Nếu bạn muốn biết Trung Quốc đang tấn công thế giới như thế nào, hãy nhìn vào thị trường smartphone, nơi mức độ cạnh tranh được xem là khốc liệt nhất trong các ngành công nghiệp sáng tạo cao.
Samsung và Apple đang thống trị cả thế giới về thị phần nhưng tại Trung Quốc, họ bị đánh bật bởi các nhà sản xuất nội địa. Hiện tại, các hãng sản xuất Trung Quốc đang xuất khẩu ngày càng nhiều điện thoại trong một cuộc chiến được xem là định hình lại thị trường di động thế giới.
3 hãng sản xuất Trung Quốc chỉ đứng sau Samsung và Apple về lượng smartphone bán ra trong quý II/2014. |
Các hãng sản xuất Trung Quốc đang có một bệ phóng chắc chắn để tiến ra thế giới, đó là thị trường nội địa. Hơn 100 triệu smartphone được bán tại Trung Quốc trong quý II vừa qua, chiếm hơn 1/3 doanh số toàn cầu, biến Trung Quốc thành thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
8 trong tổng số 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Trung Quốc đến từ trong nước. Xiaomi - một startup (công ty khởi nghiệp) chuyên bán hàng online đã vượt mặt Samsung để trở thành nhà sản xuất lớn nhất tại Trung Quốc với 15,4 triệu máy bán ra. Hãng này dự kiến sẽ bán 60 triệu máy trong năm 2014 và 100 triệu máy trong năm 2015.
Sự phát triển mạnh mẽ của các dòng smartphone giá rẻ đã tạo ra thời cơ vàng cho hãng sản xuất Trung Quốc, nơi nhiều người dùng vẫn đang sử dụng điện thoại phổ thông. Tuy nhiên, tham vọng của các hãng này không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa.
Xiaomi vừa ra mắt tại Ấn Độ hồi tháng 7. Họ cũng đã có mặt tại một số thị trường Đông Nam Á và sắp tiến sang Brazil. Mặc dù chưa chính thức bán ra tại Mỹ, người ta phát hiện ra đã có khoảng một triệu máy Xiaomi xuất hiện tại nước này. Do người nước ngoài khó có thể phát âm được tên Xiaomi chính xác, nên hãng này đã thâu tóm thêm cả tên miền mi.com với mục đích đổi tên thương hiệu thành “Mi”.
Mi4 - mẫu smartphone mới nhất của Xiaomi. |
Một hãng sản xuất Trung Quốc khác đang nổi như cồn thời gian gần đây là One Plus. Các chuyên gia công nghệ đã phải mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến sản phẩm đầu tiên của hãng này (One Plus One) với hiệu năng hàng đầu, đi kèm mức giá chỉ 300 USD, bằng 1/2 so với iPhone.
Carl Pei - Giám đốc của One Plus - cho biết, họ sinh ra đã là “một công ty quốc tế”, khác hẳn những người đồng hương đến từ Trung Quốc khác. Ra mắt từ cuối năm 2013, One Plus đã nhắm đến 16 thị trường, trong đó có những thị trường nhiều thử thách như Mỹ và Anh.
Một cái tên cần nhắc đến nữa là Huawei. Công ty này từng chuyên những thiết bị “không nhãn mác” cho nhà mạng để họ phát hành tại nước của mình. Tuy nhiên, hiện tại Huawei đang khá chú trọng đến việc phát triển thương hiệu smartphone dòng Ascend và Honor. Lenovo, trong khi đó, đã chi 2,9 tỷ USD để mua Motorola Mobility và theo một số tin đồn gần đây, họ còn định thâu tóm cả BlackBerry.
Ở thời điểm hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất của các hãng điện thoại Trung Quốc khi tiến ra thị trường quốc tế là cuộc chiến về bản quyền. Những hãng sản xuất như Xiaomi từng dính phải rất nhiều chỉ trích về việc mô phỏng từ thiết kế đến tính năng của các sản phẩm từ Apple.
Tuy nhiên, người ta tin rằng với chính sách nhân sự khôn khéo của mình, chẳng hạn như việc Xiaomi bỏ ra cả núi tiền để mời Hugo Barra – nhân sự cao cấp của Google, họ có thể tránh được những phiền toái không đáng có để cạnh tranh một cách sòng phẳng với các ông lớn khác.
Thị trường di động trong một vài năm tới sẽ rất thú vị với sự bành trướng của các hãng điện thoại Trung Quốc - đó là điều được nhiều chuyên gia công nghệ dự đoán.
Theo Zing