Đã hết năm 2012 rồi, chỉ còn 5 năm nữa là đến thời điểm 2018, theo cam kết của các thành viên AFTA, thuế nhập khẩu với ô tô trong khối ASEAN sẽ giảm xuống chỉ còn 0% -5%.
Trước áp lực đó, các DN ô tô có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, đến nay họ vẫn không rõ chính sách phát triển công nghiệp ô tô trong những năm tới như thế nào.
Do Chính phủ Việt Nam chưa cam kết có phát triển ngành công nghiệp ô tô hay không và theo hướng nào, nên các nhà đầu tư quốc tế chưa thể có động thái gì ngoài việc chờ đợi trong lo lắng.
Một quan chức Bộ Công thương cho biết, bản quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn 2010 - 2020 tầm nhìn tới 2030 đã hoàn tất hiện đang chờ đợi đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
“Đã gần một năm nay rồi, nhưng công tác thẩm định đến nay vẫn chưa xong. Đợi sau khi thẩm định xong sẽ trình Chính phủ phê duyệt”, vị quan chức này nói.
Ảnh minh họa |
Đi cùng với đó là các cơ chế chính sách về thuế, về phát triển nguồn nhân lực, tín dụng, công nghệ hay các chính sách xây dựng chuỗi sản xuất cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp ôtô. Đặc biệt một lộ trình giảm thuế ổn định và có tính xuyên suốt, dự báo được lộ trình từ nay đến năm 2018 để các DN có thể xây dựng kế hoạch tổng thể, dài hơi cho sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Các DN cho biết họ đã chờ đợi Bản quy hoạch mới này được phê duyệt từ lâu, nhưng đến nay vẫn chỉ biết chờ đợi. Kể cả có phê duyệt rồi, các chính sách ưu đãi cũng như lộ trình giảm thuế cũng còn phải đưa ra các cơ quan chức năng và Quốc hội, như vậy thời gian có thể tới hàng năm thì chính sách mới thành hiện thực.
Trong khi đó, đến 2014 thì thuế suất nhập khẩu ô tô trong khối ASEAN đã phải giảm xuống còn 50% rồi và tiếp tục giảm dần các năm sau để đến 2018 còn 0-5% chứ không phải vẫn giữ mức cao cho tới tận 2018 mới giảm.
Chỉ cần thuế suất thuế nhập khẩu giảm xuống còn 50% vào 2014 thì các DN ô tô trong nước đã rất khó khăn khi cạnh tranh với xe nhập nguyên chiếc rồi chưa nói mức giảm hơn nữa. Với tác động như vậy sẽ ảnh hưởng tới đầu tư của các DN.
Ô tô mong được như tàu thủy
Theo các DN, với thời gian ngắn như vậy cần có những chính sách đột phá để thu hút đầu tư. Tại diễn đàn DN Việt Nam 2012, nhóm công tác công nghiệp ôtô, xe máy đã đề xuất cần phải đưa CN ô tô vào nhóm ngành công nghệ cao.
Trên thực tế ngành công nghiệp ôtô Việt Nam hiện không phải là đối tượng của bất kỳ chính sách khuyến khích đầu tư nào theo như định hướng phát triển nền công nghiệp “công nghệ cao”, ông Gaurav Gupta, Tổng giám đốc GM Việt Nam, thành viên nhóm công tác cho biết.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên, trên thế giới các nước đều coi công nghiệp ô tô là ngành công nghệ cao, bởi nó tích hợp trong đó nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến hàng đầu và làm nền tảng cho sự phát triển kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Nhưng tại Việt Nam thời gian qua, công nghiệp ô tô không được coi là ngành công nghệ cao nên không có chính sách ưu tiên cho nó. Trong khi đó công nghiệp tàu thủy, thế giới chỉ coi là công nghệ trung bình thì lại được ưu tiên, ưu đãi quá nhiều.
Nếu dành số vốn đầu tư cho công nghiệp ô tô tương đương với công nghiệp tàu thủy thời gian qua thì ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã khác.
Ảnh minh họa |
Chúng tôi làm ô tô suốt thời gian qua mà không nhận được ưu đãi nào. Cho đến nay, chúng tôi đã đầu tư máy móc và công nghệ để nội địa hóa 50% cho 4 mẫu ô tô (2 mẫu xe du lịch, 1 mẫu 7 chỗ và 1 mẫu 5 chỗ) gần xong, toàn với công nghệ cao. Nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được hưởng gì từ những ưu đãi của Chính phủ.
Ngoài việc bảo vệ xong đề tài cấp nhà nước về bảo vệ thiết kế thân vỏ xe được hỗ trợ 11,6 tỷ đồng, còn những chính sách khác đều nằm trong văn bản.
"Chúng tôi sản xuất ôtô con, đề nghị tỷ lệ nội địa hóa trên 50% thì giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương đồng tình nhưng Bộ Tài chính thì không. Tại các nước khác khi tăng tỷ lệ nội địa hóa thì thuế sẽ được giảm là điều chắc chắn”. ông Huyên nói.
Nếu được coi là ngành công nghệ cao thì các DN sẽ được ưu đãi rất lớn về thuế về thuê đất, về đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ chuyển giao công nghệ... có như vậy mới thu hút được đầu tư.
Việt Nam hiện có dân số khoảng 90 triệu người và thu nhập đang tăng lên. GDP đầu người và tổng số dân tăng sẽ tác động đến thói quen sử dụng và mua xe. Hiện tỉ lệ xe ô tô của Việt Nam rất thấp, mới chỉ có 2 xe/1.000 dân. Vì vậy nhu cầu về ô tô còn rất cao.
Nhu cầu về ô tô cao sẽ kéo theo thói quen sử dụng ô tô tăng, từ đó dẫn đến tăng trưởng của ngành công nghiệp ô tô. Ngoài việc cung cấp và hỗ trợ các phương tiện vận chuyển cho các công dân, ngành công nghiệp ô tô còn đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng tổng thể và tăng trưởng trong kinh tế và thương mại.
Tại Việt Nam, ngành này mới đóng góp khoảng 3% GDP, thấp hơn khá nhiều mức trên 10% của nước láng giềng Thái Lan.
Tuy nhiên, các DN cho rằng, một vướng mắc hiện nay là sự thiếu rõ ràng trong kế hoạch của Chính phủ về thúc đẩy, hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, lắp ráp linh kiện trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô từ nay tới sau năm 2018.
Cùng với đó, định hướng về loại phương tiện chiến lược của Việt Nam sau nhiều năm vẫn chỉ dừng ở mức dự thảo chưa hoàn thiện. Vì thế, các DN đề nghị Chính phủ nhanh chóng đưa ra chính sách và cam kết ổn định dài hạn để phát triển công nghiệp ô tô.
Theo Vietnamnet