Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, lên mức cao nhất trong gần một năm qua. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp lo lắng tăng thêm chi phí trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Đã tăng mạnh và dự báo còn tăng nữa
Trong hai lần điều chỉnh giá xăng gần đây nhất, giá xăng tăng tốc rất nhanh. Cụ thể ngày 25-2, xăng E5 tăng 722 đồng/lít, đẩy giá bán tối đa lên 17.031 đồng/lít; xăng A95 tăng 814 đồng, lên mức 18.084 đồng/lít.
Đến đợt điều chỉnh kế tiếp vào ngày 13-3, giá xăng E5 tiếp tục tăng thêm 691 đồng/lít, lên mức 17.722 đồng/lít; xăng A95 tăng 797 đồng, lên mức 18.881 đồng/lít.
Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay, giá xăng E5 đã tăng hơn 1.500 đồng/lít, giá xăng A95 tăng hơn 1.600 đồng. Còn nếu tính từ tháng 11-2020 đến nay, tổng mức tăng với xăng E5 là hơn 3.100 đồng và hơn 3.380 đồng/lít đối với xăng A95. Không chỉ xăng mà giá các loại dầu cũng liên tục tăng ở mức tương ứng trong thời gian gần đây.
Giới phân tích kinh tế đều có chung nhận định giá xăng dầu tại Việt Nam tăng chủ yếu là do giá dầu trên thế giới liên tục tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, giá dầu tăng mạnh còn do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không tăng sản lượng. Nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC đã đưa giá dầu thế giới phục hồi mạnh sau khi tụt dưới 0 lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 4-2020. Còn nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới là Saudi Arabia đã gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày.
Giá bán lẻ xăng dầu tiếp tục tăng mạnh trong đợt điều chỉnh mới nhất. Ảnh: HOÀNG GIANG
Gas 9 lần tăng giá Không chỉ giá xăng mà giá gas cũng liên tục tăng cao càng đè nặng lên người tiêu dùng. Đơn cử từ ngày 1-3, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng thêm 5.000 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ ba liên tiếp giá gas tăng với tổng mức tăng 50.500 đồng/bình 12 kg. Tính từ tháng 6-2020 đến nay, giá gas bán lẻ trong nước đã tăng chín lần liên tiếp với tổng mức tăng trên 90.000 đồng. Sau nhiều lần tăng giá, hiện giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng dao động 400.500-423.000 đồng/bình 12 kg. Chỉ số giá tiêu dùng tăng Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong tám năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12-2020. |
Kẻ hưởng lợi, người lo lắng
Giá xăng dầu tăng mạnh tác động hai chiều đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, giá dầu thô tăng tạo cơ hội cho các công ty kinh doanh xăng dầu hưởng lợi, lãi khủng. Báo cáo mới nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy trong quý IV-2020, đại gia chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng dầu lãi 1.359 tỉ đồng. Con số này cao hơn cả cùng kỳ của năm 2019 chỉ đạt được 1.296 tỉ đồng.
Không riêng Petrolimex, nhiều công ty bán lẻ xăng dầu và dầu khí khác cũng được hưởng lợi lớn từ việc xăng dầu tăng giá mạnh. Bằng chứng rõ nhất là thị giá nhiều mã cổ phiếu của ngành này như PLX, PVT, OIL… đều tăng.
Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu tăng khiến nhiều doanh nghiệp, người dân lo lắng và tạo áp lực cho lạm phát. Ông Trung Nguyên, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM, than thở giá xăng dầu tăng khiến chi phí tốn kém hơn. Ví dụ, trước đây với 50.000 đồng ông có thể đổ đầy bình xăng xe máy nhưng nay phải chi hơn 60.000 đồng.
Đáng lo ngại hơn là mặt bằng giá cả hàng hóa có thể “té nước theo giá xăng” trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập giảm. “Giá xăng tăng có thể đẩy giá rau, thịt, cá, tôm; giá điện, nước, taxi… tăng theo” - ông Nguyên lo lắng.
Giá xăng dầu liên tục tăng cũng khiến nhà kinh doanh đau đầu vì phải tính toán các phương án cân đối chi phí phát sinh để không lỗ, không mất khách hàng. Trong đó, các công ty vận tải chịu áp lực rất lớn do giá xăng dầu chiếm khoảng 35%-40% chi phí đầu vào.
