Hàng hiệu giả Trung Quốc, một vấn nạn khó giải quyết

Chủ nhật, 13/01/2013, 15:48
Tại thương xá Phước Lộc Thọ ở khu Little Sài Gòn (California, Mỹ), một kios bán các ví phụ nữ bằng da được nhiều bà và cô xúm quanh ngắm nhìn. Các chiếc túi xách tay xinh xắn, hàng hiệu lẫn lộn với hàng không hiệu, giá từ vài chục đến vài trăm USD.

Giả hay thật?

“Thật hay giả đây,” một phụ nữ hỏi nhỏ người đi bên cạnh.

“Giá này chắc không thật đâu.”-người kia ngẫm nghĩ rồi chép miệng.

Hỏi thì hỏi thế, nhưng họ vẫn cắm cúi chọn lựa, cầm từng cái xách tay đeo vào người, ướm thử. Thật giả chưa biết, nhưng những chiếc ví này coi cũng được lắm, giá lại thật dễ chịu, thật là khó lòng bỏ đi.

Tại một thương xá ở Thượng Hải, vào tháng 8 năm nay, một nhóm nghiên cứu hỏi 202 người đang tấp nập qua lại mua sắm thì được hơn 2/3, cho biết họ sẵn sàng mua hàng giả.

hang gia
 Nhân viên quản lý doanh nghiệp Trung Quốc cắt các túi xách Louis Vuitton giả trong một chiến dịch lùng bắt loạt hàng Louis Vuitton giả hiệu tại thành phố Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc, vào Tháng Tám, 2010

Không sẵn lòng sao được, khi một túi xách tay Fendi nằm trong tủ kính cửa hiệu của công ty bán giá 1.494 USD, trong khi mua ở kios hay trênInternet chỉ mất khoảng 180 USD đến 300 USD.

Tràn ngập thị trường

Từ nhiều năm nay, hàng giả Trung Quốc được bày bán nhan nhản trên thị trường khắp thế giới.

Theo thống kê của Ủy ban thương mại châu Âu (European Trade Commision) Commerce Commission thì hơn 75% số hàng giả nhập vào khối liên minh châu Âu bị tịch thu trong năm 2011 đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Thuế quan Mỹ (CBP) cho biết năm ngoái đã chặn bắt hơn 25.000 vụ nhập hàng giả, và tịch thu hơn 2.5 triệu kiện hàng giả từ Trung Quốc chở vào Mỹ. Còn Phòng thương mại Mỹ thì tường trình rằng “hàng giả và vi phạm bản quyền (từ Trung Quốc) làm hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 250 tỷ mỗi năm”.

Trung tuần tháng 8 năm rồi, CBP tại cảng Long Beach đã chặn bắt 20.457 đôi giày hiệu Christian Louboutin, và cuối tháng 11, nhân viên CBP tại cảng Newark, New Jersey, lại tịch thu một kiện hàng chứa 537 ví xách tay, thắt lưng hiệu Louis Vuitton, Gucci and Michael Kors giả.

Với những dữ kiện thường xuyên và con số khổng lồ này, câu hỏi được đặt ra là tại sao Hoa Kỳ (và thế giới) không nỗ lực hơn trong việc dẹp vấn nạn hàng giả.

Theo nhận định của một số chuyên gia thì “khó có hy vọng dẹp hẳn được” hàng hiệu giả Trung Quốc. Nhận định của họ không làm người ta ngạc nhiên lắm.

hang gia
 Một container hàng được dán nhãn là “đồ nhựa”, trong chứa 537 mặt hàng hiệu giả gồm túi xách, thắt lưng và ví da mang nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci và Michael Kors

Nhiều lý do

Tài liệu nghiên cứu có tên “The Devil Wears Prada” của giáo sư Roy Y.J. Chua thuộc Harvard Business School và đồng tác giả là giáo sư Xi Zou của University of Hong Kong, tường trình rằng có nhiều nguyên do khiến hàng giả Trung Quốc là một vấn nạn khó giải quyết. Một trong những lý do chính, theo họ, là vì giới tiêu thụ “muốn có loại hàng như vậy”.

Không phải hàng giả nào cũng giống nhau. Có loại hàng giả mà người mua là nạn nhân, vì không rành hay vì bị lừa mà mua nhầm như dược phẩm, mỹ phẩm, nước hoa. Hàng được đặt tên là hàng hiệu giả, là loại hàng mà giới tiêu thụ biết là giả mà vẫn cứ mua, thậm chí còn tìm mua, dù biết đó là hàng bất hợp pháp.

Hai vị giáo sư Chua và Zou phân tích:

“Hàng hiệu giả đáp ứng nhu cầu của người cần ‘giải quyết khâu oai’, muốn phô trương cho người xung quanh sự sung túc, thành công của mình mà không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để mua hàng thật.”

Một đoạn của tài liệu “The Devil Wears Prada” viết:

“Giới nào càng có nhu cầu gây ấn tượng với người khác qua những gì họ sở hữu thì lại càng ưa chuộng hàng giả.”

Nhưng không phải ai mua hàng hiệu giả cũng có nhu cầu tạo ấn tượng. Có giới tiêu thụ mua hàng hiệu giả vì có cái nhìn thực tiễn hơn. Họ biết hàng (hiệu) giả không có chất lượng cao bằng hàng thật, không bền bằng hàng thật, nhưng cũng có hình dáng tương tự, cung cấp những chức năng tương tự, và với họ, chất lượng đến thế là đủ, không cần phải trả tiền cao gấp bội để mua hàng thật làm gì.

Cũng vẫn theo hai giáo sư Roy Y.J. Chua và Xi Zou, lại có thêm một giới tiêu thụ khác, có thái độ khôn ngoan hơn là “nhất định không trả phí tổn thiết kế và tài trợ dịch vụ marketing cho các công ty, mà chỉ trả tiền sản xuất cho món hàng”. Nhóm này sẽ mua hàng hiệu giả loại cao cấp, có phẩm chất cao hơn loại hàng hiệu giả xoàng, nhưng cũng vẫn rẻ hơn hàng thật nhiều.

Nhóm nghiên cứu do hai giáo sư Lingjing Zhan thuộc Ðại Học Hong Kong Polytechnic, và Yanqun He of Fudan University lãnh đạo, có một đánh giá hơi khác.

Zhan và He cho rằng nhiều người xài hàng hiệu cao cấp như một hành động “tự thể hiện” như một cố gắng để hòa mình với người xung quanh, hoặc muốn trang phục như những người thành công mà họ ái mộ.

“Giới tiêu thụ Trung Quốc rơi vào nhóm người muốn giống người thành công.” Zhan và He nhận xét, và nếu thí dụ, chẳng hạn túi xách Prada là tổng hợp của hai điều: Sản phẩm tốt và thương hiệu có tiếng. Nhưng một số người mua chỉ cần “tiếng” mà không cần phẩm chất.

“Hàng hiệu giả cho phép người mua sở hữu những món hàng có tiếng mà không cần phẩm chất tốt”. Nhóm nghiên cứu của hai giáo sư Gene Grossman thuộc Princeton University và Carl Shapiro của Ðại Học California, Berkeley vạch ra, và kết luận:

“Ðiều này dĩ nhiên làm những công ty như Prada điên đầu, nhưng rõ ràng là thỏa đáng một nhu cầu lớn của người tiêu thụ.”

Xu hướng chuộng hàng hiệu giả này có ảnh hưởng gì lên thị trường, liệu rồi về lâu về dài, hàng giả sẽ thỏa đáng được nhu cầu giải quyết “khâu oai” của giới tiêu thụ không?

Grossman và Shapiro đặt nghi vấn, và lập luận:

“Hàng hiệu chỉ được cho là sang trọng cả khi độc quyền, nổi tiếng, nhưng không được quá rẻ để ai cũng có được.”

Như vậy, hàng giả làm xói mòn sự độc quyền của hàng thật, làm giảm giá trị của những người sở hữu hàng thật.

Văn hóa là một yếu tố

Ngoài ý muốn của giới tiêu thụ, các nhà nghiên cứu còn xét đến khía cạnh khác của hiện tượng “hàng giả, hàng thật” khi họ đặt ra câu hỏi là tại sao Trung Quốc lại dẫn đầu thế giới về việc bắt chước và sản xuất hàng giả mạo.

Giáo sư Peter K. Yu, giám đốc kiêm sáng lập viên của Trung tâm luật tài sản trí tuệ của Drake University Law School, trong bài xã luận có tên “Causes of Piracy and Counterfeiting in China” phân tích rằng văn hóa là một trong những yếu tố chính.

Ông viết: “Trong khi người Tây phương tôn trọng sự khác biệt cá nhân và tinh thần sáng tạo, thúc đẩy các sáng chế, thì người Á Ðông (Trung Quốc) chúng ta tự hào về di sản và truyền thống, tôn trọng tài bắt chước, cho rằng lặp lại những gì tổ tiên đã từng làm từ ngàn xưa là tỏ lòng kính trọng cha ông. Có lẽ suy nghĩ này khiến chúng ta hơi kém sự tôn trọng đối với tài sản trí tuệ ”

Nhận định của xét ra cũng có lý một phần, nhưng chỉ một phần thôi, vì khi bị vạch ra rằng đa số hàng hiệu mà Trung Quốc làm giả là hàng của các nước Tây phương, thì lập luận bắt chước là tỏ lòng kính trọng tổ tiên hơi yếu.

Chưa nhìn thấy giải pháp

Không chỉ các hãng Tây phương mới đau đầu vì những thiết kế của họ bị đánh cắp. Cả các hãng Trung Quốc đi đầu với những mẫu mã mới cũng bị thiệt hại vì nạn hàng giả, và chính họ cũng đồng ý là có lẽ trong tương lai gần, khó dẹp được vấn nạn này.

Vào cuối tháng 8 năm ngoái, khi chính quyền địa phương tại Thẩm Dương, Trung Quốc công bố chiến dịch truy quét hàng giả, 90% chủ nhân các tiệm phản ứng bằng cách đóng cửa, biến thành phố này thành một thị trấn ma.

Thấm đòn chiêu tranh đấu bất bạo động này, hai ngày sau, nhà chức trách Thẩm Dương phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đáp ứng với quyết định đóng cửa cửa hàng và thông báo rằng họ đảm bảo sẽ không tiếp tục nạn lùng hàng giả để doanh thương mở cửa lại.

Vậy phải làm sao?

Hai vị giáo sư Chua và Zou, đồng tác giả của tài liệu nghiên cứu “The Devil Wears Prada” cho rằng một khi giới tiêu thụ còn có nhu cầu mua hàng hiệu giả, hay nói một cách khác, hàng thanh lịch với giá phải chăng, thì chủ nhân các hãng hàng hiệu thật phải “tìm cách thỏa đáng nhu cầu này”.

Một giải pháp khả thi, theo hai giáo sư Chua và Zou là có thể cho phép các hãng sản xuất (Trung Quốc) được chế tạo một loại hàng tương tự nhưng rẻ hơn, với một lệ phí phải chăng, hoặc tìm cách cho khách hàng hiểu rõ sự khác biệt cũng như giá trị khác nhau một trời của hàng thật với hàng giả.

Ða số giới phân tích cho rằng đề nghị này thoạt nghe thì đơn giản, nhưng thật ra rất khó thực hiện, ít nhất là trong tương lai gần.

Theo Baomoi

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích