Trung Quốc ồ ạt nhập gạo Việt Nam

Thứ năm, 13/12/2012, 14:31
Nhập khẩu gạo vào Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2013, sau khi chính sách hỗ trợ thu nhập cho khu vực nông thôn của Bắc Kinh đẩy giá gạo nội địa tăng cao.

Báo Bangkok Post của Thái Lan dẫn thông tin từ Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong năm tới có thể đạt mức 2,3-2,4 triệu tấn, so với mức dự báo 2 triệu tấn đưa ra hồi tháng trước và mức nhập khẩu 600.000 tấn trong năm 2011. 

Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới và nước này hoàn toàn không khan hiếm gạo. Tuy nhiên, theo ông Bai Peipei, một nhà phân tích của công ty tư vấn Beijing Shennong Kexin Agribusiness Consulting, các công ty chế biến gạo của nước này thời gian qua đã tăng cường nhập khẩu để hưởng lợi từ mức chênh lệch giữa giá gạo trong và ngoài nước.

gạo
Trước đây, Trung Quốc nhập khẩu gạo chủ yếu từ Thái Lan, nhưng năm nay đã chuyển sang nhập từ Việt Nam là chính.

FAO nhận định, nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng có thể hỗ trợ cho giá gạo thế giới trong bối cảnh lượng gạo tồn kho trên toàn cầu đạt mức kỷ lục nhờ sản lượng của nông sản này đạt mức cao chưa từng có. Giá gạo, loại lương thực được một nửa thế giới sử dụng, đã tăng 4,4% trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn 16% so với mức đỉnh của 3 năm thiết lập vào tháng 9 năm ngoái. 

Điều đáng nói, trước đây, Trung Quốc nhập khẩu gạo chủ yếu từ Thái Lan, nhưng năm nay đã chuyển sang nhập từ Việt Nam là chính.

“Năm 2012 đánh dấu bước chuyển lớn trong hoạt động nhập khẩu gạo của Trung Quốc. Không ai có thể biết chắc chắn khối lượng gạo đang nằm trong các kho chứa ở nước này”, ông Conception Calpe, một chuyên gia kinh tế cấp cao của FAO, viết trong một e-mail.

Theo số liệu của FAO, giá gạo giống Indica ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc tính đến tháng 9 đã tăng 11% lên mức 3.900 Nhân dân tệ, tương đương 625 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo loại 5% tấm của Việt Nam chỉ ở mức 451 USD/tấn. Thậm chí, giá gạo loại này của Việt Nam còn giảm về mức 446 USD/tấn vào tháng 11 vừa qua. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan ở mức 598 USD/tấn.

“Chính phủ Trung Quốc tiếp tục mua thóc lúa từ nông dân với mức giá cao để hỗ trợ hoạt động sản xuất. Một số công ty chế biến lương thực ở phía Nam của Trung Quốc đã chọn con đường nhập khẩu gạo, thay vì dùng gạo trong nước, vì như thế sẽ có lợi hơn nhiều”, ông Bai cho hay.

Theo một báo cáo của FAO hồi tháng 11, mức giá tối thiểu mà Chính phủ Trung Quốc mua thóc Indica từ nông dân đã tăng 18% so với đầu năm, lên mức 120 Nhân dân tệ/bao 50 kg. Chính sách này giúp tăng sản lượng gạo của Trung Quốc, nhưng cũng đẩy giá thóc gạo ở nước này tăng, FAO cho biết.

Cũng theo chuyên gia Calpe, trong 10 tháng đầu năm 2012, Trung Quốc đã nhập 1,43 triệu tấn gạo từ Việt Nam, nâng tổng mức nhập từ tất cả các nhà cung cấp lên 2 triệu tấn. Khối lượng nhập gạo này của Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với mức nhập 505.244 tấn cùng kỳ năm 2011, chủ yếu từ Pakistan, Lào, Myanmar và 4 nhà cung cấp khác.

Tốc độ nhập khẩu gạo được đẩy nhanh của Trung Quốc đã khiến Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng mức dự báo nhập khẩu gạo của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này trong năm 2013 thêm 1/3, lên mức 2 triệu tấn trong dự báo đưa ra vào tháng 11 vừa qua, từ mức 1,5 triệu tấn đưa ra trong lần dự báo trước đó.

“Cũng giống như năm 2012, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu ròng gạo trong năm 2013”, USDA viết trong một báo cáo ra ngày 13/11. Trong lần dự báo mới nhất hôm 11/12, USDA giữ nguyên các dự báo này.

FAO nhận định, lượng gạo trong các kho chứa trên toàn cầu sẽ tăng 6,6% lên mức kỷ lục 169,8 triệu tấn trong năm 2012-2013 sau ba vụ lúa có sản lượng kỷ lục cao vượt nhu cầu.

Theo USDA, sản lượng gạo của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục 143 triệu tấn trong niên vụ bắt đầu vào ngày 1/7 năm nay. Trong khi đó, khối lượng gạo tiêu thụ ở quốc gia này sẽ tăng 3,2%, đạt mức kỷ lục 144 triệu tấn.

Cũng theo cơ quan này, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt kỷ lục 7,5 triệu tấn trong năm 2012. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự báo sẽ giảm 39%, còn 6,5 triệu tấn.

 

Theo Vneconomy

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn