Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bên liên quan về việc điều chỉnh barem thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, hiện khung thuế đối với mặt hàng này đang được điều chỉnh theo giá dầu thô bình quân 30 ngày tại thị trường Singapore, trong khung thuế suất từ 15 - 30%, tùy loại.
Trong trường hợp giá tăng cao, cơ quan điều hành sẽ tiến hành giảm thuế và ngược lại để bình ổn thị trường trong nước.
Thời gian tính giá bình quân vẫn giữ ở mức 30 ngày |
Thực tế cho thấy việc sử dụng giá dầu thô, thay vì giá xăng dầu thành phẩm đã khiến cho giá bán lẻ trong nước, trong nhiều trường hợp, đã “lỗi nhịp” so với thế giới, gây nhiều bức xúc đối vố người tiêu dùng.
Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất thay thế giá dầu thô bằng các loại xăng dầu thành phẩm khác. Tuy nhiên, thời gian tính bình quân vẫn giữ là 30 ngày, thay vì giảm xuống 10 ngày như định hướng sửa đổi Nghị định 84 về điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, với giá xăng RON 92, trong trường hợp giá bình quân tại Singapore xuống dưới 70 USD một thùng, thuế suất tối đa được áp dụng là 40%. Tương tự với các khoảng giá 70 - 90, 90 - 110 và 110 - 130 USD một thùng, thuế suất tối đa mà cơ quan quản lý được áp lần lượt sẽ là 30%, 20% và 12%.
Trong trường hợp giá bình quân vượt quá 130 USD một thùng, thuế suất thấp nhất có thể được áp dụng là 7%. Các mốc tương đương cũng được áp dụng với các mặt hàng khác như diesel, dầu hỏa, dầu mazut…
Theo Bộ Tài chính, với việc áp dụng barem mới, tổng số thuế đối với mặt hàng xăng dầu mà doanh nghiệp phải nộp sẽ không cao hơn bình quân các nước trong khu vực. Mức giá sau thuế, do đó cũng sẽ không quá cao cũng như quá thấp so với mặt bằng chung, qua đó góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu.
Theo VnExpress