Ông Bùi Danh Liên, đại diện HTX vận tải Thăng Long, đánh giá xăng dầu trong nước tăng trở lại là câu chuyện của thị trường, do chịu tác động của giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng liên tục trong một thời gian ngắn ảnh hưởng rất lớn đến giá cả các mặt hàng khác. “Ngành vận tải từ năm 2020 đến nay qua ba đợt dịch COVID-19 bị ảnh hưởng trầm trọng, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Bây giờ giá xăng dầu tăng cao, họ càng khó khăn hơn” - ông Liên chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết các doanh nghiệp mới bắt đầu trở lại sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh dần được kiểm soát thì giá xăng dầu lại tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi.
Đáng lo nhất là giá xăng tăng kéo giá cước vận chuyển tăng, từ đó đẩy giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng theo. Điều này dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó giữ giá thành sản phẩm khiến đầu ra của doanh nghiệp khó khăn.
Giá thịt, rau và nhiều mặt hàng thiết yếu khác có thể sẽ tăng bởi cước phí vận chuyển tăng theo giá xăng dầu. Ảnh: TÚ UYÊN
Cần giải pháp đồng bộ
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng đề xuất trước mắt Nhà nước cần sử dụng quỹ bình ổn để kiềm chế đà tăng giá xăng dầu trong nước. Về lâu dài, Nhà nước cần có cơ chế hợp lý để đầu tư đa dạng nguồn nhiên liệu như điện mặt trời, xe chạy điện… Ví dụ, trong các thành phố lớn cần xây dựng hàng ngàn trạm sạc điện chứ bản thân từng doanh nghiệp không thể tự làm được.
Ông Hưng cũng đề xuất Chính phủ xem xét miễn giảm 29 loại phí của doanh nghiệp trong năm 2021 như đã thực hiện trong năm 2020. “Ngoài ra, các gói hỗ trợ nhà kinh doanh như giãn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất… cần sớm được thực hiện. Từ đó họ giảm áp lực vì giá nhiên liệu tăng, tăng tính thanh khoản để ổn định sản xuất, kinh doanh” - ông Hưng đề xuất.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng để làm chậm đà tăng giá xăng dầu, Việt Nam đã có quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, với đà tăng liên tục thì quỹ bình ổn hạn hẹp cũng khó đủ sức kiềm chế đà tăng giá xăng dầu.
Do vậy, trước mắt về phía các doanh nghiệp sản xuất phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của mình để giảm tối đa các mức chi phí, đặc biệt là những đơn vị sử dụng nhiều xăng dầu. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa nhiên liệu để không bị phụ thuộc, chịu tác động quá nhiều khi giá xăng dầu tăng.
Về phía Nhà nước cần kết hợp giữ chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ví dụ, khi ổn định được đồng Việt Nam thì sẽ giúp ổn định được mức lạm phát cơ bản, từ đó chỉ số lạm phát chung sẽ giảm đi. Bên cạnh đó, các bên liên tục kiểm soát thị trường để không xảy ra tình trạng tăng giá hàng hóa, dịch vụ quá đáng.
Dự báo giá dầu thế giới sẽ còn tăng Giới phân tích dự báo trong năm nay giá xăng dầu sẽ tăng khá mạnh, thậm chí có khả năng đạt mức 80 USD/thùng vào tháng 6 này. Nhưng trong xu hướng ngắn hạn, giá dầu thế giới có thể duy trì ở mức tăng khoảng 15%-25%. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, dự báo năm 2021 các nguyên vật liệu, xăng dầu… để phục vụ sản xuất sẽ tăng giá do dịch COVID-19 được kiểm soát thông qua việc tiêm vaccine rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Trong trường hợp chưa kiểm soát được dịch bệnh thì các nước cũng phải quay lại sản xuất và trở lại với trạng thái bình thường mới. Khi nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất và sinh hoạt trở lại bình thường thì nhu cầu xăng dầu tăng lên trong khi đó nguồn cung lại đang được khối OPEC cắt giảm. Áp lực từ giá xăng dầu tăng cao Ngân hàng HSBC dự báo lạm phát sẽ có áp lực tăng từ giá vận tải cao hơn khi giá dầu thô được dự báo có thể tăng tới 34% trong năm nay. Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định rằng áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III-2021. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm nay có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng A95 bình quân năm 2021 tăng 30% so với cùng kỳ, tức tương đương mức 20.500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại. Tuy vậy, đơn vị này cho rằng với quỹ bình ổn xăng dầu trong nước ước tính còn 3.500 tỉ đồng, Việt Nam có thể sử dụng trong trường hợp cần thiết để kiềm chế đà tăng giá xăng dầu. Mặt khác, nguồn cung dầu dự báo sẽ được cải thiện vào cuối năm. |