Chứng khoán giảm mạnh phiên hôm qua (23/3) với VN-Index mất hơn 6%, lần thứ hai trong tháng 3 chỉ số này giảm mạnh nhất 19 năm. "Diễn biến tiêu cực trong phiên 23/3 do nhà đầu tư lo ngại về tình hình phức tạp của Covid-19 tại Việt Nam", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta bình luận.
Tương tự Hàn Quốc, khi Covid-19 tại quốc gia này phức tạp, thị trường cũng bị bán mạnh, chỉ số Kospi giảm sâu. "Chúng ta đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn chưa được cải thiện".
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng diễn biến phiên 23/3 là hệ quả của việc nhiều nhà đầu tư đang mất phương hướng và hoảng loạn. Khoảng trống thông tin trong hai ngày cuối tuần khiến tâm lý bi quan lên cao, dẫn đến tâm lý tháo chạy ngay đầu phiên.
Loạt cổ phiếu bluechip giảm sàn trong phiên 23/3, khiến VN-Index mất hơn 6%. Ảnh: Minh Sơn |
Ngoài nguyên nhân này, chuyên gia từ Yuanta cho rằng tỷ lệ cho vay ký quỹ (margin) vẫn neo ở mức cao cũng tạo áp lực mạnh lên thị trường.
Thông thường, lượng margin sẽ giảm dần khi thị trường chững lại, tuy nhiên năm 2019, dù thị trường diễn biến không tích cực, tỷ lệ này vẫn giữ ở mức cao. Khác với giai đoạn trước, lượng margin này cũng chủ yếu đến từ những cổ đông tổ chức hoặc nhóm cổ đông lớn của những doanh nghiệp trên sàn. Do đó, trong điều kiện thị trường diễn biến tiêu cực, tác động của yếu tố này sẽ còn lớn hơn.
"Vấn đề đau đầu nhất với nhà đầu tư lúc này không phải bán hay không mà là cân bằng vị thế. Cầm cổ phiếu nhưng không vay nợ có thể đợi cơ hội vùng đáy để hạ dần giá vốn. Nhưng nếu giữ tỷ lệ margin cao, thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư không cắt lỗ thì công ty chứng khoán cũng sẽ giải chấp", Giám đốc phân tích Yuanta bình luận.
Ngoài ra, dòng tiền lớn là yếu tố tiên quyết hình thành đáy, nhưng hiện nay vẫn chưa xuất hiện. Thậm chí, khối ngoại vẫn không ngừng rút vốn khỏi thị trường khi xác lập phiên bán ròng thứ 30 liên tiếp.
"Việc hoảng loạn phần nào đã phản ánh những thông tin tiêu cực, nhưng có thể vẫn chưa đủ", một chuyên gia nhận định và cho rằng, thị trường hiện nay có thể vẫn chưa tới vùng đáy.
Cùng quan điểm này, ông Minh cũng đánh giá ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index có thể là vùng 600 điểm, thấp hơn 10% so với mức chốt phiên ngày 23/3. "Điều thị trường mong đợi hiện nay là dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ mạnh hơn. Cho đến lúc đó, khó có thể chắc chắn khi nào thị trường chạm đáy để phục hồi", Giám đốc phân tích Yuanta nhận xét.
Theo VNE