Cửa hàng cà phê di động của Anh Thắng (SN 1992, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được thiết kế khá đơn giản gồm xe đạp điện, thùng nhựa trữ lạnh được bao quanh bởi tấm bạt đỏ đề tên "thương hiệu" và số điện thoại liên lạc, mấy chai cà phê vỏ Coca 1,5 lít, vài hộp sữa đặc, dụng cụ đánh cà phê...
Từ 5h - 9h sáng mỗi ngày, Anh Thắng đi lấy cà phê ở đầu mối bán buôn rồi tập trung bán hàng trên cung phố quen từ Đồng Xuân, Hàng Lược, qua Hàng Đào, chợ Cầu Gỗ... Luôn tay pha, bán cà phê cho khách, Thắng cho biết, nghề này giúp anh có thu nhập gấp đôi, thậm chí có thời điểm gấp 3 - 4 lần công việc bảo vệ, nhân viên đứng quầy vé chiếu phim trước kia.
Từ chối chia sẻ giá nhập buôn cà phê, Thắng tiết lộ: "1 chai 1,5 lít đặc sánh mua buôn pha được khoảng 200 cốc cà phê. Giá bán lẻ 10.000 đồng/cốc. Mỗi ngày mình chỉ cần bán được khoảng 4 - 5 chai, tương đương với 6 - 7 lít cà phê là đảm bảo cuối tháng tổng kết thu nhập ít nhất cũng 12 - 15 triệu. Thanh niên phố, không phải thuê nhà như anh em tỉnh lẻ, từng ấy tiền là sống khỏe rồi!"
Cà phê dạo mới phổ biến khoảng 5 năm ở Hà Nội nhưng đã trở thành thức uống được nhiều người yêu thích, mang lại thu nhập tốt cho các chủ hàng. Ảnh: Diệp Sa. |
Ban ngày dành ra khoảng 6 tiếng bán cà phê, thời gian còn lại, Thắng dành để phụ giúp mẹ bán và ship hàng thực phẩm trong khu vực nội thành. Buổi tối, như nhiều thanh niên phố khác, cậu diện đồ hiệu, "cưỡi" SH đi chơi với nhóm bạn. "Giờ quan niệm của mọi người cũng thoáng hơn nhiều rồi. Bố mẹ mình trước thấy con làm tài xế taxi, rồi bảo vệ, bán vé rạp nhưng lương ba cọc ba đồng cũng xót, giờ đi bán cà phê vừa thoải mái vừa có thu nhập, các cụ cũng mừng. Chả ai dám khẳng định cứ là dân bán rong, bán dạo thì không thể mặc đồ sang, đi xe đẹp!", Thắng cởi mở.
Đi bán cà phê dạo nhưng theo chia sẻ của những người làm nghề như Anh Thắng (Hà Nội), anh Tâm, anh Khánh (Nghĩa Hưng, Nam Định), nếu đầu tư xe đạp điện, anh em trong hội bán hàng biết chia cung đường và tạo được những mối khách hàng quen thì công việc này sẽ không vất vả và khó khăn như nhiều người tưởng.
Theo chia sẻ của anh Khánh, một nông dân từ Nam Định ra Hà Nội bán cà phê được 2 năm nay, anh chỉ bán quanh khu phố cổ ra tới Hồ Gươm nhưng nhờ cà phê ngon, có khách mua buôn mua lẻ định kỳ nên thu nhập ổn định. Khoản tiền lãi hơn chục triệu đồng hàng tháng được anh Khánh gửi một nửa về phụ giúp gia đình ở quê, nửa còn lại anh chi trả phí sinh hoạt tại thủ đô. Hiện tại, cà phê dạo đang là một trong những trào lưu bán hàng thu hút ngày càng nhiều người tham gia nhờ vốn nhỏ, lãi lớn và thu nhập ổn định.
Cà phê được người bán nhập từ các đầu mối buôn là cà phê pha sẵn, đặc sánh đựng trong chai lớn sau đó pha loãng bán lẻ cho khách với giá 10.000 đồng/ly. Ảnh: Diệp Sa. |
Chủ một mối đổ buôn cà phê có sức tiêu thụ lên tới 200 - 300 lít/ngày cho biết, 5 - 6 năm trụ lại trên đất thủ đô, anh nhận thấy thị trường Hà Nội vẫn là mảnh đất màu mỡ cho cà phê dạo chất lượng ngon, giá thành rẻ. Chuỗi cửa hàng cà phê di động của anh hiện đã lên tới gần 40 xe tỏa khắp Hà Nội và số lượng người muốn gia nhập hệ thống này vẫn tăng theo từng tuần.
"Với người tỉnh lẻ ra đây làm ăn, chi phí đắt đỏ tại thành phố buộc họ phải vất vả hơn gấp nhiều lần, bươn chải hơn nhiều mới hy vọng có đủ tiền trụ lại và dành ra được một ít gửi về quê. Nhưng nhiều người nhờ bán cà phê dạo mà cuộc sống dễ thở hơn. Với người thành phố lại càng khác, không phải trả tiền thuê nhà, được ở bên cạnh gia đình, khoản thu nhập trên dưới 15 triệu/tháng đủ cho họ sống khỏe", anh chia sẻ.
Chủ chuỗi "cà phê ê mông" này cũng tiết lộ, trong đội bán hàng mấy chục xe anh quản lý, có nhiều người là cử nhân, thạc sĩ. Có người nắm trong tay tới mấy bằng nghề... nhưng đều vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, giờ họ cùng bán cà phê dạo nuôi bản thân và gia đình.
"Tôi là giáo già, về hưu, đi bán cà phê không đặt nặng thu nhập mà chỉ để tiếp xúc mọi người, rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai. Có đi bán hàng mới thấy dân phố chợ cũng tươi vui, tình cảm chứ không chao chát, ghê gớm như ấn tượng ban đầu. Cà phê dạo 10.000 đồng cũng như nhiều món ngon khác của Hà Nội, phải ngon thì mới giữ khách được lâu dài. Bán một món ngon, không chỉ có thu nhập mà còn có thêm niềm vui", bác Nguyễn Hưng, một giáo viên Vật Lý về hưu rồi mưu sinh bằng nghề bán cà phê dạo chia sẻ.
Theo Zing