Các loại lịch 2013 được bày bán khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng. Phong phú nhất vẫn là các loại blốc, từ blốc tiểu, trung đến đại, cực đại và siêu cực đại.
Các nhà xuất bản lịch đã có nhiều cải tiến, như làm lịch blốc dáng dài, blốc hình thần tài, hình đèn lồng, lịch giả gỗ, giả ngọc. Sản phẩm được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng, tạo phong cách, hình ảnh mới lạ, bắt mắt. Bên cạnh đó, cũng chú ý đến việc tích hợp những thông tin về chính trị, khoa học, văn hóa - nghệ thuật, lịch sử, địa lý, ca dao, tục ngữ, danh ngôn của các lãnh tụ cũng như các nhân vật nổi tiếng trên thế giới.
Về giá cả, năm nay tăng khoảng 5-15% so với năm ngoái, do giá giấy, giá công in, giá xăng dầu vận chuyển, giá điện... đều tăng cao. Theo đó, giá lịch blốc chia theo kích thước từ lịch trung, lịch đại, cực đại và siêu cực đại với giá dao động từ 16.000-600.000 đồng/blốc. Một số mẫu lịch blốc cao cấp giá dao động từ 300.000-800.000 đồng/blốc tùy loại; lịch tờ loại 5-7 tờ khoảng 20.000-30.000 đồng/cuốn, lịch tờ cao cấp giấy dày khoảng 50.000 đồng/cuốn trở lên, tùy khổ.
Tuy mẫu mã đẹp và giá cả tăng không đáng kể nhưng khách chỉ lác đác tại các hiệu sách như Nguyễn Văn Cừ, (Xuân Thủy-Cầu Giấy), nhà sách Trí Tuệ hay nhà sách của nhà xuất bản Giáo Dục trên đường Giảng Võ, Hà Nội cùng các cửa hàng, đại lý sách báo tại các phố Đinh Lễ, Tràng Tiền, Nguyễn Xí.
Năm nay số lượng khách đặt hàng lịch Tết giảm hơn 50%. |
Chị Phượng, chủ một nhà sách trên đường Giảng Võ cho biết, so với cùng thời điểm, năm nay số lượng khách đặt hàng giảm nhiều, chỉ bằng khoảng 2/3 năm ngoái. Khách chủ yếu chỉ xem mẫu mã, sức mua không cao. Chị Vũ Hoa, chủ đại lý số 5 Đinh Lễ chia sẻ, các năm trước, thời điểm này thị trường lịch đã bắt đầu nóng, thậm chí có năm “cháy” hàng khi nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã đến đặt mua.
Năm nay lượng khách đặt hàng với số lượng lớn giảm hơn 50%. Một phần là do năm nay giá thành lịch cao, kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu và chuyển sang những món quà tặng khác, khách mua lẻ cũng khá thưa thớt. Khảo sát tại các nhà sách lớn trên đường Đinh Lễ đều cho thấy, các đại lý và nhà phân phối đều đặt lịch cầm chừng bằng 50% năm ngoái để thăm dò thị trường.
Đối với Cục Xuất bản, có lẽ đánh giá trước tình hình sức mua giảm sút cho nên mùa lịch 2013, Cục Xuất bản đã giảm định mức in ấn. Nếu như năm 2011, mỗi nhà xuất bản được in 280.000 cuốn lịch, thì năm nay con số này chỉ còn 230.000 cuốn. Ngoài ra, Cục Xuất bản trực tiếp điều tiết thêm cho các nhóm làm lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu in số lượng lớn của các đơn vị như ngân hàng, tập đoàn kinh tế. Từ năm 2012, Cục Xuất bản, đã thực hiện việc dán tem nhằm hạn chế việc in lậu, làm nhái lịch giả.
Mùa lịch blốc năm 2013, Cục Xuất bản đã ban hành 3 mẫu tem chống giả (hình vuông, hình tròn và hình elip) dán trên lịch blốc năm 2013 của các nhà xuất bản được Cục Xuất bản xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản để chống in lậu, nhập lậu, làm hàng giả và nhận biết khi lưu thông trên thị trường nhằm bảo vệ lợi ích của đơn vị sản xuất và người tiêu dùng.
Tem chống giả năm nay là tem chống giả đề can vỡ công nghệ nước và phát sáng 2 trong 1. Người tiêu dùng chỉ cần thoa nước lên bề mặt tem sẽ xuất hiện dòng chữ Cục Xuất bản, chiếu đèn tia cực tím lên bề mặt tem xuất hiện dòng chữ phát sáng “Vina CHG”.
Trên các vỉa hè Hà Nội hiện nay như khu vực đường Phạm Văn Đồng, đường Láng, Nguyễn Trãi... các loại lịch in lậu vẫn được bán tràn lan. Tại khu vực đường Láng, lịch nhái ăn theo mẫu mã của nhiều nhà xuất bản được bày bán với giá thấp hơn 30–40%, thậm chí giảm tới 50% để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Để mua đúng hàng thật, hàng chất lượng, các cơ quan quản lý thị trường khuyến cáo, người tiêu dùng nên đến các địa chỉ cửa hàng, hiệu sách uy tín và kiểm tra kỹ tem chống hàng giả được dán trên mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu cho thấy, người tiêu dùng gần như không quan tâm đến việc lịch có tem hay không tem, mà chỉ quan tâm đến lịch blốc đó nhìn có đẹp mắt hay không, giá cả có phù hợp hay không...
Theo VnEconomy