Như thông lệ hằng năm, sau ngày cúng đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), người dân bắt đầu “chạy nước rút” mua sắm Tết. Sức mua đang vào thời gian cao điểm, các siêu thị, cửa hàng tăng giờ mở cửa phục vụ; tiểu thương chợ truyền thống tất bật bán hàng.
Doanh thu tăng vọt
Ghi nhận tại một số siêu thị trên địa bàn TP.HCM vào sáng 22-1 (25 tháng Chạp) cho thấy không khí mua sắm bắt đầu tấp nập. Phần đông khách hàng tập trung ở khu vực thực phẩm tươi sống, bánh mứt, nước giải khát - bia, thực phẩm công nghệ và quần áo. Mặc dù lượng khách tăng mạnh nhưng khu vực tính tiền khá trật tự. Các siêu thị phải mở thêm nhiều quầy tính tiền, bố trí lực lượng bảo vệ, nhân viên hướng dẫn khách, bảo đảm mua bán trong trật tự.
Ông Đoàn Diệp Bình, Giám đốc Truyền thông và Sự kiện của Lotte Mart Việt Nam, cho biết thứ bảy và chủ nhật vừa qua là 2 ngày cao điểm bán hàng bởi người tiêu dùng tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để đi mua sắm Tết. Các mặt hàng chủ lực vẫn là khô, mứt, bánh kẹo, rau củ quả, thịt cá… Tết này, ngoài các loại trong mâm ngũ quả, Lotte Mart còn giới thiệu một số loại trái cây như dâu, lê Hàn Quốc và các hộp quà trái cây mới lạ, được khách hàng ưa thích.
Trong những ngày qua, doanh thu của hệ thống bán lẻ thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tăng vọt. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho hay xu hướng người tiêu dùng chọn mua các mặt hàng chế biến sẵn tăng cao trong mùa Tết năm nay, phần nào phản ánh cuộc sống người dân thành thị ngày càng bận rộn hơn, có nhu cầu về những dịch vụ trọn gói nhiều hơn. Chẳng hạn, đa số khách hàng chọn mua giỏ quà gói sẵn thay vì chọn sản phẩm rồi nhờ siêu thị gói quà như mọi năm. Lượng khách đặt nồi thịt kho trứng, bánh chưng, bánh tét… cũng gia tăng.
Theo ông Võ Hoàng Anh, xu hướng khách hàng “đi chợ” trong siêu thị đang rất phổ biến. Bình quân lượng rau củ tiêu thụ của hệ thống Co.opmart đạt khoảng 170-180 tấn/ngày trong các ngày cao điểm Tết, tăng gấp đôi bình thường. Riêng trái cây bán ra trong 3 ngày cận Tết dự kiến tăng gấp 5 lần ngày thường, khoảng 250-260 tấn/ngày.
Hệ thống siêu thị Co.opmart thu hút đông đảo người dân đến mua sắm Tết |
Trong tuần lễ cuối của tháng kinh doanh hốt bạc này, hệ thống bán lẻ của các siêu thị Co.opmart, BigC, Lotte Mart… dành nhiều ưu đãi cho khách hàng. Trong đó, điểm nhấn chủ đạo vẫn là giảm giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hàng đặc trưng Tết nên các siêu thị trở thành điểm mua sắm chính của người dân TP.HCM.
Theo lịch bán hàng Tết của các siêu thị, trung tâm thương mại tại TP.HCM, từ nay đến 30 Tết, các điểm kinh doanh đều tăng thời gian mở cửa phục vụ lên 2-4 giờ so với ngày thường. Từ 26 đến 29 tháng chạp, các siêu thị, cửa hàng tiện ích mở cửa bán hàng từ 6 đến 24 giờ. Ngày 30 Tết, mở cửa từ 6 giờ đến 12 giờ, mùng 1 nghỉ và sáng mồng 2 mở cửa bán hàng trở lại. Riêng một số trung tâm thương mại sẽ mở suốt Tết phục vụ khách hàng đến mua sắm, vui chơi, ăn uống.
Chợ đã “biết điều”
Ở kênh chợ truyền thống, lượng hàng các nơi đổ về các chợ đầu mối đang tăng, dự kiến từ đêm 26 Tết sẽ tăng rất cao.
Tại chợ lẻ, mặc dù không còn được sung túc như 5-10 năm trước nhưng cũng khá tấp nập. Do phải cạnh tranh trực tiếp với siêu thị, cửa hàng tiện ích vốn có rất nhiều lợi thế về không gian mua sắm, giá cả, chính sách khuyến mãi… nên nạn nói thách, nâng giá dịp Tết tại các chợ đã giảm đáng kể.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài hoa tươi cắt cành, trái cây chưng mâm ngũ quả đắt khách, tăng giá khoảng 1 tuần nay, hầu hết những mặt hàng rau củ, thịt cá tại các chợ đều ổn định giá. Giá các loại mứt, tôm khô, khô mực… cũng chỉ nhích nhẹ 5.000-10.000 đồng một ký so với đầu tháng 12-2016. Giá bia sau thời gian ngắn nhích theo nhu cầu biếu tặng thì nay đã bình ổn trở lại.
Nở rộ chợ Tết online
Đáng chú ý, năm nay, việc mua sắm Tết online trở nên rất phổ biến tại TP HCM. Không chỉ các trang web mua sắm, rất nhiều cư dân mạng, chủ yếu là dân văn phòng, cũng tham gia bán đặc sản Tết “nhà làm”, “người quen ở quê làm” và mời gọi người quen, bạn bè ủng hộ qua Facebook. Chị Lê Thị Kim Thoa (quận 7, TP.HCM) cho biết đang chờ lấy cặp bưởi đặt mua của một người quen rao trên Facebook. Trước đó, chị đã mua mắm tôm chua, mứt… cũng từ đồng nghiệp, bạn bè bán qua mạng. Vissan đồng loạt giảm giá Trong 3 ngày giáp Tết Nguyên đán, từ 25 đến 27-1 (28-30 tháng chạp), Công ty CP Vissan giảm giá 8.000 đồng/kg tất cả mặt hàng thịt heo và 6.500 đồng/kg thịt heo bên. Chương trình áp dụng ở các điểm bán thịt tươi sống của Vissan và kênh phân phối siêu thị tại TP.HCM. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, cho biết nguồn thịt heo năm nay khá dồi dào và có xu hướng giảm giá, nguyên nhân là do xuất khẩu tiểu ngạch giảm, lượng cung dồi dào. Việc giảm giá thịt heo cũng là chính sách bình ổn thị trường dịp Tết được Vissan thực hiện trong những năm qua. Tất cả mặt hàng thực phẩm tươi sống của Vissan đều có truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. |
Theo NLĐ