Hôm qua, Bộ Lao động Mỹ công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm 27.000 người xuống còn 341.000 người. Mức giảm này vượt xa con số dự báo của giới phân tích. Điều này được xem là tín hiệu tích cực, báo hiệu khả năng tiêu thụ năng lượng tại Mỹ sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những tác động tích cực từ bản báo cáo việc làm của Mỹ nhanh chóng bị lu mờ sau khi Pháp, Đức công bố số liệu GDP không đạt kỳ vọng. Điều này cho thấy nguy cơ nền kinh tế châu Âu bị rơi vào suy thoái đang bị khoét sâu hơn, gây ra những lo lắng về lượng tiêu thụ năng lượng ở châu lục này.
Thêm vào đó, việc đồng USD tăng giá mạnh, trong khi đồng Euro tiếp tục trượt dài, cũng gây thêm sức ép lên thành giá cả các mặt hàng được giao dịch bằng đồng bạc xanh của Mỹ, trong đó có các mặt hàng năng lượng.
Chốt phiên 14/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3 tại sàn hàng hóa New York tăng nhẹ 30 cent, tương ứng 0,3%, lên 97,31 USD/thùng. Tại sàn hàng hóa London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc hợp đồng giao sau tháng 4 cũng tăng nhẹ được 12 cent, lên 118 USD/thùng. Phiên trước, dầu này tăng 13 cent.
Cùng đi lên với dầu thô, tại sàn New York phiên 14/2, giá xăng giao tháng 3 tăng 8 cent, tương ứng 2,7%, lên 3,12 USD/gallon, cao nhất kể từ cuối tháng 9 năm ngoái. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn đứng ở 3,22 USD mỗi gallon, tăng nửa cent, tương ứng với 0,2% so với mức chốt phiên giao dịch ngày 13/2.
Ngược dòng với xu thế chung, giá khí tự nhiên giao tháng 3 bất ngờ giảm mạnh tới 14 cent, tương ứng 4,3%, xuống còn 3,16 USD/ triệu BTU. Đây là mức giá chốt theo ngày thấp nhất kể từ ngày 9/1 của mặt hàng này.
Theo VnEconomy