Trong thông báo kết luận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại hội nghị giao ban tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11 diễn ra ngày 5/12 vừa qua, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp Tổng cục Năng lượng nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo phương án mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình, thì mức tăng dự kiến sẽ vào khoảng 9,5% so với giá bán hiện hành, từ mức 1.508,85 đồng/kWh lên 1.652,19 đồng/kWh.
Không bình luận về đề xuất tăng 9,5%, song lãnh đạo EVN cho biết, hiện tập đoàn này đã gửi đề xuất lên cơ quan cấp trên và đang chờ được phê duyệt.
Đáng nói, những lần điều chỉnh tăng giá điện trước đây, EVN chỉ “rón rén” tăng 5%, nhưng với đề xuất lần này, bước tăng được đẩy lên khá lớn, tới 9,5%.
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho rằng, tăng giá điện ở thời điểm này là hợp lý. Phân tích của ông Ngãi đưa ra, là năm nay hạn hán nhiều, nước đổ về thủy điện không lớn khiến ngành điện phải chạy dầu giá cao để phát điện. Bên cạnh đó, ngoài giá khí bán cho điện đã tăng thì từ ngày 21/7, giá bán than cho các nhà máy điện đã tăng thêm 5%, tương đương 74.000 đồng/tấn, đã gây sức ép không nhỏ cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện nói riêng và EVN nói chung. Riêng các khoản tăng giá than, thì theo tính toán của EVN đã khiến chi phí đầu vào của EVN tăng hơn 7.000 tỷ đồng.
EVN đang đề xuất trình Chính phủ phương án tăng giá điện thêm 9,5%. |
“Chi phí sản xuất mỗi kWh điện theo tính toán của Hiệp hội tăng từ 9,4 – 9,5%, sát với mức đề xuất tăng giá mà EVN đưa ra. Chi phí tăng nên buộc phải đề xuất tăng là giá điện là hoàn toàn hợp lý", ông Ngãi nói.
Một lý do khác khiến vị Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng ủng hộ tăng giá điện là: “lâu rồi giá điện cũng chưa tăng dù nhiều lần EVN đề xuất tăng giá”. Ngoài ra, số vốn đầu tư mỗi năm của EVN cho các công trình điện lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nếu giá điện không tăng tiệm cận với các nước trong khu vực thì sẽ khó có nhà đầu tư nào muốn đổ vốn vào ngành điện. "EVN cần có lãi để trả nợ”, ông Ngãi nói.
Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, các chuyên gia nhận định, nếu EVN xin tăng giá điện trong bối cảnh kinh tế hiện tại là chưa hợp lý, đặc biệt là với bước tăng mạnh tới 9,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang thấp nhất trong vòng 11 năm qua, chưa kể giá dầu thô cũng đang giảm và đứng ở mức “đáy” trong nhiều năm.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, đề xuất này của EVN cần tính toán lại rất cẩn trọng, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới đang xuống rất thấp.
Không ngạc nhiên trước đề xuất tăng giá điện của EVN, song điều khiến TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), băn khoăn là mức đề xuất tăng giá của EVN lên tới 9,5%. Ông đánh giá, mức tăng này sẽ là “cú sốc” cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dùng nhiều điện như sản xuất sắt, thép… và sẽ có tác động không nhỏ tới tâm lý người tiêu dùng.
CPI giảm mạnh phản ánh “sức khỏe” của doanh nghiệp và nhu cầu chi tiêu “thắt lưng buộc bụng” của người dân, nếu tận dụng cơ hội CPI giảm để tăng giá điện thì nghe có vẻ hợp lý, “kích” CPI tăng lên nhưng chắc chắn mức tác động này là không nhiều. Còn về phần doanh nghiệp và người dân, những chủ thể chịu tác động chính từ việc tăng giá điện lại … lĩnh đủ.
“Không nên tăng giá một lần “sốc” như vậy. Tôi cho rằng, trong giai đoạn này mức tăng hợp lý chỉ nên ở mức 4% là hợp lý”, ông Doanh nói.
Theo quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, trường hợp giá bán điện bình quân muốn từ 7% đến dưới 10%, EVN được điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Công thương. Và Bộ Công thương phải có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc.
Từ nay tới hết tháng 12/2014 chỉ còn hơn chục ngày. Vì thế, ông Ngãi cho rằng, rất có thể giá điện sẽ chưa thể tăng ngay trong những ngày cuối năm 2014 mà phải chờ sang đầu năm 2015.
Theo Infonet