Thông thường, mỗi gia đình dùng vài quả trứng một ngày và chẳng ai có thể ăn trứng suốt cả tháng. Kể cả nhu cầu cao trong dịp Tết cũng chỉ cần khoảng 20-30 quả, tức số tiền chi thêm khoảng vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, do là mặt hàng thiết yếu, giá phù hợp với túi tiền của đại đa số người có thu nhập thấp – mà đây lại là thành phần chiếm tỷ trọng cao trong xã hội nên nếu nói nhà nhà đều ăn trứng cũng không sai.
Quan trọng hơn, giá nhiều hàng hóa khác cũng sẽ tăng theo khi trứng lên giá, đặc biệt là hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm. Chưa kể các mặt hàng chế biến từ trứng cũng sẽ điều chỉnh, ví dụ: cơ sở sản xuất bánh ngọt, thực phẩm… Đây là xu hướng biến động quen thuộc trên thị trường tiêu dùng.
Giá trứng gà tăng đột biến mấy ngày nay |
Như vậy, câu chuyện quả trứng tăng vài trăm đồng tưởng là nhỏ nhưng tác động của nó lại bao phủ trên diện rộng, ảnh hưởng tới giá cả thực phẩm, tới túi tiền người dân và nó làm cho thu nhập thực tế của người nghèo lại càng giảm đi.
Trứng không thể để lâu vì phải có điều kiện bảo quản, hạn sử dụng ngắn, nên khó có chuyện doanh nghiệp tích trữ, găm hàng như vụ sốt gạo, đường… đã từng xảy ra. Hiện nay ở miền Bắc nguồn cung trứng gia cầm thấp hơn cầu, nên một lượng lớn đã chảy từ Nam ra Bắc. Cộng với nhu cầu mua sắm tăng cao từ 15 âm lịch trở đi, nên khó có thể nói giá sẽ không còn biến động.
Đặt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp như hiện nay, người dân, đặc biệt là công nhân, lao động có thu nhập thấp, họ phải dè sẻn chi tiêu trong dịp Tết hay nói đúng hơn là “cái Tết khó cho họ”, không như nhà nước mong muốn với mọi người dân.
Vậy chúng ta có thể trông mong chương trình bình ổn giá đang triển khai ở TP.HCM có đủ khả năng để dẹp cơn sốt giá trứng? Câu trả lời là rất khó.
Chương trình bình ổn chỉ can thiệp được giá cả trong ngắn hạn, không phải là giải pháp dài hơi trong quản lý giá cả. Bởi cái quyết định giá cả ở mức bao nhiêu là do cung cầu chi phối, do quy luật thị trường tác động. Không có nguồn ngân sách nào đủ sức điều phối giá cả thị trường.
Chương trình bình ổn giá hiện nay không mang lại lợi ích cho người nghèo, bởi có mấy người nghèo vào siêu thị mua sắm hay ra cửa hàng bình ổn mua vài kg thịt heo để dành ăn cả tuần như người có thu nhập khá vẫn hay làm. Chợ là điểm đến thường xuyên của họ. Họ cần bao nhiêu thì đến chợ mua bấy nhiêu. Vùng nông thôn, cửa hàng bình ổn hiếm hoi, thậm chí là chưa có. Như vậy, thử hỏi có bao nhiêu người nghèo, nông dân ở vùng sâu, vùng xa chạm đến cánh cửa vốn được cho là “hỗ trợ người nghèo”.
Như vậy, chương trình bình ổn không giúp được người nghèo bao nhiêu và hiện nay, khi giá cả biến động, họ lại là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất vì thu nhập thấp.
Theo VNE