Tại Hà Nội, ngày 19/2 (mùng 10 Tết), chủ quán phở trên phố Nguyễn Thượng Hiền cho biết, ngày thường giá một suất là 30.000 đồng nhưng sau Tết phải bán 50.000 đồng, và hiện giảm xuống 40.000 đồng.
"Thịt bò đắt quá nên đành phải bán giá đó", chủ quán lý giải. Theo chị, bên cạnh thực phẩm, tiền thuê nhân viên trong năm mới của cửa hàng cũng tăng. "Ra Tết, nhân viên nào cũng muốn nghỉ chơi lễ hội, tôi phải thuê lao động thời vụ nên chi phí cũng đắt hơn", chủ quán phở cho biết.
Với lý do thực phẩm sau Tết đắt đỏ, nhiều quán ăn tăng giá 10-15% so với ngày thường. |
Chị Ngân, chủ một tiệm cơm bình dân trên đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy cho biết hiện giá ở cửa hàng tăng 10-15% so với ngày thường, trung bình mỗi suất cơm tăng từ 3.000-10.000 đồng.
“Nguyên liệu gì cũng đắt lên nên đành phải tăng giá chứ chúng tôi ở đây toàn khách quen, nếu tăng giá bừa bãi cũng mất uy tín lắm”, chị Ngân nói.
Một quán phở trên đường Cầu Giấy báo giá tăng 7.000 đồng so với ngày thường. Chị Loan, chủ quán cho biết, mấy hôm trước, giá còn tăng 10.000-15.000 đồng một bát, hiện đã giảm đôi chút. Theo chị Loan, đã thành lệ, sau Tết, phải tăng giá lên vì ít khách và mặt bằng chung những hàng quán xung quanh cũng tăng.
Nhiều nơi kinh doanh đồ uống cũng tăng giá 3.000-5.000 đồng mỗi ly nước. “Ba quả xoài mua mất 50.000 đồng rồi thì sinh tố đành phải bán đắt lên, cũng khó ăn nói với khách nhưng nếu vài bữa nữa, giá giảm xuống thì chúng tôi cũng điều chỉnh lại”, chị Hoa lý giải.
Theo chị Hoa, sau Tết, nhiều mặt hàng hoa quả vẫn ở mức cao hơn ngày thường 5.000-20.000 đồng mỗi kg. "Hiện các loại hoa quả có giá đắt nhưng cũng không tươi được như ngày thường do một số đầu mối vẫn nghỉ Tết nên hàng ít hơn. Đó cũng là lý do khiến giá hoa quả chưa giảm. Để ổn định giá chắc phải sau Rằm", chị Hoa nhận định.
Khảo sát tại TP.HCM cũng cho thấy các quán cơm bình dân, phở, tiệm bánh mỳ vẫn đắt so với ngày thường 3.000-10.000 đồng. Ở quán cơm bình dân trên đường Điện Biên Phủ, quận 10, TP.HCM một đĩa cơm đã tăng thêm 3.000 đồng, từ 22.000 lên 25.000 đồng một đĩa.
Chủ cửa hàng ở đây chia sẻ: “Hiện nay giá thực phẩm vẫn tăng cao, tôi bán với giá này là vẫn còn rẻ, nhiều của hàng khác còn tăng cả 10.000 đồng một đĩa. Nếu cứ giữ giá mà không tăng thì sẽ chịu lỗ do vậy buộc phải tăng dù không nhiều chỉ đủ bù chi phí”.
Còn tại quán cơm văn phòng trên đường Cao Thắng, ngày thường giá ở mức 30.000 đồng nay tăng lên 35.000 đồng một đĩa.
“Thịt bò, gà, sườn heo giá vẫn cao ngất ngưởng. Thịt bò thì mãi vẫn đứng ở mức 250.000 đồng, còn thịt heo thì cũng đang là 100.000 đồng nên quán cơm cũng phải tăng thôi chứ không tăng thì lỗ chết à”, chủ quán cơm văn phòng trên đường Cao Thắng lý giải.
Một quán bún bò trên đường D2 cũng tăng giá từ 5.000-10.000 đồng một tô phở, tùy loại. "Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phục vụ không kịp trong mấy ngày qua", chủ quán cho biết.
Trên đường Phạm Văn Sỹ (quận Tân Bình), Võ Văn Tần (quận 3), các hàng quán cũng tăng giá một tô phở thêm 10.000 đồng, từ 30.000 lên 40.000 đồng. Chủ các của hàng ở đây cho biết, giá thực phẩm vẫn đang neo theo giá Tết nên chừng nào giá thực phẩm hạ xuống, tự khắc quán phở sẽ hạ theo để phù hợp với thị trường.
Tại quán phở trên đường Điện Biên Phủ, quận 10, thay vì một tô 20.000 như trước đây thì nay đã tăng lên 25.000 đồng.
Song hành cùng thực phẩm, giá bánh mì cũng tăng theo. Tại cửa hàng bánh mì trên đường cách mạng tháng 8, quận 10, TP.HCM, bánh mì tăng thêm 3.000 đồng một ổ. Bánh mì thịt trước đây 12.000 nay tăng lên 15.000 đồng một ổ, bánh mì trứng.
“Thường ngày tôi mua bánh mì thịt nướng ở của hàng này là 13.000 đồng, nay bỗng tăng lên 15.000 đồng. Bánh mì thịt nguội đắt thêm 1.000 đồng, lên 13.000 đồng. Bánh mì sandwich bình thường 13.000 đồng nay 15.000 đồng”, chị Thảo, khách hàng quen tại tiệm bánh mì trên đường Cách Mạnh Tháng Tám chia sẻ.
Theo VnExpress