Cá tra xuống đáy, cá lóc lên đời
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã đứng trước bờ vực phá sản do thua lỗ. Hiện tại, nhiều người vẫn không bán được cá dù giá xuống khá thấp. Ông Nguyễn Hữu Nguyên – người nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết:
“Ao cá của gia đình tôi kêu bán từ khi cá có trọng lượng 750gram mà nay đã lên 850gram bán cũng chẳng được, khoảng 180 tấn đang nằm chờ doanh nghiệp tới mua mà không biết tới bao giờ”.
Theo ông Nguyên, với giá cá dưới 22.000 đồng/kg thì người nuôi từ huề vốn đến lỗ. Tuy nhiên, bây giờ muốn bán cá cũng là cả một vấn đề lớn. Bởi vì những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì đã có vùng nguyên liệu nên hạn chế mua của dân, còn những doanh nghiệp không đàng hoàng thì người nuôi không dám bán vì sợ họ giật nợ. Nghề nuôi cá tra bây giờ đã rớt tới tận đáy nên ai cũng ngán ngẩm.
Nhiều nông dân chuyển từ nuôi cá tra sang cá lóc đạt hiệu quả cao. |
Nhiều nông dân ở huyện Châu Phú đã bắt đầu chuyển sang nuôi cá lóc để bán chợ ở thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Hùng ở ấp Khánh Lợi (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang) chuyển qua nuôi cá lóc gần 2 năm nay. Ông có 15 năm trong nghề nuôi cá tra với biết bao thăng trầm. Theo ông Hùng, nuôi cá lóc tuy chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, theo nhu cầu thị trường thì cũng “ngon” hơn nuôi cá tra mang tiếng là xuất khẩu, độc quyền của Việt Nam nhưng luôn bấp bênh.
Ngay vụ đầu tiên, ông Hùng nuôi 2 ao cá lóc, thu hoạch hơn 100 tấn bán với giá từ 36.000 - 41.000 đồng/kg, thu về lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với nuôi cá tra. Sau vụ đầu thành công, ông tiếp tục nuôi cá lóc và bỏ hẳn con cá tra. Nhiều người dân trong vùng cũng từ từ chuyển sang nuôi cá lóc và hình thành làng ương cá lóc giống bán khắp nơi.
Gia đình ông Trần Văn Lắm (xã Khánh Hòa) chọn nuôi cá lóc giống và bán trứng nước (mồi cho cá lóc con) để kiếm sống.
Ông Lắm cho biết: “Khi nghề nuôi cá lóc phát triển thì nhu cầu cá lóc giống khá cao. Vì vậy, gia đình tôi chuyển hơn 2 công đất (1 công 1.000m2) sang nuôi cá lóc giống và gần chục công còn lại bơm nước đầy để thu trứng nước. Vì vậy, kinh tế gia đình cũng khấm khá”. Hiện tại, cứ 20 ngày là ông Lắm xuất 1 lứa cá lóc con, thu lời vài triệu đồng. Riêng trứng nước mỗi ngày thu hoạch được khoảng 100kg, bán 14.000 đồng/kg...
Vẫn lo chuyện thị trường
Hiện tại, giá thành nuôi cá lóc khoảng 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán luôn ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng/kg nên người nuôi có lợi nhuận khá lớn. Ông Hùng cho rằng: “Chỉ hơn 1 năm nay vùng này đã chuyển hẳn sang nuôi cá lóc giống và cá lóc thịt.
Hiện tại, giá thành nuôi cá lóc khoảng 28.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán luôn ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng/kg nên người nuôi có lợi nhuận khá lớn. |
Tuy nhiên, với đà này thì một vài năm tới người ta ùn ùn nuôi cá lóc thì dẫn đến cung vượt cầu, giá sẽ xuống thấp và sẽ tái diễn tình trạng như con cá tra”. Theo ông Hùng, cá lóc hiện nay chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa và một phần được thương lái chở sang các chợ ở Campuchia tiêu thụ nên thị trường khá hẹp.
Trong khi đó, không chỉ có An Giang mà nông dân nhiều địa phương khác như: Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ… cũng đã chuyển từ nuôi cá tra sang cá lóc nên cần nghiên cứu mở rộng thị trường để không chịu cảnh rớt giá thê thảm như hiện nay.
Theo thống kê của UBND xã Khánh Hòa, đến nay toàn xã đã có 35ha nuôi cá lóc giống và cá lóc thịt. Trong đó, hầu hết là chuyển từ trồng lúa, nuôi cá tra sang nuôi cá lóc. Ông Trần Văn Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: “Chính quyền định hướng thời gian thả nuôi để khi thu hoạch không trùng với các loài thủy sản khác, tránh rớt giá trong thời điểm thu hoạch rộ…”.
Theo Danviet