Xuất khẩu cà phê và "số 1 thế giới"

Chủ nhật, 09/12/2012, 08:56
Trong cơn phấn chấn thông tin xuất siêu nông sản của Việt Nam đạt 8,2 tỉ USD (11 tháng đầu năm), trong đó cà phê đạt được kỷ lục kép, nhiều người vội cho rằng như vậy ta đã vượt qua “người khổng lồ” Brazil để trở thành cường quốc xuất khẩu cà phê số 1 thế giới.

>> 3 ngày bán iPhone gấp 2 lần 9 tháng xuất khẩu gạo!
>> Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới
>> Xuất khẩu gạo: Hợp đồng nhiều, giao hàng chậm
>> Lo ngại việc “cấm tàu nước ngoài” sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu

Cách nghĩ ấy thật không “phải phép” với “làng xuất khẩu cà phê” thế giới.

Xuất khẩu cà phê đã vượt lên dẫn đầu thế giới về số lượng, nhưng người trồng vẫn chưa
giàu lên được nhờ cà phê (ảnh chụp tại một trang trại ở Gia Lai) - Ảnh: Tiến Thành

Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và nước ta cho thấy với nhịp độ tăng trưởng “khủng” 23,8%/năm trong thập niên 1990, năm 1997 chúng ta đã vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê nhiều thứ ba thế giới. Vào năm 2000, với 734.000 tấn cà phê xuất khẩu, chúng ta tiếp tục vượt qua Colombia để chắc chân ở vị trí thứ hai từ đó đến nay.

Mặc dù vậy, trong 11 năm trở lại đây, trong khi nhịp độ tăng trưởng của chúng ta đã chững lại chỉ còn 5,5%/năm, cho nên cũng chỉ đạt 1,26 triệu tấn thì “người khổng lồ” Brazil đạt nhịp độ tăng 5,8%/năm, vì vậy đã xuất gần 1,8 triệu tấn.

Trong điều kiện như vậy, dù khối lượng xuất khẩu của Brazil trong những tháng qua chững lại, đặc biệt là giá đã giảm rất mạnh, cho dù khối lượng xuất khẩu của chúng ta đã tăng đột biến và điều đáng mừng hơn nữa là giá xuất khẩu chẳng những không giảm mà còn nhích lên, nhưng khoảng cách của chúng ta với “người khổng lồ” này hãy còn rất xa.

Trước hết, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong khi khối lượng cà phê các loại quy nhân xuất khẩu của Brazil trong niên vụ vừa qua (từ tháng 10-2011 đến tháng 9 năm nay) vẫn chỉ giữ ở mức trên 2 triệu tấn như niên vụ trước, nhưng kim ngạch xuất khẩu đã giảm rất mạnh từ trên 8,1 tỉ USD trong cùng kỳ xuống chỉ còn trên 7,1 tỉ USD do giá đã “rơi tự do” từ 3.939 USD/tấn xuống chỉ còn 3.533 USD/tấn.

Trong khi đó, các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan nước ta cho thấy trong cùng kỳ, khối lượng cà phê xuất khẩu của chúng ta tăng rất mạnh 23,4% và đạt gần 1,6 triệu tấn, còn kim ngạch đã đạt gần 3,4 tỉ USD, tăng 24,4%, do giá đã nhích từ 2.104 USD/tấn lên 2.124 USD/tấn.

Rõ ràng, cho dù đã tăng rất mạnh như vậy nhưng khối lượng cà phê xuất khẩu của nước ta trong niên vụ vừa qua vẫn còn kém của Brazil trên 400.000 tấn, còn khoảng cách về kim ngạch xuất khẩu là rất “mênh mông” tới trên 3,7 tỉ USD, hay thấp hơn tới 52,3%.

Đồ họa: L.T.

 

Nông nghiệp xuất siêu trên 8,2 tỉ USD

Theo Bộ NN&PTNT, 11 tháng đầu năm 2012 ngành nông nghiệp Việt Nam xuất siêu được 8,2 tỉ USD với tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản ước đạt 22,6 tỉ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 tỉ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.

Gạo giữ vị trí thứ hai với 6,8 triệu tấn, giá trị gần 3,5 tỉ USD.

Xuất khẩu cà phê đạt 1,1 triệu tấn, với kim ngạch 2,3 tỉ USD; giá bình quân đạt 2.210 USD/tấn, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cao su xuất khẩu khoảng 651.000 tấn, đạt 2,7 tỉ USD, giá trị tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2010.

Xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ đạt 3,5 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước...

Có thể nói khoảng cách “mênh mông” nói trên bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, về mặt khách quan, trong khi sản lượng cà phê chè rất được giá của Brazil chiếm tỉ trọng rất lớn, thì ngược lại cà phê vối giá rẻ của chúng ta lại chiếm tuyệt đại bộ phận.

Cụ thể, ước tính mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy cà phê chè chiếm tới gần 2,1 triệu tấn trong tổng sản lượng 2,95 triệu tấn trong niên vụ này của Brazil, tương ứng với 70,5%, còn sản lượng cà phê vối chỉ là 870.000 tấn, tương ứng với 29,5%.

Hơn thế, đây cũng chính là niên vụ Brazil mất mùa 320.000 tấn, trong đó cà phê chè mất mùa trên 400.000 tấn, còn cà phê vối lại được mùa trên 100.000 tấn. Điều này có nghĩa là trong điều kiện bình thường, tỉ lệ cà phê chè của Brazil vẫn chiếm khoảng 3/4 tổng sản lượng cà phê khổng lồ lớn nhất thế giới của mình.

Còn ở Việt Nam, cũng theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, trong tổng sản lượng trên 1,2 triệu tấn cà phê niên vụ này, cà phê chè chỉ chiếm vỏn vẹn 45.000 tấn, tức là chỉ chiếm 3,6%, cho nên tuyệt đại bộ phận còn lại vẫn là cà phê vối.

Trong điều kiện giá cà phê vối trên thị trường thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây chỉ bằng khoảng 55% giá cà phê chè, đây rõ ràng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cà phê xuất khẩu của nước ta trong nhiều năm qua chỉ bằng 54-56% giá của Brazil, còn trong niên vụ vừa qua đã nhích lên bằng 60%.

Như vậy, giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao giá cà phê xuất khẩu của nước ta là cần tận dụng điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở những vùng thích hợp để phát triển tối đa diện tích cà phê chè.

Thứ hai, về mặt chủ quan, cần khắc phục tình trạng xuất khẩu cà phê với giá quá rẻ trong nhiều năm qua.

Các số liệu thống kê của FAO cho thấy trong thập niên vừa qua chúng ta xuất khẩu ra thị trường thế giới gần 10 triệu tấn cà phê với giá 1.161 USD/tấn, thu về gần 59 tỉ USD.

Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân khối lượng cà phê khổng lồ này của nước ta chỉ bằng 63,6% giá trung bình của thế giới, trong đó có nhiều năm giá xuất khẩu của chúng ta quá “bèo”. Liên tục trong hai năm 2001 và 2002, giá xuất khẩu cà phê của chúng ta chỉ bằng 42,1% và 48,4% giá bình quân của thế giới, năm 2005 cũng chỉ bằng 47,2% và gần đây nhất là năm 2010 cũng chỉ bằng 56%.

Trong khi đó, ngược lại, liên tục trong hai năm 2007 và 2008 giá cà phê xuất khẩu của chúng ta lần lượt đạt tới 70,3% và kỷ lục 76,1% giá bình quân của thế giới.

Tình trạng giá cà phê xuất khẩu “phập phù” như vậy không thể phản ánh cà phê vối của chúng ta lúc nào cũng là cà phê có giá quá rẻ, mà phản ánh sự bất ổn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Do vậy, làm tốt công tác dự báo thị trường và điều tiết hoạt động xuất khẩu tốt hơn chắc chắn sẽ là giải pháp giúp xuất khẩu cà phê được giá hơn.

Thứ ba, cho dù chúng ta đã xuất khẩu cà phê với quy mô lớn từ hai thập niên qua và cũng giữ vị trí cường quốc xuất khẩu cà phê số 2 thế giới 12 năm, nhưng công nghiệp chế biến còn quá kém phát triển cũng là một nguyên nhân đặc biệt quan trọng khiến giá xuất khẩu của chúng ta thấp như vậy.

Một khi ngành công nghiệp này được chú trọng phát triển, kim ngạch xuất khẩu thứ đồ uống quan trọng bậc nhất của thế giới này sẽ tăng rất mạnh. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về hoạt động sản xuất và xuất khẩu cà phê của nước ta sang thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này có thể cho chúng ta thấy những con số rất thú vị về khả năng này.

Đó là trong khối lượng cà phê khổng lồ gần 250.000 tấn xuất khẩu sang thị trường này của nước ta thì có tới gần 240.000 tấn chưa chế biến với giá bình quân chỉ 2.331 USD/tấn (mã HS 090111).

Trong khi đó, 1.274 tấn cà phê đã rang (mã HS 090121) có giá 3.286 USD/tấn, tức cao giá hơn cà phê xuất thô tới 955 USD/tấn và 41%.

Hơn thế, với chỉ vỏn vẹn 356 tấn cà phê chiết xuất và hòa tan (mã HS 210111) thì có giá tới 6.531 USD/tấn, tức cao hơn giá cà phê xuất thô tới 4.200 USD/tấn và 2,8 lần.

Như vậy, càng phát triển công nghiệp chế biến cà phê càng nâng cao được tỉ trọng cà phê chế biến xuất khẩu, đương nhiên giá cà phê xuất khẩu bình quân của nước ta sẽ càng tăng mạnh.

Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng vị trí số 1 thế giới vẫn thuộc về “người khổng lồ” Brazil với khối lượng cà phê buôn bán lớn nhất thế giới cho đến nay, trong đó đại bộ phận lại là cà phê chè, với ngành công nghiệp chế biến cà phê đã phát triển và với kinh nghiệm xuất khẩu đầy mình tích lũy được trong ít nhất nửa thập kỷ qua.

Còn đối với chúng ta, chỉ khi khắc phục được những bất cập nói trên mới có thể tiệm cận được “người khổng lồ” này và cũng chỉ khi đó, ngôi vị cường quốc xuất khẩu cà phê thứ mấy nào đó của nước ta mới thật sự có ý nghĩa.

 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích