Tối 29 Tết Quý Tỵ, phóng viên có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Tại khu vực kinh doanh trái cây đã bớt tập nập, do lượng hàng về chợ rất ít, chủ yếu là quýt tiều, xoài, vú sữa và mãng cầu. Giá bán sỉ trái cây các loại tăng hơn gấp đôi so với trước đó 4 ngày.
Cụ thể, xoài cát 45.000 - 50.000 đồng/kg, bưởi và mãng cầu (loại 1) 50.000 - 60.000 đồng, quýt tiều 40.000 - 45.000 đồng/kg,… Cá biệt, một số khách hàng có nhu cầu đến chợ mua chừng 3 - 4 cặp bưởi đẹp đã chấp nhận giá bán lên tới 80.000 đồng/kg. Nhiều thương lái cho biết, so với những mùa tết trước, năm nay trái cây được giá.
Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn TP, nhiều khách hàng chỉ mua được một vài loại trái cây loại 2, loại 3 cúng tết cho có lệ, do giá bán đã đội lên rất cao. Cụ thể, tại các chợ Nguyễn Đình Chiểu (Phú Nhuận); Tân Sơn Nhất (Gò Vấp); Văn Thánh, Bà Chiểu (Bình Thạnh),… giá bán xoài cát 80.000 - 90.000 đồng/kg, thanh long 70.000 đồng/kg, mãng cầu 80.000 đồng/kg, bưởi (loại 2) 70.000 đồng/kg, quýt tiều 60.000 đồng/kg, quýt đường 60.000 - 70.000 đồng/kg….
Ảnh minh hoạ
Các mặt hàng đặc sản tết như bánh chưng, bánh tét, mứt tết, giò thủ,… cũng tăng hơn 30% so với bình thường. Các loại thủy hải sản cũng tăng giá từ 20% - 50% tùy loại.
Chưa có năm nào, việc mua sắm các mặt hàng hoa kiểng của người dân TP lại giảm mạnh như năm nay. Vào trưa 29 Tết, các loại hoa vẫn còn tràn ngập tại nhiều chợ hoa, nhiều tuyến đường. Đến chiều 29 Tết, nhiều nhà vườn đã “ngậm đắng, nuốt cay”, bán đổ, bán tháo các loại hoa để kịp đáp chuyến xe chót về nhà đón tết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các loại hoa như cúc, mào gà, vạn thọ, tắc kiểng, đào,… giá bán trong ngày 29 Tết đã giảm khoảng 50% - 90% so với giá bán trước đó 1 - 2 ngày. Riêng mai kiểng, nhiều nhà vườn quyết định không bán, chấp nhận để hoa nở vàng ở các tuyến đường, chờ sau tết mới thuê xe chở về. Trái ngược với hoa chậu, các loại hoa cắt cành vẫn đắt khách, được giá. Tuy nhiên, chất lượng hoa cắt cành không đẹp bằng năm ngoái.
Theo Sở Công thương TPHCM, nguồn hàng tại các chợ đầu mối cung ứng cho thị trường tết năm nay chiếm 40% - 50% thị phần; hàng của các DN bình ổn chiếm 30% - 40%, còn lại là hàng của các DN ngoài chương trình. Sự khác biệt của thị trường tết năm nay, đó là sức mua chỉ thực sự tăng vào 2 ngày cuối cùng của mùa tết và tăng gấp 2 - 4 lần so với bình thường.
Riêng tại hệ thống siêu thị Co.opMart, mặc dù mở cửa phục vụ tới 24 giờ trong ngày 28 Tết nhưng lượng khách chờ tính tiền vẫn còn rất nhiều.
Tại các hệ thống siêu thị khác, sức mua chỉ tăng hơn 10% so với cùng kỳ và tăng khoảng 30%-50% so với ngày thường. Nhiều DN bình ổn cũng cho rằng, sức mua năm nay không tăng và chỉ giữ được mức bằng năm ngoái đã là thành công.
Theo lý giải của nhiều DN, sức mua năm nay tăng chậm là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm, thời gian nghỉ tết kéo dài, công nhân lao động về quê, người dân TP có kế hoạch đi chơi xa nên ít mua sắm dự trữ. Tết năm 2013 cũng cho thấy, hàng Việt tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường với khoảng 90% - 95%.
Nhiều siêu thị, chợ mở cửa từ mùng 2 Tết Tại TPHCM, ngay từ sáng 12-2 (tức mùng 3 Tết), đa số các siêu thị (Co.opMart, Vinatexmart và cửa hàng Vissan) đã mở cửa trở lại và bán đến 11 - 12 giờ trưa. Lượng khách đến mua sắm tương đối đông, chủ yếu mua thực phẩm tươi sống. Hàng hóa dồi dào, đa số là các mặt hàng rau củ quả, trái cây và thực phẩm tươi sống. Riêng mùng 3 Tết, tại hệ thống Co.opMart, lượng thịt gia cầm được tiêu thụ khá mạnh. Các siêu thị cũng đã khởi động các chương trình khuyến mãi đầu năm để kích cầu tiêu dùng. Tại chợ bán lẻ cũng đã mở cửa trở lại. Giá các mặt hàng tương đối ổn định, mặt hàng thịt gia cầm có xu hướng giảm nhẹ, trừ mặt hàng gà ta. |
Theo SGGP