Theo Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sản xuất và tiêu thụ điện của các nhà máy điện thuộc tập đoàn này năm 2012 đạt 6,3 tỉ kWh, chỉ bằng 94% so với năm 2011. Các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả hoạt động ổn định, nhưng chỉ huy động được khoảng 70% công suất thiết kế, chủ yếu do nhu cầu giảm.
Còn theo ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí (PVN), trong năm qua các nhà máy nhiệt điện của dầu khí cũng chỉ được huy động khoảng 70 - 80% công suất so với dự kiến kế hoạch của Trung tâm điều độ.
Ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết hiện vẫn huy động hết công suất các nhà máy điện của Vinacomin. “Công suất huy động không thể dùng chung một con số tỷ lệ, tùy từng thời điểm trong năm có thể thay đổi. Ví dụ, mùa lũ thì ngay cả các nhà máy nhiệt điện của EVN cũng nằm im, thủy điện bên ngoài EVN cũng chạy. Đã là thị trường thì nhà máy nào rẻ hơn sẽ được huy động trước”, ông An nói.
Thực ra, việc các nhà máy này không được huy động tối đa công suất có một phần là bởi các nhà máy của Vinacomin hay PVN chủ yếu là nhiệt điện than, khí, dầu, giá bán cao hơn thủy điện. Trong khi năm 2012, khai thác thủy điện của EVN đạt tới 52,96 tỉ kWh, vượt 5,5 tỉ kWh và nhờ vậy, EVN đã giảm được sản lượng nhiệt điện phát bằng dầu (giảm 125 triệu kWh so với kế hoạch).
Chính việc huy động khối lượng thủy điện lớn giá rẻ là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại khoản lãi 6.000 tỉ đồng cho EVN trong năm 2012. Riêng sản lượng điện của EVN đạt 54,4 tỉ kWh, vượt kế hoạch 3,58 tỉ kWh, nên lượng điện phải mua ngoài của EVN chỉ xấp xỉ 63,19 tỉ kWh điện.
Nguồn điện trong nước thừa nhưng EVN vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc. |
Nhưng điều khiến nhiều nhà máy điện ngoài EVN băn khoăn là dù đã giảm sản lượng huy động nhiệt điện do trong nước thừa điện, nhưng lượng mua điện từ Trung Quốc vẫn rất lớn.
Báo cáo của EVN năm 2012 không nói rõ lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc là bao nhiêu. Nhưng theo số liệu chính thức được EVN công bố trước đó, 7 tháng đầu năm 2012, EVN đã mua tới 1,571 tỉ kWh điện từ Trung Quốc. Nếu tính bình quân cả năm, con số điện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khoảng 2,5-2,8 tỉ kWh hoặc cao hơn.
Đây là con số nhập khẩu tại một năm thừa điện, còn theo kế hoạch năm 2013 khi nguồn cung được dự báo có những căng thẳng nhất định do thủy văn không thuận lợi, EVN dự kiến sẽ nhập tới 3,6 tỉ kWh điện từ Trung Quốc.
Cần xem lại cơ cấu mua
Giá mua điện từ Trung Quốc của EVN đã tăng mạnh trong các năm gần đây. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2011 Việt Nam ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá 5,8 cent/kWh thì sang năm 2012, giá mua điện từ Trung Quốc đã tăng lên 6,08 cent/kWh (tương đương khoảng 1.300 đồng/kWh).
Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước chỉ khoảng 800 - 900 đồng/kWh (mùa lũ mức giá mua còn thấp hơn chỉ từ 500 - 600 đồng/kWh - PV), giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 - 1.300 đồng/kWh.
Hợp đồng đàm phán mua điện EVN ký với Trung Quốc hằng năm là hợp đồng bao tiêu với sản lượng cụ thể, và EVN mua ít hay mua thêm nhiều cũng đều bị phạt. Do nguồn cung điện trong nước vài năm qua thiếu hụt, nên nhiều thời điểm, việc xác định nhập khẩu tối đa điện từ Trung Quốc luôn là một trong những giải pháp lớn để giải quyết bài toán cân đối cung cầu.
Tuy nhiên, ông Vũ Huy Quang cho rằng việc ký hợp đồng mua điện Trung Quốc do những năm trước đây nguồn cung điện trong nước còn hạn chế. Nhưng với nguồn cung trong nước mỗi năm đang được bổ sung nhiều hơn, việc mua điện Trung Quốc với mức giá cao hơn thủy điện và xấp xỉ nhiệt điện chạy than, là thiệt thòi cho các nguồn điện này.
Theo ông Quang, do hợp đồng mua của EVN với Trung Quốc có những cam kết về sản lượng, nếu không mua đủ sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn trong nước dồi dào như năm 2012, thậm chí có giai đoạn thừa điện, vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc.
Một chuyên gia ngành điện cho rằng, bất cập ở chỗ hợp đồng mua điện với Trung Quốc xác định sản lượng cũng như giá cả thường làm gộp từ đầu năm. Điều này khiến không chỉ các nhà máy nhiệt điện lớn chịu thiệt, mà còn khiến các thủy điện nhỏ và vừa lao đao. Với các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa dưới 30 MW (không được tham gia thị trường phát điện cạnh tranh), việc có được huy động hay không phụ thuộc hoàn toàn vào EVN.
Đây cũng là các nhà máy “tố khổ” nhiều nhất khi thường xuyên bị phân biệt đối xử, bị ép giá bán thấp, thường xuyên không được huy động hết công suất, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo chuyên gia trên, những bất cập này cùng với khó khăn khi mua bán với Trung Quốc đặt ra yêu cầu EVN cần phải tính toán lại hiệu quả của việc nhập khẩu điện dài hạn từ Trung Quốc, cũng như phải cơ cấu hợp lý, minh bạch hơn các nguồn mua điện trong nước, tránh tình trạng thừa điện vẫn phải đi mua.
Theo Thanh Niên