"Máy hỏng thì thôi, chứ không nâng cấp iOS 11 đâu", Thạch Lam (Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên văn phòng, đã từng dùng qua nhiều đời iPhone chia sẻ.
Chiếc iPhone 6 Plus của Lam ra mắt năm 2014, trang bị hệ điều hành iOS 8.0. "Nó vẫn chạy tốt khi mình nâng cấp một lần lên iOS 9, và mình sẽ để nguyên nền tảng này".
Apple đã ra mắt iOS 11, nhưng với Thạch Lam, dòng iPhone 6 gặp nhiều vấn đề về trải nghiệm khi lên iOS 10: "những người dùng máy xung quanh tôi đều chung kết quả".
Anh Lam vẫn “cố thủ” với hệ điều hành iOS 9.0 vì tin rằng càng nâng cấp điện thoại sẽ càng yếu, rằng Apple cố tình làm vậy để người dùng phải rút hầu bao mua một thiết bị khác, rằng đội ngũ nghiên cứu và phát triển iOS càng ngày càng tồi tệ, khiến cho hệ điều hành này mắc nhiều lỗi.
Từ sau khi iOS 7 xuất hiện, từ khóa "có nên nâng cấp iOS 8/9/10" và các bài báo phân tích được/mất khi nâng cấp xuất hiện ngày một nhiều. Cũng như anh Lam, nhiều người ngại gặp lỗi, sợ máy sẽ chậm nhưng vẫn muốn nâng cấp vì những tính năng hấp dẫn mà bản iOS mới mang lại. Đó là tâm lý chung của người dùng Apple.
Tay bút công nghệ của Forbes, Dave Thier cũng từng nêu quan điểm về một hệ điều hành càng ngày càng dày đặc bản cập nhật. Hiện tượng treo máy, thoát ứng dụng xuất hiện nhiều hơn. Dave đã không bao giờ cập nhật hệ điều hành cho chiếc iPhone của mình. "Tôi không có nhu cầu, vài năm qua nó vẫn hoạt động tốt", Dave khẳng định.
Lòng tin của anh Lam và những người khác về một hệ điều hành càng nâng cấp càng chậm máy được xây dựng qua những lời "người ta nói", cảm nhận bản thân và qua những bài báo vạch lỗi của iOS.
Nhìn vào bảng thống kê số bản cập nhật dưới đây, có thể hiểu lòng tin của anh Lam về các tin đồn việc "càng nâng càng chậm" là hợp lý. Tần suất ra mắt các bản cập nhật nhỏ để sửa lỗi đang tăng theo thời gian. Bên cạnh iOS 4, phiên bản iOS 7,8,9 đang giữ kỷ lục về số lượng bản cập nhật với số lượng tăng dần từ 9-11 bản.
iOS trải qua 11 phiên bản trong suốt 10 năm qua. Từ chiếc iPhone 2G, đều đặn hàng năm Apple ra mắt bản iOS lớn cùng thời điểm ra mắt chiếc iPhone mới nhất của hãng vào Q2 hàng năm. Đến năm 2011 quy luật này thay đổi sang Q4 khiến iOS 4 là hệ điều hành của Apple có tuổi đời dài nhất với 471 ngày tồn tại.
Cách kí hiệu tên gồm 3 chữ số, chữ số đầu tiên là thứ tự các bản iOS chính, ra mắt hàng năm. Số thứ hai là các bản cập nhật tính năng bổ sung cách vài tháng. Số cuối cùng đại diện cho những bản sửa lỗi dựa trên thực tế và phản hồi của người dùng.
Hệ điều hành của Apple ngày càng có nhiều bản sửa lỗi và chúng diễn ra rất vội vã. Như iOS 8, chỉ trong 8 ngày ra mắt nó đã trải qua 3 phiên bản. Với iOS 9 con số này là 14 ngày cho 3 bản cập nhật. Và mới đây nhất là iOS 11 chỉ trong 15 ngày ra mắt nó cũng trải qua 3 phiên bản sửa lỗi.
Trước đây, những bản cập nhật đầu tiên sau khi ra mắt một iOS mới thường xuất hiện sau đó khoảng gần 1 tháng, chất lượng và có lộ trình rõ ràng. Nhưng gần đây con số ngày được tính bằng tuần, thậm chí là ngày với bản 8.0.2 xuất hiện sau 8.0.1 đúng 1 ngày. Điều này đặt ra hai vấn đề, Apple đã sản xuất ra những hệ điều hành ngày càng hời hợt, nhiều lỗi và họ giải quyết những lỗi nhanh chóng hơn.
"Apple trước đây ổn định, tin cậy, tạo cảm giác phấn khích cho người dùng khi trải nghiệm một phiên bản hệ điều hành mới. Apple bây giờ vội vã ra mắt hệ điều hành cho kịp chu kỳ, vội vã nhận ra lỗi và vội vã chạy theo để lắng nghe những bực dọc của khách hàng để sửa chữa", anh Lam nhận xét về iOS.
Khác với anh Lam, Cao Duy, một bạn trẻ đang sử dụng chiếc iPhone 5S ra mắt năm 2013 chạy iOS 7.0.6. Đây là phiên bản ổn định nhất của hệ điều hành này được Apple hỗ trợ đến năm 2016, thời điểm họ khai tử iOS 7.
Duy thường cập nhật những ứng dụng trên máy khi được yêu cầu và chiếc 5S của Duy đã chậm chạp rất nhiều dù vẫn là iOS 7. Tính năng và chất lượng của thông tin ngày một tăng khiến phần cứng chiếc điện thoại của Duy không thể chịu nổi nữa.
Trong khi đó anh Lam hầu như không cập nhật bất kỳ ứng dụng nào cộng với việc giữ nguyên hệ điều hành khiến thiết bị của anh Lam vẫn ổn định như những ngày đầu tiên.
Nghiên cứu mới đây của Futuremark đã kiểm tra hiệu suất của nhiều mẫu iPhone khác nhau trong 18 tháng bằng cách dùng phần mềm chấm điểm hiệu năng 3D Mark. Theo kết quả này, trải qua nhiều lần cập nhật, iPhone 5s vẫn giữ nguyên hiệu năng ở cả GPU và CPU.
Đối với các mẫu iPhone như 6s hay 7, Futuremark cũng thu được kết quả tương tự. Có sự tăng nhẹ hiệu suất GPU nhưng giảm ở CPU khi nâng cấp lên iOS mới.
iOS thật sự đang rất nhiều lỗi, nhiều bản cập nhật nhưng nó không phải nguyên nhân khiến cho chiếc iPhone của người dùng chậm đi. Ứng dụng, dữ liệu, trang web đều đang nặng dần lên. Trong khi cấu hình phần cứng của chiếc iPhone cũ kỹ vẫn không hề thay đổi.
Nên nhớ một thiết bị Android thông thường chỉ được hỗ trợ 1-2 phiên bản hệ điều hành nhưng iOS lại rất khác. iPhone 2G được Apple hỗ trợ nâng cấp 3 phiên bản hệ điều hành, con số này lên đến 4 hệ điều hành từ model iPhone 4 và iPhone 5 là 5 hệ điều hành.
Apple sẽ dừng hỗ trợ hệ điều hành nếu nó được 3 năm tuổi. Với chiếc iPhone 6 Plus của anh Lam, mua năm 2014, chạy trên iOS 8 và được hỗ trợ iOS 11 mới nhất. Nếu không cập nhật nó sẽ được hỗ trợ hết năm 2017 còn cập nhật thì đến tận 2020 nó mới chính thức bị Apple bỏ rơi. Chiếc điện thoại của anh Lam vẫn được Apple quan tâm ở thời điểm 6 năm kể từ ngày nó ra mắt.
Chiếc máy gần đây nhất bị dừng hỗ trợ nâng cấp là iPhone 5S với iOS 10 cũng sẽ được hỗ trợ đến năm 2020, tức 7 năm từ ngày ra mắt. Trong tất cả các hãng sản xuất, khó có thể có hãng thứ 2 hỗ trợ thiết bị cập nhật tốt như Apple. Nhiều bản iOS được hỗ trợ đồng nghĩa với việc người dùng có thể trải nghiệm thêm nhiều tính năng hơn nếu muốn.
Tuy nhiên, Apple hỗ trợ tốt đến mức khiến nghi ngờ trong anh Lam càng tăng hơn. Mỗi tối, trong cơn buồn ngủ, mệt mỏi của một ngày làm việc, anh vẫn phải tập trung để bấm vào dòng "Để sau", "Nhắc tôi sau" nhằm hủy bỏ đề nghị cập nhật từ Apple.
Ngoài những câu hỏi, gợi ý còn có những "tiểu xảo" của hãng như hiện một bảng thông báo yêu cầu nhập mã code để cập nhật. Anh Lam cho rằng Apple đang ra sức gạ gẫm thậm chí ép buộc anh nâng cấp mỗi ngày. Lại một lần nữa anh Lam cho rằng "Apple đang làm tiền tôi".
Về chính sách dùng thử, Apple chỉ dành cho người dùng có kiến thức về công nghệ hoặc lập trình viên. Họ hỗ trợ hạ cấp iOS thông qua iTunes. Người dùng có thể cập nhật và trải nghiệm iOS mới nhất và hạ cấp nếu cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên thời gian trải nghiệm hệ điều hành của người dùng chỉ khoảng một tuần trước khi Apple khóa sign. Khi đó, người dùng sẽ không còn đường nào để quay trở lại nền tảng cũ.
Việc Apple hỗ trợ người dùng cập nhật hệ điều hành thường xuyên và lâu dài là một hành động khó gặp ở nhiều hãng sản xuất khác. Nó mang đến nhiều tính năng mới, trải nghiệm mới, đồng nghĩa với việc nó khiến thiết bị chậm chạp do phần cứng không đáp ứng nổi.
"Nếu có tiền tôi vẫn mua một chiếc iPhone mới nhất, trải nghiệm hệ điều hành mới nhất. Tôi đã thử sử dụng nhiều hệ điều hành nhưng khi quay lại với iOS, tôi có cảm giác như được trở về nhà", anh Lam kết luận.
Theo Zing