5 ngày, 3 lần tăng giá
Theo ghi nhận của PV, giá bán sỉ trứng từ ngày 5 - 9/1 đã 3 lần tăng, tổng cộng 500 đồng/quả, hiện dao động từ 2.800-3.600 đồng/quả. Tại quầy trứng gia cầm bình ổn thị trường của một số siêu thị ở TP.HCM, bảng giá đã bị tháo xuống do “Không còn hàng để bán thì để bảng làm gì” (lời một nhân viên siêu thị).
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết: “Giá trứng gia cầm bình ổn thấp hơn giá bên ngoài 400-500 đồng/quả nên tiểu thương tập trung vào siêu thị, cửa hàng bán bình ổn gom hàng. Doanh nghiệp (DN) không thể nào kiểm soát và đảm bảo đủ nguồn hàng được. Hiện mỗi tháng Vĩnh Thành Đạt được giao bình ổn khoảng 5 triệu quả trứng, tương đương hơn 150.000 quả/ngày. Chúng tôi đề nghị tăng giá trứng bình ổn thêm 200-300 đồng/quả nhưng vẫn chưa được duyệt”.
Trước tình hình gom hàng đầu cơ trứng, hệ thống siêu thị Satramart đã phải quy định khách chỉ được mua 1 - 2 vỉ trứng/người. Một số siêu thị khác cũng áp dụng tương tự.
Để hạn chế tình trạng đầu cơ mua gom trứng bình ổn thị trường bán lại kiếm lời, nhiều siêu thị đã phải giới hạn số lượng trứng khách mua mỗi ngày |
Tại Hà Nội, giá trứng gia cầm cũng liên tục tăng trong những ngày qua. Tại các chợ Phùng Khoang, Nhân Hòa, Khương Trung, trứng bày bán nhiều nhưng giá cao hơn so với 2 tuần trước từ 300-400 đồng/quả. Giá trứng gà trắng từ 3.400-3.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp từ 2.500-2.700 đồng/quả, trứng vịt 3.200-3.300 đồng/quả. “Giá trứng tăng chủ yếu là do cận tết nhu cầu tăng, thêm nữa là do nguồn cung giảm”, chị Hạnh, người đang bán trứng ở chợ Phùng Khoang cho biết.
Chưa thể “hạ nhiệt” ngay
Theo tính toán của người chăn nuôi, giá thành sản xuất trứng gà hiện khoảng 1.400-1.500 đồng/quả, bán ra 1.700-1.800 đồng là đảm bảo lợi nhuận và tái đầu tư. Việc giá trứng bán sỉ bị đẩy lên hơn 2.200-2.500 đồng/trứng là quá bất thường.
Còn ông Jirawit, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P, cho biết: “Giá trứng tăng nóng hiện nay do mất cân đối cung cầu bởi trong cả năm 2012 mặt hàng này luôn duy trì ở mức quá thấp nên các trại bị thua lỗ, giảm đàn. Hiện nay nhu cầu trứng hút hàng từ nam ra bắc, khan hiếm nên DN phải điều chỉnh tăng giá cho phù hợp với giá thị trường”.
Nhiều DN cho rằng để hạ nhiệt ngay thị trường trứng gia cầm lúc này là rất khó, bởi nguồn cung vốn dĩ đã bị hụt lớn, muốn khôi phục phải mất 6, 7 tháng. Do đó, giải pháp nhanh nhất lúc này là Bộ Công thương cho phép nhập khẩu trứng gia cầm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời giúp thị trường bình ổn, còn lâu dài cần hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi trong nước để tự chủ nguồn hàng.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, cho rằng giá trứng tăng có nguyên nhân từ việc lượng trứng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, người nuôi thời gian qua đã giảm đàn khoảng 30% do giá trứng thấp, thua lỗ. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung trứng sẽ chưa được cải thiện do nuôi được một lứa gà đẻ phải mất 4 - 6 tháng. Lượng gà đẻ bổ sung trong khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán là không nhiều, phải sau 3 - 4 tháng nữa thì nguồn cung trứng mới được cải thiện... “Nông dân mới có lãi được ít ngày, nếu ồ ạt nhập trứng, giá trứng sẽ lại giảm xuống, người nuôi gà lại chịu thiệt, lại không mặn mà đầu tư chăn nuôi nữa”, ông Trọng nói.
Chuyển thịt ra miền Bắc Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi Bộ NN-PTNT, cho biết hiện giá thịt gia cầm và thịt heo đang đứng ở mức cao, tăng so với vài tuần trước từ 4.000-5.000 đồng/kg thịt heo và 5.000-7.000 đồng/kg thịt gia cầm. Do giá thịt gia cầm ở các tỉnh phía bắc đang cao hơn so với phía nam từ 3.000-5.000 đồng/kg nên các thương lái đang đẩy mạnh việc vận chuyển thịt ra bắc bán để kiếm lời. Theo ông Dương, nhu cầu thịt các loại trong tháng tết tăng 20-25% so với bình thường nhưng ngành chăn nuôi sẽ cơ bản cung ứng đủ. Các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng và heo tai xanh đã cơ bản được khống chế, giá thực phẩm đứng ở mức cao, gà nhập lậu Trung Quốc đã giảm trên 90%, người chăn nuôi yên tâm tăng đàn, tái đàn để cung ứng thực phẩm tết. Lượng con giống và thức ăn chăn nuôi tiêu thụ đã tăng mạnh chứng tỏ người dân đang tập trung mở rộng sản xuất. Ngoài sản xuất trong nước, dịp tết cả nước sẽ nhập thêm một lượng thịt nhất định. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết hiện chưa có dấu hiệu tăng đột biến về khối lượng các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đăng ký kiểm dịch nhập khẩu. Lượng hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu trong tháng 12 cũng khoảng 10.000 tấn. Tháng 1/2013, lượng hàng nhập có thể tăng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán nhưng không có sự tăng đột biến về số lượng, dự báo chỉ ở vào khoảng 10.000-12.000 tấn. |
Theo Thanhnien