Bi kịch người nghèo đổ sữa

Thứ ba, 20/01/2015, 15:57
Người chăn nuôi bò sữa đang chịu thiệt đơn, thiệt kép và luôn đối mặt với rủi ro, còn nhiều hãng sữa thì vô tư hưởng lợi nhưng chưa thấy nhà nước ra tay điều tiết.

Sữa là thức uống rất cần trong chiến lược bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao thể trạng của người Việt Nam. Đối với hàng triệu gia đình nghèo, sữa vẫn là mặt hàng xa xỉ mà nhà nước cần bình ổn giá.

Vậy mà thời gian qua, nông dân ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội và hai xã Tu Tra, Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng đã đổ bỏ hàng ngàn lít sữa vắt từ những con bò mà họ ngày đêm chăm sóc.

Làm ăn như chơi dao!

Nguyên nhân của tình trạng phi lý trên là do trước đây, khi giá sữa bột nhập khẩu tăng cao (trong cả năm 2013, giá sữa bột nguyên dao động ở mức trên dưới 5.000 USD/tấn), trong khi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu về sữa thì để chủ động nguồn nguyên liệu, một số doanh nghiệp (DN) đã tích cực phát triển đàn bò bằng cách hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi, tăng giá thu mua sữa tươi lên đáng kể (hiện khoảng 14.000 đồng/kg) và thu mua hết sữa cho nông dân.

 - 1

Do doanh nghiệp hạn chế thu mua, nông dân ở Lâm Đồng phải đổ bỏ sữa ra đường
Ảnh: Thạch Thảo.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật của DN cùng giá thu mua sữa tươi nguyên liệu ở mức chấp nhận được, nông dân thấy nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định nên đã tích cực đầu tư tăng đàn, nâng chất đàn bò sữa. Nhờ vậy, đến nay, đàn bò ở nhiều nơi đã tăng khá mạnh, cùng đó sản lượng và chất lượng sữa cũng tăng cao.

Điều này có thể sẽ tiếp tục êm đẹp nếu như không có chuyện giá sữa bột trên thế giới giảm mạnh trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu phục hồi trong ngắn hạn.

Hiện tại, khi giá sữa bột trên thế giới đã giảm tới hơn 50% so với đầu năm 2014, một số DN trong nước đã viện đủ lý do để hạn chế thu mua sữa từ nông dân, như công suất nhà máy chế biến có hạn, nhu cầu tiêu thụ giảm về mùa đông, nông dân không ký hợp đồng, nông dân lấy cả sữa bên ngoài vào bán… DN bắt đầu bằng việc siết chặt hạn mức thu mua sữa và tùy tiện đặt ra quy định hạn mức sữa bình quân của 1 con bò là 16 lít (!?).

Cần phải nói rằng sữa là một trong số ít ngành có mối quan hệ mật thiết giữa người sản xuất và bên chế biến.

Nông dân không thể và không dám sản xuất sữa nếu không liên kết với DN để tiêu thụ sản phẩm vì lượng tiêu thụ ngoài hợp đồng là rất nhỏ và không ổn định trong khi nguyên liệu này không thể để dành.

Để bán được sữa, nông dân phải ký hợp đồng dài hạn với DN, trong đó cam kết tuân thủ hàng loạt quy định của nhà chế biến không chỉ về chất lượng mà cả số lượng bò, lượng nguyên liệu giao hằng tuần hay hằng tháng.

Để có thể gây dựng được đàn bò sữa khoảng 20 con, nông dân cần đến cả chục năm cần mẫn chăm sóc và chắt chiu vốn liếng. Mỗi con bò sữa giống có giá tới 70-80 triệu đồng nên họ không thể một lúc bỏ ra vài trăm triệu đến cả tỉ đồng để đầu tư.

Họ chỉ có thể bắt đầu từ 1-2 con rồi tuyển chọn và nhân rộng đàn. Việc phát triển và nhân rộng đàn bò sữa khá khó khăn nhưng xóa sổ thì lại rất dễ.

