Có nên đầu tư vào vàng?

Thứ sáu, 20/03/2015, 11:40
Mặc dù có ngày Thần Tài khiến người mua chen chân mua vàng cầu may, nhưng tháng 2/2015, giá vàng vẫn giảm 0,6% so với tháng 2/2014. Tính bình quân hai tháng đầu năm, giá còn giảm lớn hơn, tới 1,01%. Hiện giá vàng trong nước ở mức 35,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hiện tính bằng đồng USD nên việc đồng tiền này đang mạnh lên đã có những tác động nhất định tới giá vàng. Tuy nhiên, khi giá vàng tăng, các nhà đầu tư và đầu cơ nắm giữ vàng có dấu hiệu tung vàng ra bán để tranh thủ giá cao hơn và động thái này lại làm cho giá vàng giảm. Yếu tố tiếp theo là khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, đồng USD mạnh lên, lạm phát thấp hơn mục tiêu.

Có nên đầu tư vào vàng?
Biến động giá vàng tới đây  có xu hướng “đáy” sau thấp hơn “đáy” trước, “đỉnh” sau thấp hơn “đỉnh” trước

Loại yếu tố làm tăng giá vàng là nhiều nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất xuống mức rất thấp (thậm chí ở mức 0 trong thời gian khá dài); tung ra các gói kích thích khổng lồ để ngăn chặn suy giảm hoặc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ xuất khẩu, song cũng dễ làm cho lạm phát tăng, khi đó dòng vốn sẽ tìm tới nơi trú ẩn vào vàng.

Ngoài ra việc đồng USD ở các nước khác có xu hướng chảy ngược về Mỹ, làm cho đồng tiền này tiếp tục lên giá so với các đồng tiền khác và làm cho giá vàng giảm; nhưng đồng thời USD lên giá cũng tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Mỹ. Bởi vậy, giá vàng thế giới đã có thời gian giảm xuống còn 1131,85 USD/ounce trong năm 2014 rồi tăng trở lại sau đó đang được dự báo lại có khả năng giảm trở lại về mức này.

Nhóm yếu tố tác động đến giá vàng ở trong nước cũng không ít. Rõ nhất là lạm phát. CPI đã giảm liên tục trong 4 tháng một cách khác thường so với thông lệ gần như từ trước tới nay (giảm trong 2 tháng cuối năm trước và 2 tháng đầu năm nay). Hiện giá điện, giá xăng mới tăng, lương hưu, lương đương chức có hệ số thấp dưới 2,34 tăng, nhưng CPI tháng 3 chưa bị ảnh hưởng của đợt tăng giá này là bởi chu kỳ tính CPI tháng 3 là từ ngày 16/2- 15/3 tăng không đáng kể. Nhưng từ tháng 4 trở đi, CPI sẽ bị ảnh hưởng. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng làm CPI cả năm sẽ tăng thêm 0,46%.

Nhưng với tổng cầu còn thấp, lạm phát chưa trở thành sức ép để dòng tiền đổ vào vàng. Mặt khác, lạm phát thấp cũng khiến vàng không có sức hấp dẫn đối với dòng vốn trên thị trường. Một yếu tố khác làm cho giá vàng trong nước khó tăng cao, thậm chí có thể còn giảm, nếu giá vàng thế giới giảm như dự báo ở trên. Trong khi tỷ giá VND/USD sau khi tăng khá vào tháng 1 (tăng 0,23%), nhưng tháng 2 lại giảm 0,2%, nên tính chung 2 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 0,03%.

Bước sang tháng 3 giá USD về cơ bản ổn định, có tăng, nhưng không đáng kể. Trong khi đó, giá vàng ở trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới. Với mức chênh lệch lớn như thế này tất yếu sẽ dẫn đến việc nhập lậu vàng từ nước ngoài tạo sức ép làm giảm giá vàng ở trong nước.

Tuy nhiên, việc nắm giữ vàng của người dân vẫn lớn do truyền thống và tâm lý “tích cốc phòng cơ” hay tháng Giêng có ngày Thần Tài, tặng vàng trong mùa cưới hỏi đầu năm hay những e ngại lạm phát tăng cao trở lại do “té nước” theo xăng, điện; tát nước theo lương.

Dẫu vậy thì những yếu tố khiến giá vàng tăng chỉ mang tính tạm thời, trong khi những yếu tố làm giảm giá vàng trội hơn và mang tính dài hạn hơn.

Biến động theo hình “răng cưa” (lúc tăng, lúc giảm) vừa là biểu hiện tất yếu của giá cả trong cơ chế thị trường, vừa là kết quả và do đó đã hấp dẫn các đầu cơ đầu tư vào vàng.

Xu hướng biến động giá vàng tới đây được nhiều chuyên gia dự đoán giống như cái cưa dốc xuống, tuy vẫn còn biến động theo hình răng cưa, nhưng có xu hướng “đáy” sau thấp hơn “đáy” trước, “đỉnh” sau thấp hơn “đỉnh” trước và cuối năm có thể sẽ giảm về mức trên dưới 33,5 triệu đồng/lượng.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn