Cherry loạn giá
Qua chia sẻ của chị Lê Phương Thảo (Long Biên, Hà Nội), phóng viên Dân Việt đã tìm tới một cửa hàng bán trái cây tươi của công ty Klever Fruits ở địa chỉ 182 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) để hỏi mua cherry nhập khẩu từ Mỹ. Tại đây, các nhân viên của cửa hàng cho biết, hiện đang là mùa của cherry Mỹ, Canada nên số lượng khách hàng tới tìm mua sản phẩm này khá nhiều.
Khi được hỏi về giá bán của những sản phẩm này, một nhân viên làm việc tại cửa hàng chia sẻ, cherry vàng Mỹ là sản phẩm có giá cao nhất: 599.000 đồng/kg, còn sản phẩm có giá thấp nhất là cherry đỏ Canada: 399.000 đồng/kg.
Lý giải về sự chênh lệch giá giữa hai sản phẩm, nhân viên này cho biết: “Mùa cherry vàng Mỹ kéo dài từ tháng 5 tới tháng 7, song mùa vụ chính, cho những quả cherry ngon nhất chỉ kéo dài từ 1 tới 2 tuần. Còn mùa vụ của những loại cherry khác kéo dài vài tháng. Vậy nên, giá của cherry vàng Mỹ luôn cao hơn giá của các loại cherry khác.”
Giá bán niêm yết trên kệ của siêu thị Fivimart đối với sản phẩm anh đào đỏ Mỹ lần lượt là 399.000 đồng/kg và 439.000 đồng/kg |
Bên cạnh đó, nhân viên này khẳng định, cherry trong cửa hàng đều được công ty đặt hàng từ Mỹ, Canada. Sau đó, chuyển về Việt Nam qua đường hàng không rồi phân phối tới các cửa hàng.
Tại cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu ở Long Biên –Hà Nội , anh Thành (Ngọc Lâm, Long Biên) cho biết, vợ anh từng mua cherry ở một số cửa hàng bán hoa quả thông thường với mức giá chỉ bằng 2/3 mức giá bán tại cửa hàng Klever Fruits. Tuy nhiên, sau khi được nghe một số thông tin về tình trạng cherry nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam, được đóng thùng, in nhãn mác Mỹ, Canada, rồi bán cho các cửa hàng hoa quả với giá rẻ, vợ chồng anh đã chuyển sang mua hoa quả những cửa hàng bán hoa quả cao cấp với hi vọng sẽ mua được những loại hoa quả an toàn, chất lượng hơn.
Tại một cửa hàng bán hoa quả nhập khẩu ở địa chỉ 44 Đường Thành (Hà Nội), chủ cửa hàng giới thiệu cherry ở cửa hàng mình xuất xứ từ Canada, là loại có kích cỡ lớn nhất (size 8), giá bán 500.000 đồng/kg. Khi phóng viên dùng thử 1 quả cherry đỏ do chủ cửa hàng lấy ra từ trong hộp nhựa, cảm nhận đầu tiên là quả cherry này không có vị ngọt lịm như chia sẻ của nhiều người từng sử dụng cherry Mỹ, Canada. Ít phút sau khi ăn, bắt đầu cảm thấy vị chua ở hai rìa lưỡi.
Trong khi đó, tại siêu thị Fivimart (131 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), sản phẩm cherry đỏ Mỹ được bán với hai mức giá niêm yết trên kệ hàng là 399.000 đồng/kg và 439.000 đồng/kg. Còn tại cửa hàng ở địa chỉ 12 Sơn Tây (Hà Nội), thuộc hệ thống cửa hàng Luôn tươi sạch. Cherry được ghi có xuất sứ từ Mỹ, bán với hai mức giá niêm yết: 349.000 đồng/kg và 399.000 đồng/kg.
May vẫn hơn khôn
Chị Thu Hương ( Hà Đông - Hà Nội) một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối hoa quả nhập khẩu chia sẻ kinh nghiệm, cherry Trung Quốc giòn, có vị ngọt nhưng không có được hương thơm và tươi lâu như cherry Mỹ. Dù bảo quản trong tủ lạnh, nhưng chỉ sau 3 ngày, cherry Trung Quốc sẽ bị hỏng.
Ngoài ra, chị Hương cho biết thêm, ban đầu, cherry được nhập khẩu vào Việt Nam đều có giá khá rẻ, song mỗi cửa hàng, công ty phân phối lại định giá theo những cách khác nhau, dẫn tới sự chênh lệch giá giữa các cửa hàng bán sản phẩm này.
Mùa vụ chính của cherry vàng Mỹ chỉ kéo dài tử 1 – 2 tuần |
Chị Hương nói: “Quả cherry có 4 kích cỡ: 8; 8,5; 9 và 9,5. Trong đó, cỡ 8 là to nhất, nhỏ nhất là 9,5. 8 là size to nhất, đến size 8,5 rồi đến size 9, nhỏ nhất là size 9,5.
Ở các nước châu Âu, cherry được thu hoạch bằng máy và phân loại rồi đóng thùng, chuyển lên khoang lạnh máy bay. Thời gian di chuyển dài, việc bảo quản gặp nhiều khó khăn nên khi về tới Việt Nam, mỗi đơn vị nhập phải tự bảo quản bằng cách riêng.
“Khi đi mua hàng, tôi thường mở thùng cherry ra để kiểm tra. Nếu bên trong còn nguyên nếp quả, nghĩa là thùng còn nguyên vẹn quả không có hiện tượng bị đảo lộn. Ngược lại, rất dễ xảy ra trường hợp cherry cũ được trộn với cherry mới hay trộn các loại quả với nhau. Chẳng hạn quả size 8 trộn với size 8,5 và size 9, nhưng bán với giá tiền size 8 bởi giá bán giữa các size chênh nhau 200.000 - 300.000 đồng/thùng.”, chị Hương cho biết.
Bên cạnh đó, chị Hương cũng đưa ra lời khuyên, “ phải để ý kỹ những quả cherry đã rụng cuống, thối được bán giảm giá bởi chúng không còn giá trị dinh dưỡng, người ăn phải rất dễ bị đau bụng”.
Khi được hỏi cách phân biệt giữa cherry Mỹ và cherry Trung Quốc, chị Lê Phương Thảo (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Quả cherry Mỹ to, có đường kính từ 27 – 28mm. Khi chín có màu đỏ gụ màu đậm. Phần thịt bên trong chắc giòn, khi ăn có vị ngọt lịm và hương thơm dịu nhẹ. Còn quả cherry Trung Quốc có đường kính nhỏ hơn, từ 22 – 24mm. Khi ăn sẽ không có được vị ngọt như cherry Mỹ.”
Tuy nhiên, khi được hỏi cách nhận biết cherry Trung Quốc, các nhân viên của cửa hàng Klever Fruits ở địa chỉ 182 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) lại cho biết, rất khó để phân biệt giữa cherry Mỹ và cherry Trung Quốc bằng mắt thường. Một nhân viên nói: “Cherry Trung Quốc cũng có đủ kích cỡ từ nhỏ tới lớn, màu sắc bên ngoài cũng đa dạng. Nếu muốn phân biệt, chắc chỉ còn cách ăn thử bởi cherry Mỹ sẽ có vị ngọt lịm mà cherry Trung Quốc không có được.”
Theo Dân Việt