Ông Nguyễn Thanh Thủy, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) nói nếu như trước đây thu hoạch 2ha lúa xong là tiến hành đốt đồng, còn năm nay thì rơm được thương lái ở Trà Vinh sang thu mua hết. Ruộng gần đường xe tải đến được thì 1ha rơm bán được 1 triệu đồng, đồng xa lộ lớn giá 800.000 đồng/ha.
Lúa ĐX trúng mùa nhưng giá thấp, may mắn bù lại được chút ít là bán được rơm. Cái máy cuốn rơm ra đồng đã giúp nông dân trồng lúa không còn đốt đồng hoặc thuê mướn nhân công đi gom rơm, còn thu về được khoản tiền kha khá.
Ông Lê Phước ở Càng Long, Trà Vinh cũng đang thu mua rơm ở trên cánh đồng cho biết: Nhu cầu rơm cho chăn nuôi bò, đậy gốc thanh long, cây ăn trái, trồng nấm rơm ở khu vực miền Đông Nam bộ đang tăng. Nắm bắt được nhu cầu này ông đã đầu tư 2 máy cuốn rơm đi thu mua rơm bán lại.
Bình quân một máy cuốn rơm giá 85 triệu đồng, mang về gắn vào đầu kéo máy cày chạy trong 1 tháng thu lại vốn đầu tư. Bình quân 1 cái máy làm việc trong 1 ngày được hơn 800 cuộn rơm. Một cuộn rơm có trọng lượng khoảng 14kg. Giá bán rơm tại ruộng thì 2.000 đồng/kg, vận chuyển đi miền ngoài thì bán giá 3.000 đồng/kg. Bây giờ bán rơm dễ hơn bán lúa vì nhu cầu đang tăng mạnh.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, bình quân 1 tấn lúa có 700kg rơm vung vãi trên mặt ruộng. Với tổng sản lượng lúa gần 25 triệu tấn/năm thì sẽ có 17,5 triệu tấn rơm cần phải xử lý hằng năm.
Nếu đốt đồng thì gây ô nhiễm môi trường, đồng thời làm mất dần chất hữu cơ trong đất. Để rơm lại trên đồng rồi cày xới vùi xuống đất sẽ gây ngộ độc hữu cơ cho cây lúa ở vụ sau.
Rơm lúa Đông Xuân đắt như tôm tươi. |
Thời gian qua, nhà nông tận dụng nguồn phụ phẩm này dùng làm thức ăn cho trâu, bò và làm nguyên liệu để trồng nấm rơm, nhưng chưa tận dụng triệt để do thiếu cơ giới hóa. Nhận thấy được giá trị của rơm nên các kỹ sư trong và ngoài nước đã nghiên cứu thành công máy cuốn rơm và hiện đã có mặt ở ĐBSCL từ vụ HT 2014 và ĐX năm nay. Hiệu quả của máy cuốn rơm đã rõ và chỉ cần nhà nông mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ sẽ tăng thu nhập không nhỏ.
Ông Phước cho biết thêm: Máy cuốn rơm hiện có loại máy tự hành và máy gắn vào đầu kéo máy cày. Bà con có máy cày thì chỉ cần đầu tư 85 triệu đồng mua máy cuốn rơm gắn vào đầu kéo máy cày làm dịch vụ sẽ thu hồi vốn rất nhanh. Còn đầu tư máy tự hành có giá trên 400 triệu đồng nên thu hồi vốn chậm. Để giải bài toán thu rơm, Ban Quản lý dự án xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở Vĩnh Long đã hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Thành, nông dân trong cánh đồng mẫu ở xã Long An (Long Hồ, Vĩnh Long) mua máy cuốn rơm.
Tổng giá trị máy cuốn rơm 406 triệu đồng, ông Thanh được dự án hỗ trợ 60 triệu đồng. Hiện tại, máy cuốn rơm của ông đầu tư đã hoạt động được 2 vụ trên đồng ruộng. Theo ông Thành: Trời nắng, mặt đất ráo, máy thu gom và ép thành cuộn tròn được 5 công rơm/giờ. Mang máy cuốn rơm đi làm thuê thì thu với giá 800.000-1 triệu đồng/ha. Còn nếu đi cuốn rơm bán thì bình quân 17.000đồng/cuộn rơm khô và 13.000đồng/cuộn rơm ướt, sau khi trừ chi phí thu lợi hơn 2 triệu đồng/ngày.
Đồng Vĩnh Long hết mùa thu hoạch lúa thì sang Trà Vinh và sắp tới sẽ mở rộng địa bàn ra một số tỉnh trong khu vực. Với nhu cầu tiêu thụ rơm tăng mạnh như hiện này thì chỉ sau 1 năm sẽ thu lại được vốn đầu tư. Máy cuốn rơm đã và đang giải quyết trở ngại của máy gặt đập liên hợp là xử lý hết lượng rơm vung vãi sau khi thu hoạch. Ngoài ra, máy cuốn rơm đã nâng cao được giá trị của rơm và tăng thu nhập cho người đầu tư máy làm dịch vụ cuốn thuê hoặc kinh doanh rơm.
Theo NNVN