Xu hướng chọn các loại mứt, hạt ngoại nhập dùng trong những ngày Tết dần trở nên phổ biến. Theo đó, thị trường Tết năm nay cung ứng đa dạng các chủng loại và giá cả nhiều loại cũng khá “mềm” hơn so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, đa phần các loại mứt, hạt ngoại nhập không rõ ràng về nguồn gốc, hạn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng.
Tại chợ An Đông (quận 5, TP HCM), hàng chục gian hàng thuộc tầng hầm ở cả ba mặt của chợ đều tràn ngập thực phẩm Tết với đa dạng sắc màu. Ở mỗi gian hàng, riêng mứt, hạt đã có đến khoảng trên 50 loại khác nhau. Trong đó, có nhiều loại ngoại nhập như chà là, kiwi, cherry, nho đen, nho vàng, hồng, mận, việt quất, vỏ bưởi, hạt dẻ, hạnh nhân, macca, hồ đào, óc chó… Các chợ khác như Tân Định (quận 1, TP HCM ), chợ Cây Quéo (Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… mứt Tết hiện đầy ắp quầy kệ các gian hàng.
Mứt Tết được bày bán đủ loại tại các chợ. |
Bắt mắt nhất phải kể đến mứt kiwi với từng miếng đều nhau, màu xanh mướt, giá chỉ tương đương một số loại mứt nội, 150.000-170.000 đồng/kg. Mứt cherry cũng không kém cạnh với quả tròn, màu đỏ rực, giá 300.000-400.000 đồng/kg. Mứt chà là khá đa dạng, có loại không còn rõ hình dáng quả, bị dính bết vào nhau; có loại quả khô ráo, đều đặn; loại quả vẫn còn nguyên cuống tạo thành chùm; loại đã tách hạt, loại chưa tách… mức giá chênh lệch khá cao, 60.000-500.000 đồng/kg.
Lạ nhất là loại mứt quả việt quất, giá 400.000-450.000 đồng/kg; mứt này có màu đỏ bầm, nhìn không bắt mắt nhưng vị chua chua ngọt ngọt dễ ăn. Mứt vỏ bưởi của Thái Lan miếng to và có màu xanh rất đậm, nhưng lại không thơm bằng loại của Việt Nam.
So với năm trước, năm nay các loại hạt dẻ, hạnh nhân có giá cao hơn khoảng 10-20%, 300.000-450.000 đồng/kg, tùy theo loại lớn hay nhỏ, còn vỏ hay đã bóc vỏ. Đặc biệt, hầu như quầy hàng Tết nào cũng có bán thêm macca, hồ đào và óc chó. Các loại hạt này giá khá cao, 600.000-950.000 đồng/kg, tùy loại. Tuy nhiên, khi thử cho thấy, khá nhiều hạt đã bị oi dầu.
Theo TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Nông Lâm TP HCM , màu xanh của các loại rau quả, chẳng hạn như kiwi, vỏ bưởi rất dễ bị mất hoặc biến màu khi gặp nhiệt độ cao hoặc bảo quản không tốt. Màu đỏ tuy không bị mất màu nhưng cũng bị nhạt hoặc bầm hơn sau khi chế biến. Các loại mứt Tết có màu xanh, đỏ, vàng tươi, đẹp, bắt mắt chắc chắn đã dùng phẩm màu trong quá trình chế biến.
Hầu hết các loại mứt ngoại nhập được bán xá. Mọi thông tin về nguồn gốc, thời hạn sử dụng hay chất lượng của sản phẩm chỉ thông qua người bán. Trong khi đó, người bán mỗi nơi nói một kiểu, thậm chí, tại một nơi lại có nhiều kiểu giải thích khác nhau, chỉ cốt bán được hàng.
Nhân viên một gian hàng thực phẩm Tết trong chợ An Đông giới thiệu: “Chị mua chà là đi, chà là Việt Nam đó, chuyển từ Hà Nội vào, chỉ 90.000 đồng/kg (!?)”. Chúng tôi thử hỏi: “Việt Nam cũng có chà là sao?”, một người khác (có lẽ là chủ) đỡ lời, “đó là hàng nhập từ Ấn Độ, nhỏ đó không biết nên nói vậy”.
