Điểm khác biệt giữa Android và iOS không chỉ là cấu hình phần cứng mà còn là cấu trúc xây dựng giữa hai phiên bản di động - Ảnh chụp màn hình PhoneArena |
Thậm chí, các mẫu smartphone cao cấp Android hiện nay đều được trang bị bộ nhớ RAM 3 GB, còn mẫu iPhone 6 của Apple hiện nay vẫn chỉ sử dụng bộ nhớ RAM 1 GB. Điều đáng ngạc nhiên, khi chạy ứng dụng thì người dùng vẫn không cảm thấy sự khác biệt giữa hai dòng máy, thậm chí theo đánh giá iOS mặc dù dùng RAM ít hơn những vẫn chạy ổn định hơn.
Theo PhoneArena, đây cũng là câu hỏi được trang web Quora đưa ra, nhằm tìm được câu giải đáp từ những chuyên gia công nghệ. Sau một thời gian ghi nhận từ hơn 2.600 người, chuyên gia Glyn Williams có bài phân tích, dường như đây là một lời giải đáp hợp lý nhất.
Glyn Williams cho rằng, Android cần nhiều bộ nhớ RAM là do nền tảng này sử dụng Java để xử lý tác dụng, nền tảng này đã sử dụng thu dọn rác (garbage collectors) nhằm tối ưu hóa, thu hồi lại bộ nhớ sau khi các ứng dụng đã sử dụng nó. Điều này sẽ giúp cho Android chạy ổn định hơn, nhưng phương pháp này có một nhược điểm là cần bộ nhớ RAM càng nhiều càng tốt.
Qua phân tích, Android sẽ phải cần dung lượng bộ nhớ cao gấp 4 đến 8 lần so với dung lượng thực tế cần sử dụng trên máy. Vì thế, nếu bộ nhớ RAM thấp thì Android sẽ chạy "ì ạch" hơn.
Trong khi đó, trên iOS thì Apple thiết kế theo dạng bộ nhớ RAM chỉ để phục vụ cho đúng mức cần thiết để dùng trên iOS và chạy ứng dụng, không cần phải dùng RAM để thực hiện việc dọn rác như Android. Do đó, Apple chỉ cần trang bị đúng dung lượng RAM cần thiết trên máy là được.
Vì thế, nếu so sánh cấu hình giữa một chiếc iPhone và một chiếc smartphone Android và cho rằng thiết bị nào sẽ "mạnh" hơn chưa hẳn là sự so sánh chính xác. Điểm quan trọng là do cấu trúc thiết kế giữa hai nền tảng này là khác nhau.
Theo Thanh Niên