Hiện toàn huyện Sa Pa có khoảng 40 hộ trồng hoa các loại, trong đó chủ yếu là hoa hồng, hoa lan thương phẩm. Số hộ trồng lan rất ít, chỉ có kỹ sư trẻ Lê Văn Vi có vườn lan trị giá trên 1 tỷ đồng, tiếp đến là hộ anh Dương Toàn Thắng (ở thị trấn Sa Pa) và hợp tác xã (HTX) Thanh Xuân.
Ông Phan Thanh Hùng, đại diện HTX Thanh Xuân, chuyên sản xuất và kinh doanh hoa địa lan, cho biết năm nay HTX có 500 chậu hoa địa lan đưa ra thị trường, trong đó xuất cho thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) gần 200 chậu địa lan với giá từ 5 - 30 triệu đồng/chậu, thu về trên 5 tỷ đồng.
Cây địa lan đang giúp cuộc sống của người dân Sa Pa đi lên. Ảnh: news.go.vn |
Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, anh Dương Toàn Thắng xuất bán 60 chậu địa lan, thu về hàng trăm triệu đồng, trong đó có 3 chậu địa lan "trầm mộng" được bán với giá 220 triệu đồng.
Anh Thắng cho biết, các chậu hoa của anh do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên hoa trổ đều và đẹp, giá bán thấp nhất cũng từ 4 triệu tới 40 triệu đồng/chậu. Cá biệt có chậu lan "trầm mộng" có tới 80 nhành hoa bán với giá 60 triệu đồng, nên chỉ tính nguồn thu từ bán hoa cho khách chơi Tết, anh Thắng đã có ngót nghét tiền tỷ.
Ngoài địa lan, hằng năm, Sa Pa còn cung cấp cho thị trường, đặc biệt là Hà Nội vài triệu bông hồng chất lượng cao. Theo ông Lê Đức Luận, Chủ tịch UBND huyện Sa Pa, hoa và các cây dược liệu, rau củ quả ôn đới đang là thế mạnh và mũi nhọn đột phá của Sa Pa hướng tới thị trường trong nước và thế giới.
Tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, nghề trồng hoa hồng, hoa lan đang được Sa Pa quan tâm phát triển góp phần nâng cao đời sống người dân Sa Pa và tạo cho Sa Pa một sản hấp dẫn khách du lịch.
Theo tintuc