Chào thua mũ bảo hiểm dỏm!

Thứ bảy, 02/07/2016, 10:45
Mũ bảo hiểm dỏm vẫn được sản xuất, còn cơ quan chức năng thì chưa có biện pháp xử lý tới nơi tới chốn

Theo thống kê chưa đầy đủ của CLB Doanh nghiệp (DN) mũ bảo hiểm (MBH) TP.HCM, hiện TP có trên 200 DN, cơ sở sản xuất MBH nhưng phần lớn là những cơ sở không đạt tiêu chuẩn và sản xuất hàng nhái, giả, kém chất lượng.

Xử lý như “cóc bỏ dĩa”

Dọc các tuyến đường Nguyễn Trãi (quận 1, quận 5), Kinh Dương Vương, Hồng Bàng, MBH thời trang, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn được bày bán công khai và hầu như không bị cơ quan chức năng kiểm tra hoặc xử lý. Ghé một cửa hàng kinh doanh MBH trên đường Hồng Bàng (quận 6), người bán giới thiệu MBH của Thái Lan có giá bán 230.000 đồng, nhìn rất thời trang nhưng không có bất cứ thông tin gì về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm định, nhập khẩu...

Giám đốc một công ty sản xuất MBH ở TP.HCM cho biết vài tuần trước, ông đã gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp, xử lý những cơ sở sản xuất, những cửa hàng kinh doanh MBH không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng. Nhiều điểm kinh doanh nhập hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc, Thái Lan… không khai báo thuế, không có thông tin nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm định, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Trong khi đó, công ty ông phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng nhà máy hiện đại, đạt chất lượng nhằm phục vụ người dân.

“Đối với sự cạnh tranh không lành mạnh này, nếu cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý thì thiệt thòi cho chúng tôi. Song quan trọng nhất vẫn là sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng khi sử dụng MBH dỏm” - ông này nhận xét.

Mũ bảo hiểm đủ loại bán tràn lan trên lề đường Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM)

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, sản phẩm của công ty ông liên tục bị làm nhái, giả nhưng rất khó để tìm ra những cơ sở sản xuất hàng nhái. Khi cơ quan chức năng vào cuộc cũng chỉ xử phạt hành chính, sau đó các đơn vị này lại tái diễn.

Để xử lý tình trạng này, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đề xuất Chính phủ có biện pháp cấm các cơ sở sản xuất mũ thời trang có kiểu dáng giống với MBH vì cho rằng loại mũ này dễ gây nhầm lẫn cho người mua hoặc người dân lợi dụng để đối phó với cơ quan chức năng. Kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thêm quy chuẩn kỹ thuật đối với linh kiện MBH.

Cần triệt tận gốc

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, cho rằng việc xử lý các DN sản xuất MBH kém chất lượng rất khó. Ví dụ như theo quy định, cơ sở sản xuất MBH có 3 thành phần chính là lớp vỏ nhựa, nệm mút hấp thu xung động và quai đeo nhưng nếu đến cơ sở sản xuất kiểm tra mà các sản phẩm còn rời rạc, chưa thành phẩm thì không được tính vì chưa cấu thành sản phẩm. Trong khi vấn đề quy chuẩn, chất lượng như thế nào thì lại thuộc cơ quan khác quản lý.

Theo ông Kiếm, việc Sở Khoa học và Công nghệ kiến nghị cấm các cơ sở sản xuất MBH thời trang vì cho rằng dễ gây nhầm lẫn cho người mua hoặc lợi dụng để đối phó cơ quan chức năng là quá trễ, lẽ ra phải kiến nghị sớm hơn và kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quy chuẩn để sản xuất MBH đạt chất lượng. “Dù vậy, muộn vẫn hơn không. Theo tôi, không riêng gì Sở Khoa học và Công nghệ mà các cơ quan khác như CSGT, đo lường chất lượng, QLTT… phải phối hợp chặt hơn nữa mới đưa ra được giải pháp xử lý triệt để nạn sản xuất - kinh doanh MBH dỏm” - ông Kiếm đề nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Tý cho rằng để triệt tận gốc nạn sản xuất - kinh doanh MBH dỏm, phải đưa vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. “Khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm trong sản xuất thì phải tước ngay giấy phép và cấm sản xuất vĩnh viễn; đằng này, nhiều đơn vị bị xử phạt hành chính vài triệu đồng, xong vài tháng sau họ tiếp sản xuất thì chẳng khác nào bắt cóc bỏ dĩa” - ông Tý nêu thực trạng.

Theo ông Hồ Lê Phong, Chủ nhiệm CLB DN MBH TP.HCM, dự thảo nghị định quy định những điều kiện kinh doanh MBH sắp ban hành trong Luật Đầu tư đã có những điểm mới. Dù vậy, việc xử lý vi phạm theo dự thảo vẫn chỉ chiếu theo các quy định hiện hành về “xử lý hành chính”. Mặt khác, các đơn vị chứng nhận hợp quy sản phẩm MBH trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề.

Khâu hậu kiểm chưa có những phương thức mới hữu hiệu hơn để kiểm tra MBH trên thị trường và những chế tài kèm theo thì cũng chỉ dừng ở các đơn vị sản xuất là chủ yếu, phía kinh doanh vẫn còn mang tính hình thức. Chưa kể, dự thảo nghị định vẫn còn giao trách nhiệm một cách chung chung cho các đơn vị kiểm tra, thanh tra trên thị trường và chính quyền địa phương chứ chưa có những biện pháp phòng ngừa, răn đe hữu hiệu hơn trước.

Nguy cơ từ hàng tặng

Ông Mai VănThuận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MBH Á Châu cho biết hiện nay các tổ chức ngân hàng, DN làm dịch vụ như viễn thông, xe máy, bảo hiểm... đều có hoạt động tặng MBH cho khách hàng. Các DN này đặt hàng với số lượng lớn của các đơn vị sản xuất MBH nhưng không cần biết quy trình, chất lượng sản phẩm như thế nào mà chỉ cần rẻ. “Một sản phẩm chỉ vài ba chục ngàn đồng thì làm sao đạt chất lượng. Nhưng các DN này đã làm quà tặng thì khó mà bắt bẻ được họ” - ông Thuận nói.

Đáng chú ý, đại diện Công ty MBH Thời trang Nón Sơn cho biết công ty vừa phát hiện một mạng điện thoại di động đã áp dụng chương trình bán sim tặng MBH nhưng sản phẩm này lại đi nhái MBH của Nón Sơn. Công ty đem đi kiểm định thì lòi ra sản phẩm kém chất lượng. Tuy nhiên, mạng điện thoại này lại không chịu cung cấp đơn vị sản xuất để công ty đi khiếu kiện.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn