồn tử trong nước tươi và khô ráo hơn loại nhập ngoại.
Phúc bồn tử là loại trái cây còn khá xa lạ với đa số người Việt nên thông thường ngoài ăn quả tươi, nhiều người không biết chế biến món gì khác. Chị Đặng Thị Minh Ngọc, đại diện cơ sở phúc bồn tử Huỳnh Trung Quân, tư vấn: “Chị em có thể làm được nhiều món với phúc bồn tử như: xay sinh tố, ăn kèm với bánh ngọt, salad, nước xốt, ăn chung với sữa chua, làm mứt ăn với bánh mì. Tuy ra quả và chín quanh năm nhưng mùa vụ chính của phúc bồn tử là vào các tháng 5, 6, 7. Thời điểm này quả sẽ có vị ngon nhất”. Nếu thích ăn ngọt, nên chọn quả đã chín nhiều, có màu đỏ đậm, quả vừa chín tới sẽ có vị chua hơn.
Theo một kết quả xét nghiệm bột quả phúc bồn tử của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy, ngoài giàu các loại vitamin như C, E, B6, phúc bồn tử còn rất giàu khoáng chất như kali, natri, magie… Vì vậy, loại quả này không chỉ giúp bổ sung vitamin có lợi cho da, não mà còn hữu ích cho sức khỏe giới tính của quý ông.
Không chỉ quả tươi, thị trường còn có nhiều chế phẩm từ phúc bồn tử như: mứt, si rô, rượu, trà, mặt nạ làm đẹp… Theo một chuyên gia trong ngành thực phẩm, loại trái cây này có điểm nổi bật là dù chế biến nhiều dạng khác nhau nhưng vẫn giữ được màu đỏ tự nhiên nên không cần phải cho thêm bất kỳ phụ gia giữ màu nào.
Theo Phụ Nữ