Dạo qua các con phố tại Hà Nội như Chùa Bộc, Hàng Than, Cầu Giấy, Hàng Bông... đâu đâu cũng thấy treo băng rôn quảng cáo giảm giá với mức khá cao, như "sales-off 30%, 50%, 70 - 90%", "thanh lý hàng tồn", "big sale"... Việc kích cầu này không chỉ diễn ra ở các cửa hàng quần áo xuất khẩu, mà ngay cả những shop thời trang lớn có tên tuổi cũng đua nhau khuyến mãi.
Đặc biệt, tại những tuyến phố trên, nhiều cửa hàng còn đua nhau bày la liệt các sản phẩm như quần áo, giày dép, túi xách, các phụ kiện thời trang... ngay trên vỉa hè để thu hút khách hàng ghé mua.
Theo khảo sát của PV tại các cửa hàng bán sản phẩm thời trang đang giảm giá trong những ngày đầu xuân năm mới này, bên cạnh những mẫu hàng đã lỗi mốt, hoặc hàng mùa hè...thì vẫn có khá nhiều mặt hàng hợp thời trang.
Mặc dù vậy, không khí mua sắm tại các gian hàng này diễn ra khá buồn tẻ, đôi lúc chỉ có lác đác người vào xem rồi ra về mà không mua.
Một chủ cửa hàng kinh doanh quần áo thời trang trên phố Chùa Bộc cho biết, năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên việc buôn bán bị ảnh hưởng khá lớn. Lượng khách mua sắm bị sụt giảm mạnh ước tính tới khoảng 50% so với thời điểm 1, 2 năm trước.
Để có thể thu hút khách hàng, nhiều cửa hàng thời trang đã đua nhau giảm giá mạnh |
Đặc biệt, nhiều khách hàng thân quen được xếp vào danh sách "VIP" của cửa hàng cũng tỏ ra khá đắn đo và hạn chế mua sắm.
Cũng theo chủ cửa hàng này, trong gần 7 năm kinh doanh trong lĩnh vực thời trang thì năm vừa qua là một năm ế ẩm nhất từ trước đến nay. Chính vì vậy, để có thể thu hút khách hàng và tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn, cửa hàng đã phải mạnh tay giảm giá sản phẩm. Thậm chí nhiều mặt hàng mùa hè cửa hàng phải chấp nhận bán lỗ để thanh lý kho.
"Việc giảm giá này chúng tôi áp dụng trong tình hình ế ẩm thực tế của cửa hàng, nhằm mục đích tăng sản lượng bán ra và nhanh chóng thu tiền gốc về để xoay hàng mới, chứ không phải chiêu trò gì để lừa khách hàng cả", chủ cửa hàng này phân trần.
Với mức giảm đồng loạt từ 50% |
Không chỉ chủ cửa hàng trên, mà tình trạng ế ẩm còn xảy ra ở không ít các gian hàng thời trang khác. Vì vậy, để có thể tồn tại và trụ vững trên thị trường, nhiều chủ cửa hàng buộc phải mạnh tay kích cầu, tung chiêu giảm "giá sốc".
Thậm chí, còn treo băng rôn thanh lý hàng hoá với mức tới 90% |
Theo chị Hải, chủ cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy, chương trình khuyến mãi giảm giá của cửa hàng chị được mở ra từ trong Tết, với dự định bán đầu sẽ chỉ giảm trong 5 ngày để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, 5 ngày trôi qua lượng khách đến mua vẫn khá èo uột. Do đó, để có thể nhanh chóng tiêu thụ nhanh chóng được số hàng đang tồn đọng, cửa hàng chị đã quyết định kéo dài thời gian khuyến mãi đến hết tháng 2.
Cũng theo chị Hải, mặc dù sau Tết Nguyên Đán cửa hàng vẫn đang tung ra chương trình giảm giá mạnh tới 50%, nhưng kể từ ngày mở cửa hàng lại (từ mùng 6 âm lịch) đến nay chị mới bán được duy nhất một chiếc quần bò với giá 200 nghìn đồng.
Trải qua một năm kinh tế khó khăn, thị trường trong nước đã chứng kiến khá nhiều thăng trầm với sức mua sụt giảm mạnh, điều này khiến không ít doanh nghiệp cũng như cửa hàng buôn bán rơi vào tình trạng lao đao. Vì vậy, để có thể tồn tại việc các cửa hàng đua nhau "tung chiêu" giảm giá dường như cũng là một điều dễ hiểu và nên làm.
Theo VnMedia