Hàng nhập bán… đổ đống
Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam chi 164 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tức mỗi tháng chi hơn 80 triệu USD. Trong đó, rau, củ, quả nhập từ Thái Lan và Trung Quốc chiếm tới 70% kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam với hơn 114 triệu USD trong 2 tháng đầu năm.
Chọn mua trái cây tại một siêu thị ở quận 2 (TP.HCM). |
Như vậy, mỗi ngày Việt Nam chi khoảng 2 triệu USD (tương đương hơn 44 tỷ đồng) nhập rau, củ, quả từ 2 thị trường trên. Điều đáng nói, bên cạnh các sản phẩm trái cây xứ lạnh, trái cây ôn đới mà Việt Nam không sản xuất được, phần lớn rau củ quả nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc… đều tương tự các sản phẩm có sẵn trong nước.
Thái Lan là thị trường nhập rau, củ, quả lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm đến nay với 83 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch với các sản phẩm gồm xoài, mãng cầu, me, sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm… Còn với Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu rau, củ, quả trị giá 32 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo...
Chị Nguyễn Như Thảo, chủ cửa hàng trái cây Lan Thảo (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết, từ một người chuyên kinh doanh trái cây nội địa, hai năm nay, chị chuyển hẳn sang nhập khẩu, phân phối trái cây Thái Lan. Theo chị Thảo, trái cây Thái Lan cùng chủng loại với trái cây Việt Nam nên chị sẵn mối khách quen, trái cây Thái Lan mẫu mã đẹp, lại “khuất mắt” chuyện thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… nên người tiêu dùng rất dễ “xiêu lòng”. “Trái cây Thái Lan không cầu kỳ bao bì kiểu dáng như hàng châu Âu hay hàng Mỹ, Nhật, Hàn… nhưng rất dễ bán vì mùi vị quen thuộc với người Việt Nam, ngọt, chua hay đắng đều rất đậm đà…” - chị Thảo phân tích.
Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị như BigC, CoopMart hay các cửa hàng trái cây nhập khẩu, những loại này được bày bán với giá rẻ bất ngờ, đổ đống trên các quầy kệ. Một số loại trước đây là hàng “sang chảnh” thì nay giá cũng rất bình dân như táo Pháp các loại 39.900 đồng/kg, nho đen Nam Phi 99.000 đồng/kg, lê nâu Hàn Quốc 90.000 – 100.000 đồng/kg…
“Chạnh lòng” trái cây nội
1kg vải thiều “đổi” 1kg táo Mỹ? Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Tùng-Tổng Giám đốc Công ty T&T Vina, cho rằng, để “xin” được giấy phép xuất khẩu cho một loại trái cây Việt Nam vào Mỹ, doanh nghiệp phải đổi bằng việc cho một loại sản phẩm khác của Mỹ được nhập vào Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam muốn xuất khẩu thanh long, chôm chôm hay vải thiều sang Mỹ thì cũng phải cho nhập táo, thịt bò Mỹ. |
Trong khi trái cây nhập khẩu ngày càng phổ biến tại thị trường Việt Nam, nhiều sản phẩm trái cây nội rơi vào thế “lép vế” trên sân nhà.
Ông Nguyễn Thành Phong-Giám đốc DNTN xuất nhập khẩu trái cây An Hòa (Tiền Giang), cho biết, có một thực tế đáng buồn cho người tiêu dùng trong nước là khi trái cây chín, thương lái lựa ra, chọn những quả ngon, đẹp, chất lượng tốt… đóng gói xuất khẩu, số còn lại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu mới bán ra chợ, siêu thị… cho người tiêu dùng trong nước.
Số hàng này cũng không được chăm chút trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sơ chế… nên khi đến tay người mua thì đã bầm dập rất nhiều, chất lượng đã thấp lại càng giảm… Không chỉ vậy, những thông tin về dư lượng thuốc BVTV, kháng sinh, chất làm chín… tồn dư trong trái cây khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng của trái cây Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho rằng tâm lý “sính ngoại” và do “khuất mắt” nên nhiều người tiêu dùng trong nước chuộng mua hàng nhập khẩu. Trái cây Thái, dù cùng loại với trái cây Việt Nam, tuy nhiên, một số loại có mùa vụ thu hoạch kéo dài, hương vị, chủng loại có đa dạng hơn nên lấy được lòng người Việt.
“Những loại trái cây ôn đới như táo, lê, nho… thì có thể chấp nhận được nhưng trái cây Thái Lan thì chất lượng cũng tương đương với trái cây trong nước. Còn hàng Trung Quốc thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại…” - ông Hòa phân tích.
Theo Dân Việt