Tình trạng đổ bỏ sữa thừa nếu không được giải quyết ngay sẽ dẫn đến nguy cơ nông dân lâm vào bi kịch, đó là bỏ bê đàn bò, thậm chí phải bán toàn bộ.

Cơ quan quản lý ở đâu?

Nông dân và DN đang trông chờ nhà nước kịp thời giải quyết tình trạng bất cập nêu trên một cách thấu tình đạt lý.

Hiện ở Việt Nam không phải tất cả hãng sữa đều tham gia phát triển vùng nguyên liệu mà chỉ có một số DN tự đầu tư phát triển hoặc ký hợp đồng với nông dân phát triển đàn bò sữa.

Khi giá sữa bột nhập khẩu giảm mạnh trong khi giá sữa thành phẩm trong nước lại không giảm thì đương nhiên những DN chỉ kinh doanh sữa bột và sữa hoàn nguyên sẽ có lợi hơn DN tham gia phát triển vùng nguyên liệu trong nước.

Như vậy, vấn đề ở đây là sự công bằng trong kinh doanh. Giải quyết được điều này sẽ khiến các DN tham gia phát triển vùng nguyên liệu yên tâm và tiếp tục đồng hành với nông dân.

Biện pháp đơn giản nhất có thể làm ngay lúc này là nâng thuế nhập khẩu sữa bột nguyên liệu và áp dụng hạn ngạch (quota) nhập khẩu đối với những DN tham gia phát triển vùng nguyên liệu sữa trong nước.

Cụ thể, những DN nào phát triển vùng nguyên liệu sữa trong nước thì được cấp hạn ngạch nhập khẩu sữa bột với thuế suất thấp, DN không phát triển vùng nguyên liệu sữa phải chịu thuế nhập khẩu cao.

DN nào có nhiều hợp đồng với nông dân thì được cấp hạn mức nhập sữa cao và ngược lại.

Đề xuất nâng thuế nhập khẩu sữa bột nguyên liệu sẽ có ý kiến phản đối với lý do sữa là mặt hàng thiết yếu và thuộc diện bình ổn giá nhưng thực tế cho thấy khi giá sữa nguyên liệu tăng, DN lập tức tăng giá sữa thành phẩm.

Trong khi đó, khi giá sữa nguyên liệu đã giảm một nửa (như hiện nay) thì giá sữa thành phẩm vẫn không nhúc nhích! Người tiêu dùng vẫn phải trả giá cao bất kể sữa nguyên liệu có giảm giá đến cỡ nào, vậy thì cớ gì nhà nước không có chính sách bảo vệ người sản xuất trong nước, cũng là để chủ động nguồn cung vì thực tế trong nhiều năm qua cho thấy giá sữa biến động rất thất thường.

Câu hỏi đặt ra là vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Có phải sự hạn chế trong năng lực quản lý của các cơ quan hữu trách chính là nguyên nhân gây nên những chuyện đáng buồn nói trên.

Tự vệ bằng cách tăng thuế kịch trần

Theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cam kết thuế nhập khẩu cuối cùng đối với các sản phẩm sữa khi tham gia WTO là từ 10%-25%, tùy loại.

Thực tế, theo Thông tư 164/2013/TT-BTC ngày 15-11-2013, các mức thuế áp dụng đối với sữa và sản phẩm từ sữa thấp hơn cam kết WTO rất nhiều nên về nguyên tắc, nếu muốn bảo hộ trong nước thì vẫn có thể tăng thuế lên kịch trần.

Đây là biện pháp tự vệ được sử dụng để bảo vệ sản xuất nội địa trước sự gia tăng đột biến của bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào gây ra hoặc đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành đó.

Nói cách khác, biện pháp tự vệ được sử dụng nhằm ngăn chặn tạm thời luồng nhập khẩu để giúp ngành sản xuất nội địa tránh những đổ vỡ trong một số trường hợp đặc biệt khó khăn.

Theo Khám Phá

Các tin cũ hơn