Cẩn trọng mua hàng điện tử cuối năm

Chủ nhật, 01/02/2015, 16:43
Tết đến cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng hàng điện tử, dân dụng của người dân đang tăng cao. Đây là dịp các trung tâm thương mại, siêu thị tung chiêu giảm giá khuyến mại ảo nên người tiêu dùng cần chú ý để không mua phải các loại hàng lỗi mốt, hết hạn sử dụng.

Ảnh minh họa.
Đua nhau giảm giá, tăng đồ khuyến mãi
Như thường lệ, gần dịp Tết Âm lịch, các cửa hàng, siêu thị điện máy như Thế giới Di động, Trần Anh, Nguyễn Kim, Pico, MediaMart, Phúc Anh … tung ra các chiêu khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Các sản phẩm được đưa vào danh sách khuyến mại phần lớn là hàng điện tử, gia dụng, hàng thời trang với các chiêu quảng cáo như mua trả góp 0%, mua một tặng một hay đổi cũ lấy mới, giảm giá 50% …
Bên cạnh những kiểu kích cầu tiêu dùng trên, các nhà sản xuất tăng thời gian bảo hành để lấy lòng tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm. Siêu thị điện máy đưa ra các khẩu hiệu như “cơn lốc giảm giá” hay giảm giá đến tận 50%. Tại MediaMart thì “Vui như Tết, giảm hết giá” hay Pico với khẩu hiệu “Tống cựu nghinh tân, đổi đồ cũ lấy đồ mới”, lãi suất trả góp chỉ 0% trong 12 tháng.
Vỏ mới, phiên bản cũ
Theo nhận định từ một chuyên gia điện máy, phần lớn các hàng điện tử đều lỗi thời rất nhanh, các sản phẩm điện máy, điện tử được đưa ra bán khuyến mại phần lớn là đời cũ, mẫu mã cũ hoặc sản phẩm dùng làm hàng mẫu để từ rất lâu.
Một giám đốc bán hàng ở Hà Nội cho biết, anh đảm nhiệm vị trí giám đốc marketing ở một siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội và một số cửa hàng bán thiết bị điện tử, điện lạnh nhỏ trong nội thành. Tại các cửa hàng nhỏ lẻ, khách hàng có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hay hàng lõi Trung Quốc gắn mác Nhật với giá cao hơn so với khi mua hàng tại siêu thị lớn.
Tại các siêu thị điện máy lớn vẫn có tình trạng này, nhưng nguy cơ xảy ra ít hơn. Nhiều cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ, các sản phẩm thiết bị điện tử giá rẻ hơn so với tại các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái cao hơn. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng thị trường xuất hiện các loại mặt hàng điện gia dụng được người bán tự ý dán nhãn Thái, nhưng gia công tại Trung Quốc.
Cũng theo chuyên gia này, hàng điện máy, điện tử khuyến mại thường là hàng các hãng đã không còn sản xuất hàng mới từ nhiều năm trước hoặc chỉ còn hàng mẫu nên được bán gấp rút; sản phẩm có lỗi hoặc kém về mặt tính năng; hoặc linh kiện, công nghệ, hàng điện tử lõi Trung Quốc nhưng vỏ Nhật nên bán với giá rẻ. Rất nhiều các loại hàng cũ, lỗi thời được công ty lau chùi, đánh bóng hoặc thay vỏ để mang ra bán với giá khuyến mại để bịp khách hàng.
Việc hạ giá để kích cầu tiêu dùng được thực hiện từ nhiều năm trước. Nhiều cửa hàng thông báo hạ giá 50 - 60% nhưng thực chất trước đó một thời gian, chủ hàng đã tăng giá lên để sau đó hạ giá xuống như giá ban đầu. Như vậy, siêu thị chỉ cần làm hai động tác nhưng vẫn bán được hàng với giá cao và bán thêm các loại hàng hóa phụ khác.
Bên cạnh đó, chiêu đẩy giá lên cao hơn mức giá được niêm yết để thêm hàng khuyến mại là một cách nữa được các cửa hàng dùng từ lâu để qua mắt người tiêu dùng. Hơn nữa, không ít cửa hàng đã quảng cáo quá lên tính năng, tiện ích của sản phẩm để nhanh chóng tăng doanh số cao hơn trong tháng cuối năm.
Vậy nên, để không mua phải những hàng hóa kém chất lượng, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tham khảo, xem kỹ thông số kỹ thuật, nhà sản xuất, xuất xứ các mặt hàng trước khi quyết định mua hàng.
Theo Pháp Luật

Các tin cũ hơn