Khi mua mứt Tết, nên yêu cầu người bán chứng minh xuất xứ, hạn dùng. |
Cô chủ gian hàng này mời chào khách mua thêm mứt kiwi từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu cho xem bao bì của sản phẩm để chứng minh nguồn gốc thì cô cho rằng “muốn biết rõ về nguồn gốc thì phải đến xưởng sản xuất chứ nhìn bao bì cũng… không biết chắc”. Nói rồi cô đưa ra một vỉ chà là, giới thiệu “chị muốn yên tâm thì mua loại của Pháp đi, có dán nhãn đây”.
Khó có thể nhận biết chất lượng sản phẩm vì loại "hàng của Pháp" này được đóng gói khá sơ sài trên vỉ xốp, bề mặt được bọc bằng màng dẻo, trên mặt màng dẻo và phía sau miếng xốp có dán nhãn với vài dòng chữ tiếng Pháp, song lại không có tem nhập khẩu và nhãn phụ tiếng Việt.
Ở gian hàng kế bên, người bán bốc hồng khô từ một chiếc thùng carton (loại 5kg) in toàn tiếng Trung Quốc, xếp lên kệ. Điều đáng nói là trên kệ vẫn ghi chú tên sản phẩm là “hồng khô Đà Lạt”. Tại chợ Cây Quéo (Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh), một gian hàng bán bánh mứt Tết với hàng chục loại. Riêng mứt chà là có ba loại với giá lần lượt là 60.000 đồng, 90.000đồng, 200.000 đồng/kg. Loại giá rẻ nhất được đổ trong ngăn hộp kính, các quả dính bết vào nhau.
Bà chủ cho biết loại này nhập từ Ấn Độ, và khẳng định hàng có xuất xứ rõ ràng. Chuyển sang giới thiệu loại 90.000 đồng/kg, bà nói “loại này còn nằm trong thùng đây, em xem đi”. Trên thùng, tuy có nhãn phụ tiếng Việt cho biết tên công ty nhập khẩu và hàng nhập từ Ai Cập, song không có thông tin về thời hạn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng. Khi ăn thử thì thấy mứt có mùi ngai ngái kiểu như đã bị lên dầu.
Tương tự, ở một cửa hàng bên hông chợ Tân Định, dù giới thiệu mứt kiwi nhập từ Úc nhưng trên bao bì mà người bán đưa cho khách xem lại ghi “Product of China (sản phẩm của Trung Quốc)”. Tại đây cũng có nhiều loại chà là, loại nhập từ Ả Rập, được đóng gói đúng chuẩn, dán nhãn phụ tiếng Việt với đầy đủ thông tin nhưng giá lên đến 500.000 đồng/kg.
Một người bán lâu năm tại chợ An Đông cho biết về xuất xứ của các sản phẩm mứt Tết: “Kiwi, hồng, hạt dẻ, hạnh nhân chắc chắn là hàng từ Trung Quốc. Khác nhau ở chỗ, người thì nhập hàng xá về bán, người thì nhập hàng công ty, có nguồn gốc rõ ràng”. Để chứng minh, cô này đưa gói mứt kiwi 0,5 kg cho khách xem, trên sản phẩm có đầy đủ thông tin về công ty sản xuất, công ty nhập khẩu và thời hạn sử dụng. Cũng theo tiểu thương này, nho, cherry có hai nguồn Trung Quốc và Mỹ, mận thì Trung Quốc hoặc Việt Nam; các loại hạt óc chó, macca, hồ đào thì từ Úc, Mỹ hoặc các nước Nam Mỹ.
Người tiêu dùng khi đi mua hàng nên yêu cầu người bán chứng minh nguồn gốc của sản phẩm. Cần thận trọng chọn mua sản phẩm nếu thấy người bán có dấu hiệu mập mờ, né tránh việc chứng minh nguồn gốc.
Theo Phụ Nữ