Giá điện: Vì sao chỉ có tăng, không giảm?

Thứ tư, 04/02/2015, 14:32
Có thể nói trước đến nay vấn đề tăng giá điện gần như theo hướng chiều thuận, EVN đề xuất lên Bộ Công Thương thì gần như phương án tăng đều được chấp nhận.

Cần có lộ trình

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 2/2, trả lời báo chí về lộ trình tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định từ giờ tới Tết Ất Mùi sẽ không tăng giá điện nhưng ra Tết giá điện sẽ có sự điều chỉnh.

Theo Thứ trưởng Hải, Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc tăng giá điện lên 9,5%. Tuy nhiên Thứ trưởng Hài cho hay, Bộ Công Thương sẽ căn cứ vào quy định hiện hành và tình hình thực tiễn để điều chỉnh mức tăng phù hợp.

Cùng với đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định giá bán điện thương phẩm của Việt Nam đang dưới giá thành. Các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng có nhiều khuyến nghị về việc này. World Bank cho biết, giá bán điện Việt Nam phải tăng 40% trong 3 năm tới.

Giá điện sẽ điều chỉnh tăng sau Tết

Như vậy gần như sau Tết giá điện sẽ được điều chỉnh tăng lên, giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân đặc biệt khiến giá thành sản xuất doanh nghiệp tăng lên, kéo theo giá mặt hàng tăng. Giá mặt hàng tăng khiến đầu ra của doanh nghiệp gặp khó.

Đánh giá về thông tin tăng giá điện lần này của EVN, TS Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho rằng việc tăng giá điện đã có lộ trình từ trước, dự kiến năm 2014 sẽ phải tăng lên 9,5%, tuy nhiên thời gian tăng đã được lùi lại sau Tết. Do vậy vấn đề tăng giá điện không bất ngờ tuy nhiên không nên tăng một lúc lên 9,5% so với giá điện hiện nay mà phải tăng qua nhiều lần.

“Tăng giá điện sẽ làm cho nhiều sản phẩm phải tăng giá thành, doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề canh tranh như thép, xi măng... đời sống người dân cũng chịu tác động. Tôi đề nghị nên có một lộ trình”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Điện trên thị trường chiếm 13% nhiệt điện, trong khi nhà nước đang phải trợ giá khí gas cho điện. Do vậy để đảm bảo tính thị trường, Chính phủ đã đồng ý lộ trình tăng giá khí ngoài bao tiêu với tốc độ sớm hơn tới 19 năm so với trước. Cụ thể, thay vì phải chờ tới năm 2034, ngay từ 1/1/2015, giá khí gas ngoài bao tiêu bán cho điện sẽ phải bằng 100% giá thị trường, nghĩa là 8,2 USD/triệu BTU, trước đây giá khí gas được bao tiêu thấp hơn nhiều giá thị trường.

Tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm, giá khí gas giảm do vậy đầu vào nhiệt điện giảm theo.  Theo TS Doanh cần phải tính lại giá đầu vào để có mức tăng giá điện cho hợp lý.

“Về lộ trình tăng giá điện, trước đây dựa trên mức tính đầu vào cũ được đưa ra từ lâu vào thời điểm giá xăng dầu cao. Trong khi hiện nay giá xăng dầu thế giới giảm 60% nên cần phải tính lại giá đầu vào để từ đó đưa ra mức tăng giá điện sao cho hợp lý”, TS Doanh cho biết.

Nghịch lý giá điện: Chỉ có tăng!

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, Thủ tướng từng có chỉ đạo ngành điện phải giảm giá thành, nâng cao năng xuất lao động, giảm bớt chi phí không cần thiết, giảm tiêu hao điện trên đường dây… Vì vậy trước khi tăng giá điện cần làm sáng tỏ tất cả yếu tố đó.

“Điện hiện nay độc quyền vì vậy việc giám sát hoạt động độc quyền của điện hầu như rất kém hiệu lực, cần cơ quan giám sát độc lập, cái này nên giao cho Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật”, TS Doanh nói.

Có thể nó, từ trước đến nay vấn giá điện chỉ tăng theo hướng chiều thuận, EVN đề xuất lên Bộ Công Thương thì gần như phương án tăng đều được chấp nhận. Lý giải điều này TS Doanh cho rằng, quan hệ giữ Bộ Công Thương và EVN rất chặt chẽ do vậy việc quản lý giám sát độc quyền gần như không có. Bởi Cục Quản lý cạnh tranh lại trực thuộc Bộ Công Thương, vậy làm sao để Cục Quản lý cạnh tranh giám sát được Bộ Công Thương?.

“Đó là khó khăn cần thông cảm với Cục Quản lý cạnh tranh, vì vậy theo tôi cần sửa lại quy chế Cục Quản lý cạnh tranh và Luật Cạnh tranh phần độc quyền để làm rõ độc quyền và hiệu lực giám sát độc quyền”, TS Doanh kết luận.

Đồng quan điểm với TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, lộ trình tăng giá điện đã được Thủ tướng chấp thuận nhưng đó là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, cộng với thủy điện hoạt động kém.

“Nhưng gần đây hai xu hướng kia đảo ngược, giá xăng dầu giảm mạnh, thủy điện dồi dào vì vậy lộ trình tăng giá điện cần xem lại mức độ tăng”, TS Nguyễn Minh Phong nói.

Vấn đề nữa trong việc tăng giá điện theo TS Phong, giá điện điều chỉnh tăng lên 9,5% tuy nhiên đây là giá bán nào? Giá bán lẻ hay giá của nhà sản xuất? Hai giá bán này hoàn toàn khác nhau. Việc tăng giá điện được lý giải lấy tiền đầu tư là không đúng yếu tố thị trường, cần tách rời sản xuất và phân phối trước khi tăng giá để tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi" mới đảm bảo khách quan.

Theo GDVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn