Apple trả tiền để bị hack

Thứ sáu, 05/08/2016, 09:05
Lần đầu tiên, Apple chấp nhận trả tối đa 200.000 USD cho hacker - người tìm ra lỗ hổng bảo mật trên hệ thống của họ.

Một lỗi bảo mật trên hệ thống của Apple đáng giá bao nhiêu? Không ai từng trả lời được câu hỏi này bởi Apple không trả tiền cho những người phát hiện ra lỗi bảo mật của công ty.

Tuy nhiên, điều này đã thay đổi. Trưởng bộ phận bảo mật của Apple Ivan Krstic vừa công bố, công ty sẽ trả tiền cho những người phát hiện ra lỗi bảo mật trên các phần mềm của Apple.

Chương trình phát hiện lỗi bảo mật của Apple sẽ khởi chạy vào tháng 9.

"Chúng tôi vui mừng thông báo chương trình phát hiện lỗi bảo mật của Apple", Krstic nói trong hội nghị bảo mật Mũ Đen tại Las Vegas.

Các chương trình phát hiện lỗi bảo mật là thứ gì đó không xa lạ với các công ty phần mềm, Interentet lớn, bao gồm Microsoft, Yahoo hay công ty phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống máy tính như Chrysler hay United Airlines.

Chẳng hạn, Google cho biết họ trả tổng cộng 550.000 USD cho những người phát hiện ra lỗi bảo mật trên Android trong năm ngoái. Hồi tháng 2, Facebook công bố chương trình phát hiện lỗi bảo mật tiêu tốn của họ 4,3 triệu USD trong 5 năm qua.

Từ trước đến nay, Apple được biết đến như một công ty có hệ thống bảo mật cực tốt. Do đó, việc tìm ra các lỗi bảo mật liên quan đến hệ thống của họ mang đến danh tiếng cho hacker hoặc nhà nghiên cứu bảo mật.

Tuy nhiên, không phải ai khi tìm ra lỗi bảo mật của Apple cũng sẽ công bố công khai. Một số chọn cách bán thông tin (xâm nhập hệ thống Apple) cho chính phủ hoặc các tổ chức hacker. Chương trình phát hiện lỗi bảo mật vừa công bố có thể khiến những người này suy nghĩ lại.

Apple cho biết, mục đích của chương trình này là nhằm tìm hiểu xem việc xâm nhập vào hệ thống bảo mật của họ khó đến đâu. Nhờ đó, công ty sẽ thắt chặt hệ thống bảo mật với hệ sinh thái của mình.

Khoản tiền trả cho hacker hoặc nhà nghiên cứu bảo mật phụ thuộc vào lỗi mà họ tìm ra. Nó mở cửa cho tất cả mọi người, Apple cho hay. Số tiền tối đa họ chấp nhận trả có thể lên đến 200.000 USD, theo Cnet.

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích