Xăng kêu lỗ nên sắp tăng giá?

Thứ sáu, 22/02/2013, 10:45
Xăng, điện cùng rục rịch đòi tăng giá, sắp thêm cả lương tối thiểu khiến các doanh nghiệp sản xuất ngay từ đầu năm đã uể oải.

Ngày 21/2, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết chưa có bất cứ đề xuất tăng giá xăng nào lên liên bộ Tài chính - Công Thương. Tuy nhiên, Petrolimex cũng có báo cáo trên cơ sở các phương án để liên bộ nắm tình hình. Theo một số doanh nghiệp (DN) xăng dầu khác, có Petrolimex báo cáo rồi nên “yên tâm” và đang đợi chỉ đạo từ phía Bộ.

Đang chờ duyệt!

Trưởng phòng kinh doanh một đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết tính đến ngày hôm qua, mức lỗ DN này đang phải chịu vẫn là 1.800 đồng/lít, trừ đi 1.000 đồng/lít trích quỹ bình ổn còn 800 đồng/lít. Đại diện Petrolimex đồng tình với mức lỗ là khoảng 800 đồng/lít mà các DN đưa ra. Tuy nhiên, vị này cũng nói thêm: “Các đầu mối phải phụ thuộc vào điều hành từ liên bộ để hài hòa các mục tiêu. Nhưng hiện nay giá xăng dầu thế giới đang cao mà liên bộ không có thông điệp gì sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn hàng”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu mức lỗ DN báo cáo khớp với xu hướng giá thế giới thì về nguyên tắc phải thông cảm, chấp nhận tăng giá nhưng vấn đề là mức tăng đấy phải nằm trong khuôn khổ và lợi ích hài hòa, chứ không lạm dụng vào cơ chế xin - cho và “to mồm”.

Thêm nữa mức lỗ của các DN xăng dầu chưa được công khai, vẫn là DN báo và Bộ biết. Như vậy, DN cần đưa ra những con số cụ thể để tạo ra sự minh bạch, thuyết phục, đồng cảm để đi đến sự đồng thuận.

xăng sắp tăng giá
 Sắp tới, giá xăng sẽ điều chỉnh? (Ảnh chụp chiều 21/2)

“Tôi có cảm giác các DN tránh đưa ra các con số để hạn chế những bình luận sâu. Năm ngoái (2012), cả ngành xăng dầu có thông báo lãi to, thành công nhưng sao giờ lại kêu một cách quá như vậy? Trong khi đó, dự báo chung của thế giới là xăng dầu sẽ không có nhiều đột biến lớn về giá cả và cầu” - ông Phong nêu ý kiến.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng nếu giá xăng thế giới tăng thật thì đúng là cần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. “Tuy nhiên, nhìn lại lần nữa thì giá xăng không minh bạch và các chi phí, hoa hồng đại lý không rõ ràng. Lúc này rất cần vai trò của Nhà nước điều chỉnh hài hòa lợi ích, nếu không rất khó khăn với các DN năm nay” - ông nói.

DN thêm uể oải!

Năm 2012, hàng ngàn DN đã phải ngừng hoạt động, phá sản. Trong khi đó, ngay thời điểm đầu năm 2013 này, các DN sản xuất tiếp tục nhận thêm thông tin xăng dầu, điện… sắp tăng giá, cộng thêm cả mức lương tối thiểu.

Về tác động xăng dầu lên các DN sản xuất, ông Lê Đăng Doanh cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo, tăng trưởng tín dụng đến giờ là âm 0,16%, tiền huy động không tăng bao nhiêu.

Như vậy, cần hài hòa các lợi ích và khuyến khích để các DN phát triển, nên có sự kiểm soát việc nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu mà Chính phủ đang quản lý. “Người dân còn e ngại học phí và viện phí tăng, cộng thêm giá xăng sẽ lại làm tình hình giá cả thêm phức tạp” - ông Doanh nói.

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong phân tích, khả năng phải cộng thêm quá nhiều chi phí kinh doanh như vậy sẽ gây áp lực lớn lên các DN. Đây là bài toán rất lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Vì thế, các DN cần có kiến nghị tập thể, nếu phát hiện sự bất hợp lý về việc tăng giá xăng dầu hoặc các chính sách vĩ mô chưa phù hợp thì nên kiến nghị ngay.

Có thể thông qua hiệp hội để đưa ra tiếng nói của mình, tránh trường hợp bị động, “trăm dâu đổ đầu tằm”. Khi DN xăng dầu kêu lỗ thì DN sản xuất cũng cần phải lên tiếng để có sự bình đẳng.

“Nói mà có ai lắng nghe đâu!”

Đối với các DN thủy sản, năm vừa qua do không vay được vốn, nhiều hộ nông dân đã hạn chế diện tích nuôi tôm làm cho giá nguyên liệu đã cao nay còn cao hơn.

Trong khi đó đơn hàng đã ký với đối tác, chúng tôi không thể tăng giá. Giờ lại thêm thông tin xăng, điện có khả năng tăng giá, lương tối thiểu cũng sẽ tăng… Mỗi chi phí đội thêm một chút thì DN khó có thể chịu thêm được nữa. Các đối tác nước ngoài lại đang đề nghị phải giảm giá. Nếu cứ để tình hình như vậy thì DN rất dễ tiêu tan.

Về việc kiến nghị, DN đã nói rất nhiều nhưng nói cứ nói mà có ai lắng nghe đâu! Vì vậy, chúng tôi cứ phải lẳng lặng việc mình mình làm, tự tháo gỡ để tồn tại.

Ông Phạm Hữu Long, TGĐ Công ty Thủy sản Agrex Sài Gòn

Cần cân nhắc bài toán lạm phát

Theo tính toán của chuyên viên vĩ mô một công ty tư vấn, vào tháng 8/2012, giá xăng tăng mạnh 3.000 đồng/lít, khi đó lạm phát của tháng 9 đã lên tới 0,3%. Như vậy, nếu giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít cộng với ảnh hưởng sau tết thì mức lạm phát có thể là 0,15%. Trên thực tế, xăng còn ảnh hưởng gián tiếp lên chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng. Các ngành dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng.

Chính phủ cần cân nhắc nên hy sinh điều gì để đảm bảo lợi ích hài hòa. Nếu tăng giá thì chấp nhận lạm phát tăng. Còn nếu không, hạ thuế nhập khẩu thì mất nguồn thu ngân sách.

Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn