TP.HCM là địa phương đầu tiên thử nghiệm truyền hình mặt đất DVB-T2 thay cho truyền hình analog, từ ngày 15/6, việc tắt sóng truyền hình analog. Việc này khiến nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các huyện vùng ven như: Củ Chi, Bình Chánh,… còn khá nhiều bỡ ngỡ.
Đầu thu tăng từ 50.000-100.000 đồng/bộ vì khan hàng. Ảnh: Thái Nguyễn |
Gia đình Hồ Thành Trung (quận 7, TP.HCM) cho biết, nhà ông vẫn thường xem thời sự trên kênh HTV, VTV, nhưng đến tối ngày 15/6 thấy tivi có dấu hiệu nhiễu sóng, nghĩ do anten hư nên nhờ thợ đến sửa thì ông mới biết thông tin truyền hình analog bị ngắt.
Tại cửa hàng đầu thu T.G (huyện Củ Chi, TP.HCM), chủ cửa hàng cho biết từ ngày ngắt sóng truyền hình cửa hàng T.G bán và lắp đặt trung bình gần 10 đầu thu, chủ yếu là đầu thu của VTV với giá 850.000 đồng/đầu. Vài ngày trở lại đây, cửa hàng T.G tăng giá đầu thu lên 50.000 đồng/bộ, do nhu cầu lắp đặt ngày càng nhiều.
“Đa phần người dân họ không biết chuyện ngắt sóng truyền hình, đến ngày không vào kênh được thì dân mới kéo nhau đến mua. Hiện chi phí lắp đặt của cửa hàng cũng tăng lên do không có nhiều nhân viên. Đa số khách yêu cầu đến nhà lắp, chỉ số ít đến cửa hàng mua và được hướng dẫn về tự lắp”, chủ cửa hàng T.G cho biết.
Theo anh Thanh Hải, trưởng bộ phận lắp đặt của một cửa hàng kinh doanh đầu thu, những ngày gần đây, do nhu cầu lắp đặt tăng cao, anh và 2 nhân viên khác chạy hầu như không nghỉ. "Công việc bận quá, không có thời gian ăn trưa. Chúng tôi ăn buổi sáng thật nhiều để bù", anh Hải chia sẻ.
Chủ cửa hàng H.H cho hay: “Hầu hết các cửa hàng trên địa bàn TP.HCM đều tăng giá. Đầu thu nhập khẩu với thuế lên đến 35%, việc nhập khẩu không thể liên tục vì thuế quá cao, cửa hàng rơi vào tình trạng bán nhỏ giọt, cầm chừng và có dấu hiệu cháy hàng ở phân khúc đầu thu tầm trung từ 500.000-600.000 đồng/bộ, chưa bao gồm chi phí lắp đặt”.
Ngoài ra, còn một số hộ dân khác đầu tư hẳn tivi mới, hoặc kết nối cáp quang, nhưng những hộ vùng ven TP.HCM lại lo ngại về vấn đề đường truyền cũng như chi phí lắp đặt.
Cụ thể, anh Quốc Hùng (quận 2, TP.HCM) cho biết: “Nếu lắp cáp, chí ít tôi cũng phải bỏ ra trên dưới 300.000 đồng để trả phí cho bên cung cấp mỗi tháng. Số tiền này gia đình chưa chắc đã có. Trong khi nếu chi phí ban đầu tốn hơn chút đỉnh, thêm vào 300.000 đồng nữa mà được đầu thu xài miễn phí hàng tháng thì ít tốn kém hơn chứ. Với lại, lắp cáp thì số kênh cũng gần gần với đầu thu, đôi khi còn ít kênh hơn.”
Trong khi đó, anh Hải, trưởng bộ phận lắp đặt của một cửa hàng cho biết, một đầu thu truyền hình bắt được 40 đến 70 đài thông dụng. Việc bắt sóng phụ thuộc vào vị trí hầu như việc mua đầu thu loại gì và xuất xứ từ đâu đều không ảnh hưởng đến chất lượng kênh, mà chủ yếu phụ thuộc vào độ phủ sóng của DVB-T2, các thiết bị hút sóng như anten cao hoặc thấp.
Một trường hợp khác, nhà chị Diệu Bình nằm ở đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM), cho hay, việc lắp đặt đầu thu chi phí cao, nhưng không biết xài lâu thì chất lượng kênh có bị giảm xuống hay không, nên có tiền đầu tư tivi mới cho an toàn. Theo chị Bình, "nhà người quen chị dùng cáp mà truyền hình cáp ở khu vực trung tâm thì dùng tốt, chứ ra vùng ven hay bị nhiễu, kênh bị đứng hay giật nên chị cũng lo lắm".
Song song với việc số hóa truyền hình, những hộ nghèo hay cận nghèo theo chuẩn mới sẽ được hỗ trợ đầu thu theo diện nhận trợ cấp của Nhà nước.
Theo Quyết định 59/2015/QQD-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Với tiêu chí về thu nhập, quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng. Quy định chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng.
Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, các dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Hiện tại Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã chủ trì tổ chức đấu thầu Dự án mua sắm và lắp đặt mua sắm và lắp đặt đầu thu số DVB-T2 cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo khi tắt sóng truyền hình analog ở 4 TP lớn gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ. Kết quả có 3 nhà thầu đã trúng 4 gói thầu, giá trúng thầu của 4 gói thầu là trên 270 tỷ đồng, thấp hơn mức dự toán ban đầu là hơn 48 tỷ đồng, với số lượng 461.893 đầu thu.
Theo Zing