Social Power: Mạng xã hội thay đổi cả thế giới

Thứ tư, 31/08/2016, 16:45
Anh Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị và hữu ích về những tác động của mạng xã hội tới cuộc sống của chúng ta. Một góc nhìn nhiều kiến thức và hóm hỉnh của Chủ tịch FPT Software.

Dưới góc độ của một người làm công nghệ, anh thấy sức mạnh của mạng xã hội tác động thế nào đến cuộc sống?

Đếm lần lượt nhé! Bây giờ người ta xếp thứ tự các quyền như sau: Chính quyền (các cơ quan lập pháp, hành và tư pháp),  thần quyền (quyền lực của đức tin, tôn giáo), quyền lực của tiền bạc, quyền lực thứ tư là quyền lực của báo chí (từ ngày có internet thì quyền lực này lớn hơn và nhờ có internet thì công chúng tiếp cận mọi thứ dễ hơn). Bây giờ, cả thế giới đang nói đến quyền lực thứ 5, chính là Social power - quyền lực của mạng xã hội. Báo chí trước giờ đều có quyền lực rất cao dù không thành văn bản. Ở Mĩ, một phóng viên nổi tiếng có thể làm lung lay cả tổng thống. Một tờ báo mạnh có thể làm tổng thống mất chức như tờ The Washington Post (WP), ví dụ thế. Dường như cái gọi là sức mạnh đó xuất phát từ một vài người - rất ít người, thậm chí là một người.

Thế thì Social Network, Social Power đã làm thay đổi hoàn toàn câu chuyện ấy. Giờ ai cũng có quyền, kể cả một bạn trẻ, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học nhưng nếu bạn ấy là người sắc sảo, thậm chí là không cần sắc sảo lắm nhưng giỏi internet đi search những chủ đề đang hot hoặc những câu nói hay, những  điều sâu sắc do người khác nghĩ ra hoặc là những điều rất là đặc biệt do một người khác nói ra xong mang về áp vào đúng vấn đề  trendy tức là đang là xu hướng của xã hội thì có thể thu hút sự quan tâm của đám đông. Và cũng giống như  tất cả các loại quyền lực khác, nó làm mờ mắt người làm ra điều đấy. Giống như ông vua ngày xưa, có thể trở thành hôn quân bởi vì ông ta nghĩ là cái gì mình nói cũng được, cái gì mình nói là làm được. Bây giờ cũng có rất nhiều những cá nhân như vậy.

Điều rất đáng buồn khi quan sát trên mạng xã hội, đặc biệt là nhấn mạnh đến Facebook thấy có rất nhiều trí thức, thực sự là những người được ăn học rất cẩn thận, đọc sâu hiểu rộng, viết nói đều sâu sắc, thay vì hàng ngày phải đi làm việc, để nghiên cứu, để lao động, để đóng góp cho xã hội, nhưng lại dành phần lớn thời gian chỉ để online Facebook. Họ sử dụng toàn bộ hiểu biết của mình, khả năng nghiên cứu, khả năng trích dẫn, cả ngoại ngữ nữa, để đi tranh cãi với nhau và với những người khác. Tôi thấy thực sự không hiểu vì sao những ông này rảnh rỗi đến mức hàng ngày bỏ đến 3, 4 tiếng đồng hồ làm những việc đấy.

Trí thức mà còn như thế, một đám đông như vậy thì lấy ai lao động? Và tại sao những người họ có tri thức như vậy thì họ phải hiểu được phần lớn thời gian phải dành cho lao động mới đúng. Nếu mà rảnh thì nên dành thời gian chăm sóc gia đình, nói chuyện với vợ con, chia sẻ với mọi người chứ không phải dành thời gian làm việc như vậy. Điều đấy nó kinh khủng quá, bởi vì sao? Cái Power - quyền lực, cụ thể là quyền lực trong mạng xã hội đã làm thay đổi tất cả.

Theo anh lý do là vì sao?

Có rất nhiều người trí thức, sâu sắc, hiểu biết khi nói thì đôi khi chỉ có vài người nghe, thỉnh thoảng 1 vài tờ báo phỏng vấn. Thậm chí vì nhiều lý do tế nhị sẽ không được đăng bài nào. Thì bây giờ họ tìm ra được một công cụ khác để đưa thông tin đến với những người xung quanh. Thậm chí có rất nhiều doanh nhân tự cho mình là người trải nghiệm, trải đời nhiều, tự cho mình là biết nhiều, mà đúng thế thật, mà lại còn hay đọc nữa, cũng rơi vào vòng xoáy đó. Thay vì dành thời gian để suy nghĩ tạo dựng, xây dựng doanh nghiệp, tạo dựng sản phẩm, đấu tranh trên thi trường, lại dành hàng tiếng đồng hồ cho mạng xã hội. Nhiều doanh nhân trẻ nói với tôi họ làm thế  bởi sự cố gắng hàng chục năm xây dựng một doanh nghiệp cũng chẳng mấy ai biết, thỉnh thoảng được báo chí nhắc vài câu, bây giờ chuyện đó đã thay đổi nhờ mạng xã hội.

Vậy nên cũng dễ hiểu vì sao những cô bé, cậu bé cũng dành rất nhiều thời gian cho mạng xã hội. Còn những người không có năng lực liên quan đến viết, liên quan đến nhận xét, liên quan đến đánh giá thì bắt đầu sử dụng những năng lực mà họ nghĩ là họ có. Ví dụ thôi nhé, một cô gái xinh đẹp chẳng may mà có vòng 1 hơn người thường, thì cô ấy sử dụng đúng  sức mạnh của mình.

Đó là góc nhìn xã hội, còn góc nhìn từ phía những người làm công nghệ thì sao?

Chúng tôi có làm 1 số nghiên cứu trên mạng xã hội bằng công cụ Big data. Khi phân tích như vậy đã phát hiện ra những xu hướng (trend) ở trong xã hội, kể cả câu từ, lời nói. Như các bạn đều biết là công cụ Google thường xuyên có các báo cáo là từ nào đang phổ biến nhất, vấn đề gì đang được nói nhiều nhất ở VN... Nắm bắt được những điều đó rất hay và đầu tiên là có lợi. Chúng ta biết được xu hướng xã hội, biết được xu hướng của người sử dụng nói chung để có thể đưa những sản phẩm, những ý tưởng phù hợp thậm chí là cách tiếp cận khách hàng cũng khác hẳn. Thậm chí cả những điều mà phần lớn đám đông, phần lớn khách hàng, chưa nghĩ ra, chưa nghĩ là mình bị tác động thì chúng tôi đã dự đoán được rồi, thấy được xu hướng đó rồi.

Rất nhiều các dịch vụ mới đã xuất hiện nhờ việc sử dụng phân tích dữ liệu ấy. Ngược lại, khi phân tích các dữ liệu lớn thì mới phát hiện ra một số điều là bất kể là các bạn rất trẻ, các bạn trẻ, các bạn trí thức, các bạn doanh nhân, thì thấy phần lớn thời gian trên mạng xã hội là vào những việc vô bổ. À không, có bổ, bổ với người ta (cười) nhưng mà nói thật sự là không nhiều tác động lắm đến xã hội. Có một cảnh báo từ dân công nghệ nhé: Dần dần Google và Facebook, sẽ biết về bạn còn rõ hơn chính bạn. Tôi đảm bảo là FB nếu muốn có thể biết về tình cảm cá nhân của bạn, quan hệ cá nhân của bạn nhiều hơn bất kỳ ai nhiều khi kể cả chính bạn.

Sức mạnh mạng xã hội lớn và lan truyền nhanh chóng đến thế, mà lại có cả những tác động tiêu cực như vậy, những người làm công nghệ sẽ phải có cái gì đó, một hành động gì đó chứ?

Khi nói đến mạng xã hội, người ta thấy rõ một điều: Báo chí hay vỗ ngực là người biết thông tin đầu tiên, giờ này không còn nữa rồi. Tất cả mọi người có thể là người đầu tiên biết. Giờ đây, mỗi một quan chức hoặc một tổ chức muốn nói điều gì, muốn quyết định điều gì cũng phải vô cùng thận trọng. Bởi vì khác với ngày xưa, sự phản biện những điều ấy chỉ xuất phát từ vài người có quyền nói, từ một vài tờ báo dám nói thì giờ này có thể tất cả mọi người đều nói. Và đừng có nói rằng đấy là một đám đông hỗn loạn. Ví dụ như là có một quyển sách rất hay mà tôi nghĩ những người quản lý đều nên đọc là Trí Tuệ Đám Đông và quyển thứ 2 cũng rất hay - Tâm Lý Đám Đông. Trí Tuệ Đám Đông khẳng định là bao giờ trí tuệ đám đông cũng thông minh hơn một người. Nhưng mà Tâm Lý Đám Đông chỉ ra rằng, đám đông rất dễ bị kích động, dễ cuốn theo.

Công nghệ góp rất nhiều điều có ích trong xã hội. Từ chuyện làm cho xã hội tốt hơn, làm cho những phản biện trong xã hội mạnh mẽ hơn, làm cho tiếng nói của mỗi người dân dù nhỏ bé nhất đều được quan tâm hơn. Và dường như là mọi người tốt với nhau hơn. Tôi ví dụ như là tôi thích vào otofun, tôi không quan tâm lắm đến xe cộ đẹp, tôi không quan tâm đến tai nạn, tôi thích những câu chuyện chia sẻ (share) về lòng tốt như mọi người giúp đỡ nhau ở trên đường. Ví dụ như là tự nhiên hỏng cái xe không nổ máy được, tự nhiên có một xe khác đỗ lại thế là đấu điện giúp cho, hay một câu chuyện một cô gái đang loay hoay thay cái bánh xe bị hỏng thì đến 3 xe đỗ xung quanh, 6 chàng trai bước xuống chỉ thay hộ cái bánh xe, ví dụ thế. Và thay vì 6 chàng cạnh tranh lẫn nhau thì lại vô cùng đoàn kết bởi vì 6 bạn cũng không biết thay bánh xe bằng cách nào. Xong rồi lập tức post lên Fb, tất cả mọi người dù không đến giúp được nhưng vẫn hướng dẫn cách.

Ý của tôi là với những người được đào tạo và giỏi về công nghệ cũng như tâm lý đám đông như anh thì có cách nào để hạn chế bớt hoặc kiểu như kiểm soát sự bùng phát đôi khi tiêu cực trên mạng xã hội?

Tôi khẳng định không kiểm soát được. Việc kiểm soát là việc vô nghĩa, dùng công cụ để kiểm soát lại càng vô nghĩa trong cái xã hội này. Phải đặt vấn đề như này, mỗi một cá nhân đều là những người thông minh sau những lúc ngờ nghệch ban đầu, sau những lúc bị kích động ban đầu thì dần dần người ta sẽ chọn những người mà người ta mong muốn để được follow, để được lắng nghe. Và uy tín của một số người cũng sẽ thay đổi và đấy là cái vận động lành mạnh. Một trong những chuyện đầu tiên phản đối đó là chuyện kiểm soát, bất kể bằng cách nào, đặc biệt là việc lợi dụng công nghệ để kiểm soát. Xã hội lành mạnh và mọi người sẽ định hướng lại. Ví dụ như bây giờ em có 5000 bạn bè (friends), sau một thời gian bồng bột ban đầu dần dần em cũng sẽ xóa bớt, cỡ độ 200 là cùng. Hồi đầu có thể em follow rất nhiều người, nhưng về sau em chỉ follow một số người thì FB của em sẽ lành mạnh hơn rất nhiều.

Với cá nhân anh thì anh sử dụng FB bao nhiêu tiếng 1 ngày?

Tôi thì hơi khác, chúng tôi chắc là một trong những công ty đầu tiên ở Việt Nam sử dụng Facebook At Work và bây giờ thì có khoảng 25 ngàn trong tổng số 28 ngàn nhân viên của FPT là đều có mặt trên FB. Chúng tôi lập ra hàng trăm các group để làm việc khác nhau. Và từ ngày có FB thì thấy rõ ràng điều mà chúng tôi nói với nhau là “No email, no phone number” trở thành hiện thực. Có rất nhiều vấn đề trong công việc, trong kinh doanh không làm được chuyện này thì Facebook At Work là một bản dành cho doanh nghiệp đã giúp chúng tôi rất nhiều. Mọi khi gửi email thì phản hồi các cấp, kể cả cấp trên hay cấp dưới rất là lâu, thì bây giờ phản hồi là gần như ngay lập tức. Thế nên câu hỏi dùng bao nhiêu tiếng 1 ngày là rất khó trả lời bởi vì Facebook At Work chúng tôi lúc nào cũng để online.

Nhưng mạng xã hội đôi khi tạo ra luồng ý kiến mang tính tiêu cực tác động xấu đến xã hội thì sao?

Tại vì em toàn nghĩ chuyện xấu, ai bảo là một quan chức hay một nhà báo sẽ phát biểu đúng hơn một người trẻ? Tôi nghi ngờ chuyện đấy, sẽ có nhiều ý kiến trái chiều nhau và khái niệm gọi là trí tuệ đám đông lúc đấy sẽ được bộc lộ. Tôi rất là tiếc vì không có nhiều thời gian để chia sẻ quyển sách ấy. Cuốn sách ấy cực kỳ hay. Thế còn nói rằng nhà báo có khả năng định hướng dư luận nhưng mà tôi thì thích báo theo trường phái gọi là Facts & Figures nhiều hơn, tức là thiên về đưa tin, đưa sự kiện, đưa các con số. Việc đánh giá thế nào, nhận xét thế nào là của người đọc. Tôi rất sợ những bài báo có những dòng chữ mà nhà báo thường xuyên viết, à không phải thường xuyên viết mà tôi hay đọc được là: công luận bức xúc, dư luận lên tiếng. Công luận là các ông công luận nào, phỏng vấn được bao nhiêu người, bao nhiêu người nói thế, lứa tuổi nào, vị trí nào. Dư luận lên tiếng, dư luận là dư luận nào, tại sao nhà báo không dám viết rằng là tôi có ý kiến thế này mà lại phải nhân danh công luận, nhân danh dư luận. Tôi thường xuyên đọc phải những bài báo như vậy. Tức nhà báo tự cho mình ở vị trí là được thay mặt một đám đông rất lớn để nói, rất xin lỗi, kể cả những báo rất lớn cũng không có quyền ấy.

Nghĩa là anh vẫn đọc báo?

Tôi vẫn đọc báo chứ. Anh Lê Doãn Hợp có câu rất hay, anh ấy bảo là muốn biết thông tin hay đọc báo. Báo nghĩa là cả internet. Muốn biết nghề thì phải đọc tạp chí vì có những bài viết chuyên sâu, còn muốn làm người thì phải đọc sách. Ý kiến đó rất hay, trong xã hội thông tin mà nhiều tin như bây giờ thì chuyện này lại càng giá trị. Dường như những người đọc bây giờ, dành ra 95% cho phần đầu tiên là đọc báo tức là xem internet. Điều đấy nó làm cho đầu óc người ta cũng dễ lầm lạc, cũng dễ bị sa vào đám đông, cũng dễ không có chính kiến của mình. Bởi vì sao, có đọc cái gì sâu đâu, có nghiên cứu cái gì kĩ càng đâu.

Có một vài cá nhân, tạm gọi là nhân vật hot Fbker, khi mà có 1 chuyện gì đấy thì cả hội sẽ xâu xé vào. Chẳng hạn như thế. Đôi khi làm sai lệch hẳn vấn đề!

Hiện giờ tất cả các số nghiên cứu cho thấy thời  gian đi toilet của mọi người tăng gấp 2-3 lần. Lý do là bởi vì ngồi trong toilet vẫn mang theo điện thoại để lên mạng, để trao đổi trên mạng xã hội. Cho đến phút cuối cùng trước khi bạn ngủ vào ban đêm, thì hình ảnh cuối cùng rời khỏi bạn là một màn hình điện thoại. Rất nhiều bạn nửa đêm ngủ dậy, đi toilet cũng cố cầm điện thoại ngó cái xem có cái gì mới, sáng dậy đầu tiên chưa đi ra khỏi giường, chưa đánh răng rửa mặt mà  cầm cái điện thoại của mình đã.

Đấy là sự thật, thời gian làm việc bây giờ bị ngắt quãng liên tục, các câu chuyện tâm tình bây giờ cũng bị ngắt quãng liên tục bởi mạng xã hội. Tại thời điểm này, 2016 cuộc cách mạng lần thứ 4 - Cách mạng số. Đặc trưng của cách mạng số là gì? Là ngay lập tức, là connected, là tất cả mọi thứ được nối với nhau. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp số là IOP - Internet OF Thing. Tức là không phải tất cả mọi người được nối với nhau mà tất cả mọi thứ đều được nối với nhau.

Tôi biết anh online FB không chỉ để làm việc!

À thì đúng thế, tôi cũng dùng FB để kết nối bạn bè, theo dõi những vấn đề mình quan tâm. Ở chỗ chúng tôi có một anh, nick là Minh Chiết. Ngoài khả năng viết truyện cười thì anh có một khả năng rất đặc biệt là diễn giải tất cả các vấn đề phức tạp nhất của xã hội bằng một câu chuyện không qua 10 dòng. Những vấn đề đang rất nóng trong xã hội, lý luận rất phức tạp kể cả quan chức trả lời loằng ngà loằng ngoằng thì anh chỉ cần trong 10 dòng đã viết được. Hay tôi rất thích vật lý, tôi đọc rất nhiều sách về vật lý. và bây giờ tôi luôn luôn follow chú Cao Chi - Nguyên viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia. Chú viết những bài rất là ngắn gọn, rất hay về các xu hướng vậy lý hiện đại, các lý thuyết về vật lý hiện đại. Còn gì nữa nhỉ, để nghĩ xem, à tôi hay đọc nhận xét của vài người bạn tôi trên FB về PR Marketing, về mặt chính trị, tôi không tiện nêu tên, vì nêu tên các bạn ấy nở mũi quá.

Cá nhân tôi luôn đặt nguyên tắc là không bao giờ nói chuyện chính trị trên FB, bởi vì FB chỉ là một phần của cuộc sống mình thôi. Đừng đặt tất cả vào đấy.Thỉnh thoảng có khoe công việc bởi vì làm việc nhiều khi thành công sướng lắm, cũng muốn chia sẻ với bạn bè.

Mạng xã hội tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt là với giới trẻ!

Đặt câu hỏi ngược lại, khi mà chưa có mạng xã hội thì giới trẻ làm gì? Gần đây nhất là ngồi gặm hạt hướng dương, uống trà chanh và bốc phét. Trước đấy làm gì? Nằm vật 1 góc để ngủ, chẳng làm gì, đấy là sự thật. Trước hồi xưa nữa, hãy nhớ rằng hồi xưa nữa, các bạn trẻ ở nông thôn, cứ mỗi tối lại ra cái cầu bê tông ở đầu làng ngồi cho đến hết tối vì chẳng có gì xem, chẳng có gì làm. Sau đấy thì đổ tại là tivi, ngồi xem rất tốn thời gian. Thanh niên ở HN sau đấy thì chê tivi ra ngồi ở góc phố, gặm hạt hướng dương uống trà chanh và chém gió. Bây giờ nhờ có mạng xã hội họ ngồi ở bất cứ đâu, thậm chí là toilet để chém gió. Có nghĩa là trên thực tế, thời gian vô ích làm vào những việc như thế rất lớn.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn