Chị em săn khuyến mãi cuối năm

Thứ bảy, 08/12/2012, 08:01
Dịp cuối năm, dân công sở nhất là chị em phụ nữ đang bàn tán, rỉ tai nhau về thông tin khuyến mại, cách mua hàng giảm giá sao cho hiệu quả, ít tốn kém. Kinh tế khó khăn, việc săn hàng giảm giá lại trở nên hấp dẫn và được chị em bàn tán sôi nổi. 

>> Tổng hợp tin khuyến mại nổi bật ngày 6/12
>> Hội chợ khuyến mãi hàng IT của TP.HCM sắp mở cửa
>> Đề xuất tổ chức nhiều tháng khuyến mãi
>> Tháng khuyến mãi: Hàng điện máy giảm đến 40% 
 

Những câu lạc bộ mang tên “câu lạc bộ các mẹ thích săn hàng khuyến mại” trên một diễn đàn giành cho các ông bố bà mẹ trẻ hay “hội những người thích săn hàng khuyến mại” trên facebook… là nơi các bà các cô lập ra để giải toả cơn nghiện shopping, cơn khát hàng giảm giá.

“Không cần phải có nhiều tiền mới mua được hàng độc, đúng chất lượng. Quan trọng là có đủ kiên nhẫn để “săn" hàng giá rẻ hay không mà thôi.” chị Hồng ở Chùa Láng, Hà Nội chia sẻ.

"Cuối năm là dịp các cửa hàng giảm giá, và đặc biệt những ngày cận tết các hàng sẽ tung ra những đợt khuyến mại khủng. Cho nên, những ngày gần tết dù tất bật đến đâu mình cũng giành thời gian đi mua sắm."

Theo chị Hồng, mua hàng tốt nhất là vào thời điểm bắt đầu đợt giảm giá, nên đến cửa hàng sớm để là những người đầu tiên chọn được những món hàng ưng ý. Tuy nhiên, chị Hồng cũng cho biết chị thường ghé thăm các cửa hàng này vào các ngày tiếp theo trong của giảm giá vì nhiều hàng hoá sẽ được chất thêm lên kệ khi lượng hàng cũ đã được tiêu thụ hết, nếu không quay lại đôi khi lại bỏ lỡ những món hàng có giá hời.

Chị Nhung, nhân viên truyền thông của một ngân hàng chia sẻ “mình thường mua những mặt hàng có giá trị lớn như áo choàng, giày, bốt… trong dịp hạ giá vì như vậy tiếp kiệm được nhiều hơn”.

Chị Nhung khoe có lần mua được đôi bốt da với giá chỉ 500 nghìn, bằng một phần tư giá niêm yết ban đầu. Chị Nhung cho biết tết này chị cũng sẽ đợt giảm giá của các cửa hàng để làm phong phú thêm bộ sưu tập quần áo, giày dép của mình.

“Mình hay mua đồ giảm giá vào cuối mùa, tuy không sử dụng được nhiều trong năm đó nhưng đến đầu mùa sau mình có hàng ‘xịn’ để dùng và cuối mùa lại tiếp tục săn hàng giảm giá cho năm sau’’ thành viên có nickname biwon tâm sự. Năm ngoái khi hết mùa rét chị đã mua được một chiếc áo lông vũ chỉ với giá 400 nghìn trong khi giá ban đầu là 2 triệu.

Không có thời gian và sự kiên nhẫn để đi mùa hàng giảm giá, nhiều người chọn cho mình cách mua hàng qua mạng. Có rất nhiều nhãn hiệu có gian hàng điện tử để bán hàng online và đăng tin quảng cáo khuyến mại. Ngoài ra, những chị em sành điệu còn rình những đợt giảm giá trên các trang web nước ngoài.

Chị Ngọc Mai từng đi du học ở Mỹ cho biết “về nước rồi mình vẫn đặt mua hàng khuyến mại trên các trang website của Mỹ, hàng rẻ lại đẹp, tính cả công vận chuyển vẫn rẻ hơn nhiều so với hàng xách tay bán tại Việt Nam, tết có bạn về chơi cầm hộ lại đỡ được tiền ship”.

Tuy nhiên, mua hàng khuyến mãi cũng không ít khi gặp sụ cố vì thế chuyện chia sẻ kinh nghiệm cũng là điều rất nhiều chị em quan tâm.

Trên một diễn đàn, thành viên có tên babytiger cho biết có lần đi qua phố Chùa Bộc – Hà Nội thấy một cửa hàng treo biển giảm giá tới 70%, mình và bạn hí hửng vào, hai đứa cả thảy mua được 5 cái áo, 3 cái quần hết tổng cộng có 350 nghìn, tới khi về nhà thì thấy, cái thì sứt chỉ, cái thì đứt khuy, chưa kể đến việc về đến nhà thì thấy không còn ưng như khi thử ở trong cửa hàng nữa.

Nhiều cửa hàng khác thì bán đồ giảm giá theo kiểu mua 1 tặng 1, mua 3 tính tiền 2,… điều này lại càng kích thích tâm lý ham rẻ của chị em trong khi chưa có nhu cầu cũng cố mua cho đủ số lượng để được hưởng giá ưu đãi. Ngoài ra một số cửa hàng còn treo biển không được phép mặc thử đối với những mặt hàng hạ giá, đa phần những đồ này chị em mua về thấy không vừa hoặc không hợp nhưng không thể đổi, trả lại, đành ấm ức kể lại cho đồng nghiệp, bạn bè để rút kinh nghiệm.

Hiện nay, có hàng trăm website chuyên mua bán theo nhóm như nhommua, muachung, hotdeal, cungmua, dealsoc..., đó cũng là những trang mua sắm yêu thích của không ít dân văn phòng, ở đó họ tìm được những suất ăn, vật dụng gia đình, phòng khách sạn, dịch vụ spa, làm tóc… với giá chỉ từ 40-60% giá thị trường.

Trên các trang này, có những mặt hàng là giảm giá thật do mới khai trương hay muốn thu hút khách, nhưng cũng một số khác là đẩy giá trị thực lên rồi ghi giảm giá về đúng giá ban đầu.

Bạn Thanh Tâm nhân viên Viettel kể “đợt hè vừa rồi mình đặt phòng khách sạn tại Nha Trang qua một trang web mua hàng theo nhóm với giá 600 nghìn đồng sau khi đã giảm 50%. Nhưng khi tới khách sạn, hỏi nhân viên lễ tân thì mới biết, nếu mình đặt trực tiếp tại khách sạn thì phòng này cũng có giá 600 nghìn”.

Sau vụ bê bối của nhommua và gần đây nhất dealsoc cũng đã đóng cửa trụ sở trong khi trang web của họ vẫn có thể truy cập và khách hàng vẫn có thể đặt mua voucher, nhiều tín đồ giảm giá chuyên săn hàng trên các trang web này cũng tỏ ra nghi ngại.

“Mua hàng giảm giá không có nghĩa là mua bất cứ thứ gì mình thích chỉ vì rẻ. Hãy để giành tiền để mua một món hàng có giá trị và thực sự hữu ích vì những thứ đó sẽ đem lại cho bạn giá trị sử dụng lâu dài hơn là mua những sản phẩm không cần thiết chỉ bởi chúng có giá shock” một tín đồ khuyến mại tâm sự sau nhiều năm mua hàng giảm giá.


Theo VEF

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích