Tép cảnh tí hon giá bạc triệu

Thứ hai, 27/06/2016, 14:43
Từ một sinh vật phụ để làm đẹp cho bể thủy sinh, tép cảnh đã trở thành niềm đam mê của không ít dân chơi cá cảnh

Giá bán tép cảnh cũng đa dạng, từ vài ngàn đồng/con đến vài trăm ngàn đồng hoặc tiền triệu. Thậm chí, có loại nhập về TP.HCM bán giá tới 42 triệu đồng vẫn có người mua. Chủ nhân những con tép này thường đùa nhau là 1 con tép thương phẩm (1-1,2cm, rất nhỏ bé) chẳng đáng là bao nếu xét về mặt dinh dưỡng nhưng giá trị của nó có thể đổi thành rất nhiều bữa tôm hùm thịnh soạn!

Thú chơi kỳ công

Theo anh Nguyễn Hoàng (ngụ quận 7, TP.HCM; nhân viên văn phòng, bắt đầu chơi tép cảnh từ hơn một năm nay), điều thú vị nhất của việc nuôi tép cảnh là độ khó. Vì vậy, nuôi cho tép sống được là đã thành công.

Ông Hoàng Tiến bên những chú tép tí hon giá hàng chục triệu đồng

“Buổi tối, sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi cho tép ăn, ngắm chúng để thư giãn. Khi tép ôm trứng, người nuôi mừng lắm, chụp hình khoe trên mạng xã hội. Nếu may mắn nó nở ra dòng mới có giá trị còn có thể bán, thu hồi vốn và đầu tư nuôi những dòng mới khó hơn. Trên mạng đang hình thành nhiều nhóm chơi tép cảnh, có nhóm thành viên lên đến con số 10.000” - anh Hoàng cho biết.

Tép cảnh đang được nuôi dưỡng trong hồ

Tép cảnh là vật nuôi có giá trị lớn, kỹ thuật cao nên ngay cả những người nuôi có kinh nghiệm cũng bị tổn thất nặng nề. Anh Làu Sỉu Bình (ngụ quận Bình Tân, nhân viên một công ty nghiên cứu thị trường của Nhật Bản có văn phòng tại TP.HCM) cho biết cách đây hơn một tháng, chỉ vì sơ ý, một đứa cháu mang thuốc xịt muỗi vào xịt bể tép của anh - có giá trị lên tới 100 triệu đồng. Vì phát hiện chậm nên anh không cứu được, cả đàn tép chết sạch.

“Tép đặc biệt nhạy cảm với hóa chất diệt muỗi, gián... Với hóa chất được ngành y tế phun để xử lý môi trường thì tép nuôi trong phòng cũng phải che đậy và áp dụng các biện pháp chống độc!” - anh Bình đúc kết.

Để tép sống, cần những điều kiện đặc biệt từ nhiệt độ nước, khoảng 22-24 độ C, nếu cao hơn phải chạy máy làm mát, thấp hơn phải dùng máy sưởi và hàng loạt thông số khác như khoáng chất, vi sinh, độ pH…

Từ thỏa đam mê đến đầu tư

Theo dân chơi tép cảnh, phần lớn tép trên thị trường có nguồn từ nhập khẩu (chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…), sau đó được người nuôi cho sinh sản rồi cung cấp ra thị trường. Trong đó, những con có giá rất cao đều là hàng “xách tay” do thủ tục nhập khẩu chính ngạch quá phức tạp.

Ở chiều xuất khẩu, tép cảnh chưa đi riêng mà xuất kèm theo lô cá cảnh như một thành phần phụ làm đẹp cho bể thủy sinh. Hiện nay, tép cảnh phần lớn giao dịch qua mạng trong cộng đồng những người yêu thủy sinh chứ chưa được bán đại trà như cá cảnh. Khảo sát sơ bộ khu vực nổi tiếng kinh doanh cá cảnh tại TP.HCM như đường Nguyễn Thông (quận 3), Võ Thị Sáu (quận 3), Lưu Xuân Tín (quận 5)…, tép cảnh hầu như vắng bóng.

Ông Hoàng Tiến, chủ nhân cửa hàng Saigon Shrimps (đường Lê Văn Sỹ, quận 3), vốn là dân ngân hàng, kinh doanh tép cảnh là nghề phụ nên cửa hàng chỉ mở cửa buổi tối. Ông vẫn nhớ như in kỷ niệm vào năm 2012, lúc bắt đầu chơi tép cảnh. Khi phát hiện hồ tép hơn 40 con có sán (sẽ ăn tép con), ông không dùng thuốc chuyên dụng mà lấy thuốc dùng cho người để xử lý.

Kết quả, chỉ trong tích tắc, cả đàn phơi bụng, chỉ 5 con còn bơi lội. Ông buồn đến nỗi sau khi dọn dẹp xong thì trùm mền bể nuôi luôn. Nào ngờ, 2 tháng sau, ông mở mền ra thì bể đầy ắp tép con, đếm sơ cũng gần 200 con. Từ đó, ông nghiệm ra: “Với tép cảnh thì không thể vội vàng, phải kiên nhẫn, càng “rối ruột” thì nguy cơ mất trắng càng cao”.

Ông Tiến cho biết hiện Đài Loan có con tép “khủng” giá quy đổi ra tiền Việt khoảng 84 triệu đồng. Còn tại Việt Nam, giá cao nhất hiện là 42 triệu đồng, dòng Taiwan galaxy, nhập từ trại tép YuCrs nổi tiếng của Đài Loan.

Tép Red galaxy fishbone pinto có giá khoảng 84 triệu đồng. Ảnh do CLB tép cảnh Yu cung cấp

“Không phải đơn giản mà bán được những con tép giá mấy chục triệu đồng. Thông thường, người mua đặt cọc trước 50%, người bán sẽ nhập hàng về và dưỡng tép 15-45 ngày cho khỏe rồi mới bàn giao kỹ thuật cho người nuôi và nhận luôn số tiền còn lại. Trong thời gian dưỡng, nếu tép chết thì người bán phải đền tiền, từ đó người mua cũng yên tâm khi sở hữu tép quý. Hiện nay có 3 kiểu chơi tép cảnh: nuôi để thỏa đam mê, thể hiện đẳng cấp và để đầu tư. Trong đó, nuôi để đầu tư đang phát triển mạnh vì là một thú vui có sinh lợi” - ông Tiến tiết lộ.

Rất khó xác định giá trị sinh vật cảnh

Theo ThS Võ Thị Mộng Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, cá cảnh là một ngành đặc thù và giá trị tùy thuộc vào từng giai đoạn thị hiếu của người chơi chứ không phải giá trị thật. Tép cảnh không phải là loài mới nhưng đang “sốt” giá, cũng như trước đây từng “sốt” cá rồng, cá đĩa, cá la hán…

Bà Thu nhìn nhận thực tế hiện nay, việc nhập khẩu cá cảnh chính ngạch của doanh nghiệp gặp khó khăn do thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian; trong khi thị hiếu người dân lại thay đổi nhanh, làm lỡ cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, nếu quá “mở” cho doanh nghiệp thì có thể để lọt sinh vật ngoại lai nguy hại như trường hợp rùa tai đỏ, cá tì bà…

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn