|
Một trại chăn nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp. |
Giá lợn hơi đã chững lại sau thông tin mưa bão ở Trung Quốc. Thế nhưng, vẫn còn đó những đợt “bão ngầm” khác là sức ép từ các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài, buộc nông hộ phải biết cách sống chung.
Nếu đợt giảm giá hồi tháng 4, mọi con mắt đổ dồn về phía doanh nghiệp chế biến thịt lợn, thì đợt tăng giá vừa qua, câu hỏi còn đọng lại là các doanh nghiệp FDI có chi phối giá thị trường?
“Nâng lên hạ xuống” theo ý đồ?
Những người chăn nuôi cho rằng lượng lợn thiếu hụt cục bộ ở một số nơi không thể gây ra cơn sốt tăng, giảm chóng vánh như vừa qua. Mưa bão ở Trung Quốc chỉ có tính nhất thời, lượng lợn xuất đi không đáng kể.
“Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có “mượn gió bẻ măng”, góp phần tạo ra cơn sốt ảo? Quy trình này đã lặp lại nhiều năm nay”, ông Nguyễn Vinh Quang (hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai) nói.
Ông Quang giải thích, khi thị trường nhích giá, các doanh nghiệp sẽ tuồn lợn ra để chớp thời cơ bán giá cao. Giá lên đến ngưỡng nào đó thì họ ngừng để kìm hãm bớt cơn sốt giá.
“Khi giá thị trường giảm sâu, giảm lâu, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đưa hàng ra, khiến cung vượt cầu, giá không nhích lên được. Khi lỗ vốn quá nhiều, nông dân phải giảm đàn hoặc treo chuồng. Trong lúc đó, doanh nghiệp vẫn tái đàn đều đặn”, ông Quang tiếp lời.
|
Anh Đỗ Công Thắng, chủ trang trại lợn ở xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) cho biết, nếu giá lợn tiếp tục xuống thấp, đàn lợn hơn 200 của gia đình anh sẽ phải chịu thua lỗ nặng. |
Sau đó, doanh nghiệp sẽ ngắt hết các nguồn cung cấp ra thị trường để làm biến động giả, đẩy giá lên. Qua tháng sau, “mấy ông lớn” này lại thay đổi giá bán ra theo kiểu “té nước theo mưa”. Từ đó, chính họ mới là người điều khiển thị trường chứ không phải chuyện bán sang Trung Quốc hay mưa bão. Chưa kể, những lúc giá cả biến động mạnh, những người bán không có hợp đồng tiêu thụ thì chấp nhận… chịu chết.
“Các doanh nghiệp có quy mô chăn nuôi lớn nên có thể ém hàng lại để thị trường khan hiếm giả tạo trong 1 – 2 tuần, hoặc là xả ra ồ ạt khi thị trường nóng để giữ giá tạm ổn định. Đó là chiến lược kinh doanh, không hề vi phạm pháp luật”, ông Trần Hữu Trung – Tổ trưởng Tổ Chăn nuôi lợn VietGAHP ở xã Gia Tân 2 (Thống Nhất, Đồng Nai) nói.
Doanh nghiệp đổ tại nông dân
Trong khi nhiều hộ chăn nuôi bức xúc vì “mấy doanh nghiệp lớn” điều khiển thị trường thì ngược lại, một số doanh nghiệp FDI lại cho rằng, việc thị trường biến động cũng bắt nguồn từ chính người chăn nuôi.
Trả lời báo chí trước đó, đại diện phía Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng việc giá lợn tăng giảm đột ngột có nguyên nhân từ tâm lý của người chăn nuôi. Khi giá tăng, nhiều người giữ đàn lại để chờ giá cao hơn nữa. Nguồn cung bị giảm ở một số thời điểm khiến giá lợn hơi liên tục bị đẩy lên. Đến một mức không thể tăng được nữa thì nông hộ mới ồ ạt bán ra khiến cho giá lợn hơi giảm xuống. Càng đua nhau bán thì giá càng xuống tiếp.
Theo ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng giám đốc C.P, việc “làm giá” của các doanh nghiệp lớn là rất khó xảy ra. Tổng số lượng lợn nuôi của C.P chỉ chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước, khả năng điều tiết giá thị trường của doanh nghiệp là điều không thể. Thế nhưng ông Huy cũng thừa nhận, các thương lái, người chăn nuôi ở Đồng Nai vẫn thường lấy giá niêm yết của C.P làm cơ sở định giá lợn hơi.
|
Anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ trang trại lợn ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết, hiện với giá lợn tại tỉnh vào khoảng 30.000 đồng đến 31.000 đồng/kg, gia đình anh phải chịu lỗ nặng lên đến hàng hàng trăm triệu đồng. |
“Lợn nuôi của C.P được đảm bảo theo nhiều tiêu chí nên giá thành thường cao hơn so với thị trường khiến nhiều người cho rằng có sự thổi giá từ phía doanh nghiệp”, ông này nói.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Hậu - chủ trại lợn ở huyện Long Thành (Đồng Nai), khi thị trường xuống giá chung, các doanh nghiệp chăn nuôi chưa chắc lợi lộc nhiều vì chính họ cũng tiêu thụ sản phẩm của mình với giá thấp, trừ các đơn vị có ngành chế biến thực phẩm hoặc sản xuất cám đi liền để bù lỗ.
Nhưng cũng theo ông Hậu, bù lại, các “ông lớn” này cũng đang thực hiện nghĩa vụ xã hội khi đang tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong các nhà máy, công xưởng, đem lại lợi ích khác về mặt vĩ mô mà nông dân không nhìn thấy ngoài thiệt hại của bản thân. Như thế mới cần sự liên kết các nông hộ, giữa các doanh nghiệp trong nước để đủ sức đối chọi, cạnh tranh với đối thủ lớn. Đây cũng là động lực của nền kinh tế nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng.
Giá lợn hôm nay 9.8 giảm ở nhiều nơi
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tâm, một chủ trang trại lợn ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết, gia đình ông mới xuất chuồng hàng chục con lợn áp siêu với giá 29.000 đồng/kg, tính ra ông phải chịu lỗ khoảng 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg."Giá lợn đang xuống từng ngày, không bán nhanh "cắt lỗ" càng để nuôi thêm gia đình tôi cũng chịu lỗ nặng hơn nên bằng giá nào tôi cũng phải bán tống, bán tháo đi thôi" - ông Tâm nói.
Hiện, gia đình ông Tâm còn hơn 200 con, song do lợn chưa đến tuổi xuất chuồng nên gia đình ông đành phải nuôi cầm cự. "Để giảm lỗ, thay vì cho ăn cám công nghiệp như trước giờ gia đình tôi phải cho lợn ăn cám rau nấu thôi" - ông Tâm chia sẻ.
|
Không chỉ giá lợn hơi xuống thấp, giá lợn giống tại các tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình... cũng đã bắt đầu giảm sâu chỉ còn khoảng 400.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/con |
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá lợn hôm nay tại tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái giá lợn cũng đang giảm dần còn khoảng 30.000 đồng đến 31.000 đồng/kg. Bà Hà Thị Vân Anh, chủ trang trại lợn ở xã Trị Quận, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) cho hay: "Lợn nuôi đến ngày xuất chuồng mà gọi lái buôn không chịu nghe máy, có người nghe thì cũng chỉ trả giá thấp khoảng 30.000 đồng/kg nên gia đình tôi đang rất lo lắng".
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bảng cập nhật giá lợn hơi, lợn giống ngày 9.8. |
Theo Dân Việt