TP.HCM: Nhiều mặt hàng tăng giá bất hợp lý

Chủ nhật, 28/04/2013, 09:03
Theo ghi nhận của Phóng viên Đài THVN, việc tăng giá nhiều mặt hàng gia dụng và hàng thiết yếu tại TP.HCM có dấu hiệu bất hợp lý.

Dù thời tiết nắng nóng thất thường nhưng HTX rau an toàn Phước An khẳng định, nguồn rau xanh cung cấp cho người tiêu dùng thành phố vẫn ổn định. Giá các loại rau mà HTX này cung ứng cho thị trường không hề tăng lên.

Ông Trần Văn Thích, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Phước An, TP.HCM cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi cung ứng khoảng 4 tấn cho thị trường và nắng nóng không ảnh hưởng đến giá bán”. 

Khác với sự khẳng định của nhà cung cấp là nguồn rau vẫn ổn định, theo ghi nhận của phóng viên, rau xanh tại các chợ truyền thống hiện đã tăng lên từ 5% - 10% so với trước đây. Và không chỉ có mặt hàng rau xanh, giá các mặt hàng thiết yếu khác như trứng gia cầm cũng tăng lên từ 6.000 – 7.000 đồng/chục.

Ảnh minh họa

Lấy nguồn cung từ các huyện ngoại thành TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… nhưng các tiểu thương bán rau xanh tại các chợ truyền thống cho biết, nguồn cung đang thiếu và giá “nhảy múa” mỗi ngày.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Tiểu thương chợ Tân Định cho biết: “Nhà vườn tăng nên mình phải bán tăng theo giá. Mỗi ngày một giá nên thay đổi bảng giá liên tục”.

Trong khi đó, tại các chợ đầu mối như Bình Điền, nông sản Thủ Đức hàng hóa vẫn dồi dào. Lượng hàng về chợ trung bình hơn 3.000 tấn mỗi đêm, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Ban quản lý các chợ đầu mối này cũng khẳng định, giá cả ổn định và không có chuyện tăng giá do tác động bởi giá xăng dầu hay do thời tiết khô hạn. Ngược lại, những mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá giảm nhẹ như cà chua, dưa leo, bắp cải…

Nếu tại chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu đang “nhảy múa”, thì tại các siêu thị, mặt hàng nhựa, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, hóa phẩm, thực phẩm chế biến...lại đồng loạt nhận được thông báo tăng giá từ 5% - 10% của các nhà cung cấp. Lý do không có gì đặc biệt ngoài việc đưa ra giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng cao nên phải tăng giá.

Với lý do này, rất nhiều nhà cung cấp đã bị các siêu thị như Co.op mark, citimark… từ chối mức điều chỉnh giá. Các hệ thống bán lẻ này cho rằng, với các ngành vận tải chi phí xăng dầu có thể chiếm 30% - 40%, còn lại các ngành khác chi phí xăng dầu chỉ chiếm 1% giá thành sản phẩm nên nếu đưa đây là lý do tăng giá là bất hợp lý.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Co.op mark cho biết: “Chúng tôi đang kiểm tra và ngồi lại cùng các nhà cung cấp để giải quyết, nếu không có những lý do thuyết phục thì chúng tôi sẽ không chấp nhận tăng giá".

Riêng đối với mặt hàng trứng gia cầm, người tiêu dùng lo ngại đang có tình trạng ”té nước theo mưa”. Sau khi có đề xuất, tăng giá của một số đơn vị bình ổn về mặt hàng này lên 10% do tình hình dịch bệnh, nông dân không tái đàn, nắng nóng làm hạn chế sản xuất trứng.

Giá trứng gia cầm trên thị trường ngay sau đó cũng được điều chỉnh tăng lên khá cao, trứng vịt trung bình 37.000 đồng/chục và trứng gà là 27.000 đồng/chục cao hơn giá hàng bình ổn từ 5.000 – 6.000 đồng.

Theo VTV

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn