Một chiếc smartphone M9 của HTC - Ảnh: Bloomberg. |
Cú sụt giá cổ phiếu 60% từ đầu năm đến nay đã đẩy giá trị vốn hóa thị trường của nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) Đài Loan HTC xuống dưới mức số tiền mặt mà hãng có trong tay. Điều này đồng nghĩa với việc giới đầu tư đang xem thương hiệu, các nhà máy và tòa nhà văn phòng của HTC là “vô giá trị”.
Theo hãng tin Bloomberg, giá trị vốn hóa của HTC hiện ở mức 47 tỷ Đài tệ, tương đương 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, ở thời điểm cuối tháng 6, HTC có trong tay 47,2 tỷ Đài tệ tiền mặt.
Trong phiên giao dịch sáng nay (10/8), giá cổ phiếu của HTC có thời điểm sụt 9,8% - một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư xem phần còn lại của công ty này, ngoài tiền mặt, không có một giá trị gì.
“Tiền mặt của HTC là tài sản có giá trị duy nhất đối với các cổ đông”, ông Calvin Huang thuộc công ty Sinopac Financial Holdings ở Đài Bắc nhận xét. “Hầu hết các tài sản khác đều không có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư vì sắp tới, công ty sẽ phải đánh tụt giá trị của nhiều tài sản nữa và thương hiệ HTC cũng không còn giá trị”.
Giá trị vốn hóa của HTC đã lao dốc từ mức hơn 900 tỷ Đài tệ vào năm 2011, phản ánh thất bại của hãng này về mặt sản phẩm và chiến lược marketing trong cuộc cạnh tranh khốc liệu với những đối thủ như Samsung của Hàn Quốc hay Huawei của Trung Quốc.
Từng là thương hiệu smartphone bán chạy nhất ở Mỹ, thất bại của HTC ở các dòng sản phẩm One, Butterfly và Desire đã đẩy doanh số của hãng sụt thảm hại. Hãng này hiện không còn có mặt trong top 10 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới, mà thay vào đó danh sách đã nằm dưới sự thống trị của các thương hiệu Trung Quốc.
HTC dự báo doanh số quý 3 của hãng có thể giảm tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ quý 3/2011 tới nay, doanh số của hãng đã giảm hơn 75%.
Để đảo ngược sự sụt giảm doanh số, HTC dự kiến sễ cắt giảm chi phí và tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp với mức lợi nhuận cao hơn. Giới phân tích hoan nghênh chiến lược này của HTC, nhưng cho rằng sẽ phải mất một thời gian nữa hãng mới có thể tìm lại được lợi nhuận.
Theo VnEconomy