Nếu không dùng trong thời gian dài, người dùng nên chuyển sim từ thuê bao trả trước sang trả sau. |
Sở hữu sim thuê bao 091xxx5679 của mạng Vinaphone, anh Quốc Bình (ở Gò Vấp, TP.HCM) suýt mất số vì hơn một tháng không sử dụng. Anh cho biết đã đăng ký chính chủ thuê bao và dùng được gần 2 năm. "Mấy tháng trước tôi tháo sim để đưa điện thoại cho vợ, sau đó cô ấy làm mất nên cũng không còn máy để lắp sim trong khoảng một tháng", anh cho biết. Đến khoảng đầu tháng 4, anh Bình mở sim trở lại thì được thông báo thuê bao bị hủy từ ngày 2/4 và khách hàng có 15 ngày để phục hồi số.
Chủ thuê bao sau đó đã mang giấy tờ đến trung tâm chăm sóc khách hàng để làm thủ tục cấp lại số thì nhân viên cho hay không thể phục hồi được vì mất số serial. Đây là dãy số nhỏ in ở mặt sau của thẻ sim, được nhà cung cấp (nhà mạng) dùng để xác minh và giải quyết khi có sự cố về sim. Lý do mất số serial anh Bình đưa ra là đã tự cắt sim sang chuẩn nhỏ hơn để lắp vào máy iPhone 4S. "Biết vậy nên tôi đã nhờ trung tâm kiểm tra thuê bao đăng ký thì nhân viên nói thông tin đã bị xóa", anh nói.
Để khẳng định thuê bao là của mình, khách hàng cũng đưa các giấy từ như chứng minh thư, xác sim, danh sách liên lạc gần nhất, thậm chí cả hợp đồng có sử dụng số điện thoại này cho nhân viên.
Theo nhân viên một nhà mạng, thẻ sim mất serial nhưng nếu người chủ chứng minh được quyền sở hữu và chưa đến hạn thu hồi số (15 ngày sau khi thông báo hủy) thì vẫn có thể phục hồi, nhất là khi đang cầm sim gốc vì thông tin chủ thuê bao còn lưu trên hệ thống.
Không may mắn như anh Bình, chị Nguyễn Thu Huyền (Từ Liêm, Hà Nội) đã mất cặp số kỷ niệm vì không sử dụng một thời gian dài. Chị kể, chồng sắp cưới đã tặng đôi sim vào ngày sinh nhật chị: "Tuy không phải là số quá đẹp nhưng để đúng ý nghĩa, anh đã phải đầu tư cả tháng tìm kiếm và không dưới 5 triệu đồng". Hai người định đúng ngày cưới mới đi đăng ký vì người bán nói sim nguyên bộ nên để đến bao giờ cũng được.
Tuy nhiên, sau khi đi đăng ký kết hôn, chị kích hoạt, lắp vào máy thì sim không sử dụng được. Liên hệ với tổng đài, chị Huyền được giải thích, do sim đã ra khỏi kho nhưng không có thông tin đăng ký của khách hàng. Sau đợt thanh tra, nhà mạng đã nhắn tin yêu cầu thuê bao ra đăng ký lại. Song, có thể do không sử dụng nên chị Huyền không nhận được thông báo trên và quá thời hạn quy định, sim bị thu hồi.
Trao đổi với PV, đại diện Vinaphone cho hay, trường hợp anh Quốc Bình đã để đến ngày cuối cùng của thời hạn mới đến làm việc tại trung tâm chăm sóc. "Theo quy trình khôi phục thuê bao, giao dịch viên đã giải thích nguyên nhân bị hủy số và từ chối phục hồi", đại diện bộ phận Giải quyết khiếu nại của Vinaphone nói và cho biết thêm quá trình xử lý của nhân viên đúng với quy định. Sau khi liên hệ và xác minh thêm thông tin, Vinaphone cho biết đã làm lại số cho khách hàng.
Đại diện nhà mạng cũng khuyến cáo khách hàng cần lưu ý thời gian sử dụng của số thuê bao, nhất là với các trường hợp số đẹp phải đăng ký ngay chính chủ để tránh phát sinh tranh chấp không đáng có về sau. Đối với việc cất giữ quá lâu (như của chị Huyền) sim mới đăng ký mà không phát sinh cước trong 24h đầu tiên đều có nguy cơ bị thu hồi theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Riêng với trường hợp sim chưa kích hoạt, đại diện của một nhà mạng khác cho hay, nếu để quá lâu không hoạt động, sim cũng có thể bị thu hồi để tránh tình trạng đầu cơ, gom số. Ngoài ra, khi thanh tra phát hiện thấy thông tin thuê bao khống hoặc sai lệch với thực tế, nhà mạng sẽ nhắn tin để khách hàng sửa đổi và đăng ký lại. Quá thời hạn quy định mà người dùng không thực hiện, sim đó cũng có khả năng bị thu hồi.
Theo đại diện của VinaPhone, nếu khách hàng không thường xuyên sử dụng thì nên chuyển sim di động sang hợp đồng trả sau. Hàng tháng, nhân viên nhà mạng sẽ đến thu cước thuê bao, người dùng chỉ cần đóng phí đầy đủ sẽ không lo mất sim.
Theo VnExpress