Chứng khoán 23/3: Bán ra rút tiền “bằng mọi giá”, VN-Index rơi về sát 670 điểm

Thứ hai, 23/03/2020, 10:38
Dư âm của phiên cơ cấu ETF vẫn còn tác động lên thị trường cùng với đó là số ca lây nhiễm trong nước hiện đã vượt 100, càng khiến nhà đầu hoảng sợ bán ra.
Nhà đầu tư trong ngày đầu tuần đã vứt bỏ hết mọi hy vọng hồi phục và chuyển sang trạng thái cắt lỗ và thu hồi tiền về.
Có những nhóm cổ phiếu không thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và sẽ còn kinh doanh tốt trong đại dịch như IMP (-4,3%), DHG (-5,1%) lại đang bị giảm mạnh, cho thấy các câu chuyện về nhóm ngành hưởng lợi cũng không còn giá trị trong tâm trí nhà đầu tư lúc này.
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Vingroup vẫn đang nối tiếp các diễn biến xấu của ngày thứ Sáu vừa qua. VHM (-6,9%), VRE (-6,86%) tiếp tục giảm sàn kể cả sau khi các ETFs đã hoàn tất phiên cơ cấu trước đó.
VCB (-6,99%), HDB (-6,94%), CTG (-6,57%), MBB (-6,56%), VPB (-5,94%), BID (-6,34%) tiếp tục rơi về các mức giá không tưởng. Cầu mua giá rẻ lại kích hoạt ở các cổ phiếu này nhưng vẫn không là gì so với áp lực bán ra.
HPG (-6,72%) hiện đang là cổ phiếu bị bán mạnh nhất khi giao dịch được 76 tỷ đồng, kế đến là MBB với 61,8 tỷ đồng và FPT (45 tỷ đồng).
Số lượng các mã sàn lên tới hơn 50 mã trong đó đã có cả những mã lớn như HPG, VHM, VRE, FRT cho đến các mã vốn hóa nhỏ hơn như FIT, SKG, SCR, HHS, TCH, TCH, HSG... 
Những cơ hội cho nhóm cổ phiếu đầu cơ hầu như biến mất hoàn toàn khi các mã như FIT, QCG, DLG cũng không còn đủ sức gồng mình tỏ ra khác biệt.
Tính đến 10h, VN-Index giảm 5,12% xuống 673,42 điểm và khối ngoại lại bán ròng ra tiếp hơn 100 tỷ đồng.
Trong khi đó tại HNX, chỉ số chỉ giảm 2,63% xuống 99,12 điểm dù PVS (-7,14%) đang giảm mạnh. Hiện cặp đôi ACB (-3,74%), SHB (-1,67%) vẫn còn giữ được sự kiềm chế.
Cổ phiếu TNG (-9,8%) hiện đã giảm sàn về 10.100 đồng/cổ phiếu, bất chấp số liệu tháng 2 không hề tiêu cực: doanh thu thuần tăng 57% lên 259 tỷ đồng, lãi tăng 117% lên gần 13 tỷ đồng. Cùng với diễn biến TCM (-6,7%) cũng đang giảm sàn tại HOSE, nhà đầu tư có lẽ đang quá sợ về việc khả năng các doanh nghiệp Mỹ và EU dừng nhập khẩu hàng dệt may.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích