Ngay từ giữa tháng 4, đã có hàng chục chương trình bán hàng ưu đãi giá được các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại đưa ra với mức đầu tư từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Đáng chú ý là mức khuyến mãi đều vượt “khung 49%” theo quy định của Nhà nước.
Đây chính là cái khó mà doanh nghiệp phải xoay trở, vì nếu giảm giá dưới 49% thì không hấp dẫn khách hàng, còn trên 49% thì phạm luật. Vì vậy có thể thấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khéo léo đưa ra nhiều chương trình để đẩy tổng giá trị khuyến mãi lên cao hơn quy định.
Ảnh minh họa
Với mức đầu tư 130 tỷ đồng cho một tháng, giảm giá đến 49% cho 8.000 mặt hàng, cùng các chương trình quà tặng, hệ thống Co.opmart đang mạnh tay khuyến mãi nhiều hơn các đơn vị khác để kéo khách. Thế nhưng, 49% chỉ là mức giảm giá công bố, nếu cộng đầy đủ thì giá trị khuyến mãi vượt trên 50%, bởi khách hàng còn được tặng thêm chiết khấu ưu đãi 2-3%/tổng số tiền mua sắm, khách có thẻ thành viên được mua hàng với giá ưu đãi cao hơn, hàng giảm giá còn có quà tặng kèm…
Tương tự, ở hệ thống siêu thị Citimart, ngoài mức giảm giá đến 49%, khách hàng đăng ký làm thành viên còn được chiết khấu thêm 3-5% hoặc 6-10% tùy ngày mua hàng. Ở hệ thống Big C, ngoài mức giảm giá 45%, khách hàng thành viên còn có thể tích lũy 10% vào tài khoản thẻ mua hàng Big Xu.
Ở các trung tâm thương mại như Vincom, từ 20 - 30/4, ngoài mức giá giảm tại từng quầy hàng với mức 10-50%, khách hàng mua sắm, ăn uống, sử dụng dịch vụ với mỗi hóa đơn từ một triệu đồng trở lên trong ngày sẽ được bốc thăm “100% trúng thưởng” với phần thưởng là các phiếu mua hàng lên đến hai triệu đồng/phiếu.
Khách có thể cộng gộp nhiều phiếu quà tặng để thanh toán cho các lần mua sắm tiếp theo. Ở trung tâm thương mại Zen Plaza, khi khách mua hàng đã được giảm giá đến 50%, thì với hóa đơn một triệu đồng, khách còn được nhận quà tặng riêng của trung tâm như quà tặng thiết kế, phiếu mua hàng…
Các cửa hàng bán lẻ trên đường phố cũng có nhiều cách lách quy định 49% khác nhau: sau khi giảm giá đến 49% sẽ tặng thêm quà (hoặc phiếu mua hàng) cho khách; giảm giá 49% và tặng thêm chiết khấu 2-10%, bán hàng đồng giá, giảm giá 30% và áp dụng thêm mua một tặng một; nhà sản xuất giảm giá 30% và nhà phân phối tài trợ giá 30%...
Tuy đã có nhiều chương trình kích cầu, nhưng chính doanh nghiệp không lạc quan về sức mua sắp tới, nhiều doanh nghiệp cho rằng, doanh số tăng 20-30% so với ngày thường đã là may.
Đối với ngành du lịch hiện nay, tình trạng nhiều tour “hết chỗ” không phải vì lượng khách gia tăng, mà ngược lại, số khách giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm du lịch nên các doanh nghiệp lữ hành cũng đã tự giảm số tour.
Theo Công ty du lịch Vietravel, mặc dù lượng khách đi nghỉ trong dịp này không bằng những năm trước, song hầu hết các tour đã bán hết, trong đó, chủ yếu là các tour hàng không. Nếu có ý định mua tour vào thời điểm này, du khách chỉ có thể lựa chọn một vài tour ngắn ngày bằng đường bộ.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ cho rằng, dịp 30/4 - 1/5 năm nay, tour đường bộ hút khách hơn tour hàng không, đặc biệt là tour Campuchia, do giá dịch vụ, khách sạn trong nước tăng quá cao.
Ngoài ra, trong dịp này, các hãng lữ hành không được hỗ trợ vé máy bay kích cầu nên giá tour hàng không một số tuyến bị đẩy lên khá cao, khiến nhiều tour bị ế như tour Đà Nẵng, Huế và nhiều tour phía Bắc.
Ông Dũng lý giải, sở dĩ nhiều tour trong nước bị tour Campuchia lấn át là vì giá cũng như chất lượng quá chênh lệch. Thực tế, giá tour Campuchia hiện chỉ ngang bằng tour đi Nha Trang, còn nếu so với Đà Nẵng, Huế chỉ bằng một nửa và bằng 1/3 nếu so với nhiều tour phía Bắc. Điều này khiến phần lớn khách Việt Nam đổ xô sang Campuchia thay vì đi du lịch trong nước.
Theo PNO