Từ “đặc sản” núi rừng
Chị Quỳnh Hợp (quận Đống Đa) vừa mua thịt trâu gác bếp giá 800.000 đồng/kg tại một cửa hàng trên phố Lò Đúc. Theo quảng cáo của cửa hàng, đây là món đặc sản Lai Châu, Sơn La. Người dân tộc phải gác thịt trâu lên bếp nửa năm mới có sản phẩm bán ra thị trường. Vì vậy, món này vừa hiếm lại đắt.
“Khi gia đình tôi dùng thử, thấy mùi vị không giống như mùi khói bếp. Đây có thể là do làm công nghiệp, phơi nắng rồi hun khói nên có mùi khét và cháy sém. Miếng thịt bên trong không được khô đều”, chị Hợp nói.
Bưởi Diễn được bán nhiều trên đường Phúc Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. |
Cũng mua phải hàng nhái thịt trâu gác bếp trên mạng xã hội, chị Hạnh Nguyên (quận Cầu Giấy) bức xúc: “Giá thịt trâu gác bếp tại miền núi như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai dao động từ 600.000 đến 800.000 đồng/kg, nhưng khi bày bán tại nhiều cửa hàng tại Hà Nội giá tăng lên từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng/kg. Bỏ tiền triệu nhưng người tiêu dùng không rõ mình có mua đúng món đặc sản vùng núi”.
Không chỉ thịt trâu, thịt bò, thịt lợn gác bếp, các đặc sản khác từ miền núi như măng rừng, miến dong, rượu cần... đang được bày bán tràn lan tại khắp phố phường Hà Nội, muốn mua bao nhiêu cũng có. Những món đặc sản này thường đắt hơn giá tại địa phương cả trăm nghìn đồng. Tuy có giá đắt là vậy, nhưng không ít trong số những đặc sản này bị làm giả đến tay người tiêu dùng.
“Thấy ngoài chợ đề đặc sản miến dong Cao Bằng tôi mua về dùng thử. Không ngờ khi nấu miến lại nát và có mùi lạ. Tìm hiểu hóa ra đây là loại miến được làm ở một làng nghề ở ngoại thành Hà Nội”, chị Thảo ở phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) kể.
Đến “đặc sản” vùng miền
Năm nay trên các trang mạng mua bán hay trên nhiều diễn đàn mua sắm online đang chào bán nhiều loại gà “độc”, gà quý hiếm dịp Tết. Theo lời quảng cáo, người tiêu dùng dễ dàng được thưởng thức món gà 9 cựa, được nuôi tại các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, với giá bán từ 300.000 đến 400.000 đồng/kg. Cùng với gà 9 cựa, loại gà Móng được quảng cáo là đặc sản nuôi duy nhất ở thôn Mong, huyện Duy Tiên (Hà Nam) cũng được chào bán rất nhiều. Trung bình mỗi con gà loại này nặng trên 2 kg, với giá dao động 500.000 đến một triệu đồng.
Trong khi đó, món gà Đông Tảo đặc sản tại Hưng Yên được mổ sẵn bày bán rất nhiều tại các chợ truyền thống trong nội thành. Tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) người dân có thể dễ dàng nghe được những câu mời chào mua gà Đông Tảo đặc sản, giá từ 130.000 đến 200.000 đồng/kg. Thắc mắc chân gà Đông Tảo nhỏ, da trắng, nhiều tiểu thương ngụy biện là do gà nuôi lâu và ướp đông lạnh.
Một chủ trang trại nuôi gà Đông Tảo tại Hưng Yên phân tích, giá gà xuất bán tại chuồng rẻ nhất từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg loại to; giống quý hiếm giá có thể lên đến hàng triệu đồng. Nhiều con giá bán được tính bằng cả lượng vàng. Ngoài ra, gà Đông Tảo giống mới nở đã có giá 130.000 đồng/con bán lẻ, bán cho đại lý giá 110.000 đồng/con. Theo các chủ trang trại này thì gà Đông Tảo rao bán ở chợ giá rẻ là gà giả danh thương hiệu hoặc là giống gà Đông Tảo nhưng được nuôi ở các địa phương khác.
Ngay tại chợ gia cầm Hà Vỹ - nơi được xem là chợ gà lớn nhất miền Bắc, loại gà này cũng được bày bán rất nhiều: “Gà Đông Tảo ở đây được bán với giá từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg, nhưng nói thật đây là gà giống Đông Tảo nuôi ở các xã của huyện Thường Tín, Hà Nội”, ông Lê Xuân Viết, trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ cho biết.
Tại vùng đặc sản bưởi Diễn, những người dân ở đây cho hay để mua được bưởi Diễn “xịn” là điều không dễ. Hiện dọc quốc lộ 32, đoạn qua phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có hàng chục sạp bán đặc sản bưởi Diễn. Theo nhiều người dân ở phường Phúc Diễn, loại bưởi được bày bán tràn lan trên vỉa hè cũng là bưởi Diễn nhưng trồng ở những huyện như Thanh Oai, Hoài Đức, thậm chí cả tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương.
“Nếu bưởi Diễn gốc thì không thể có nhiều như vậy, hơn nữa giá bán của bưởi Diễn 'xịn' thường rất cao, trong khi bưởi Diễn trên thị trường chỉ từ 30.000 đến 50.000 đồng/quả”, ông Lê Thanh, một chủ vườn ở Phúc Diễn phân tích.
“Việc kiểm tra và xử lý các mặt hàng đặc sản vùng miền rất khó. Bởi nhiều loại hàng hoá quảng cáo, bày bán là đặc sản vùng miền thường không được đăng ký thương hiệu, trong khi người tiêu dùng thì mua qua kiểu truyền khẩu cho nhau". Ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) |
Theo Tiền Phong